Nhà văn “hotgirl” và quan điểm không cần học đại học
“Tôi thi ĐH như đi chơi và lao vào đời như chiến đấu”, status có quan điểm mới mẻ này của Vũ Phương Thanh, người được cư dân mạng gọi là “nhà văn hotgirl" đã được gần 1 vạn người thích và gần 6 nghìn lượt chia sẻ.
“Thi ĐH như chơi, lao vào đời như chiến đấu”
“Ngày này nhiều năm về trước, mình thi đại học. Học dốt như một con bò, đặc biệt là môn toán. Đôi khi mình còn nghĩ, con bò mà được đi học, có khi nó còn học giỏi toán hơn mình.
Mình thi khối D, có một thành tích vẻ vang là vào phòng thi khoảng 40 phút, mình làm hết sạch 5 câu đề thi đại học Toán. Thậm chí còn xin thêm giấy.
Hẳn giám khảo cảm thấy lúc ấy mình đáng ngưỡng mộ biết mấy. Làm toán mà xin giấy như làm văn.
Giỏi giang siêu phàm là như vậy, nhưng điểm thi đại học môn Toán của mình là 1 điểm. Được trọn điểm vẽ đồ thị.
Mình không đỗ được vào trường đại học mình thích, học một trường khác và sau đó bỏ ngang đi làm. Năm ấy, nhà mình cũng khó khăn. Bố mẹ thấy mình bỏ học, sợ con không có tương lai nên rất đau xót. Nghĩ lại thấy thương bố mẹ nhiều, vì phải khổ tâm lo con thất nghiệp, bị khinh.
Sau này, có nhiều lúc mình cảm thấy hối hận vì đã không kiên trì đến cùng để lấy được tấm bằng đại học. Để rồi nhiều lúc trên đường đời, bị dăm ba người khinh khi.
"Tôi đã từng đi thi đại học như đi chơi"
Từng có một giám đốc của một hãng điện thoại khá lớn thời điểm đó nói với mình rằng: "Em sao không sống dựa vào người yêu em, nhà giàu, để bạn đó nuôi cần gì phải đi làm?". Ý nói mình không có bằng cấp thì sao đủ tư cách cơ bản để đi làm công ty anh ấy? Song sau này, chính công ty ấy đã phải tìm đến mình hỏi về marketing và social media. Và bây giờ nó phá sản rồi. Do thời thế thay đổi, hay do người lãnh đạo quá lỗi thời?
Rồi một người rất giàu và học thức khác cũng đã từng chẳng buồn nhìn mình mà vội vàng nhếch mép: "Đối với tôi, tốt nghiệp đại học chỉ là xoá nạn mù chữ thôi."... Ý là mình mù chữ đấy!
Thời gian gần đây, có người cũng lôi chuyện mình học hành không tới nơi tới chốn ra xóc xỉa, kiểu: Tao học giỏi hơn nó. Điểm tao cao hơn điểm nó.
Bây giờ, mình đã có con rồi. Những lời nói đó của họ, kể cả ngày ấy và cho đến tận bây giờ, đối với mình là vô nghĩa. Mình vẫn nhởn nhơ sống, cống hiến cuộc đời mình và cảm thấy nó có ý nghĩa.
Mình chưa bao giờ coi tấm bằng là thước đo giá trị một con người. Và cũng không cảm thấy mình thua kém gì những người "điểm cao hơn", "học giỏi hơn".
Mình đã từng đi thi đại học như là đi chơi. Nhưng lao vào cuộc đời đầy bon chen và sống như là đang chiến đấu. Có gì khác nhau giữa người cầm bằng và người thiếu nó? Có chăng chỉ là định kiến của xã hội hẹp hòi. Mình có mọi thứ mình muốn, dù hơi khó khăn một chút, nhưng vẫn chẳng tới nỗi nào. Đâu phải làm siêu sao trường học thì sẽ không nặng nhọc với cuộc đời?
Nói sao nhỉ, mình sau này rất thích đi học. Việc học đối với mình khi trưởng thành là một niềm yêu thích, như thể một thú vui. Mình đọc nhiều hơn và hiểu nhiều hơn. Tất cả việc làm đó là tự nguyện, không phải vì trách nhiệm.
Ai đó nói họ giỏi hơn mình. Nếu giỏi hơn thì không cần phải hạ mình so sánh với mình làm gì, cho lòi bản chất tiểu nhân đố kị. Người giỏi luôn ở vị trí mà người khác khát khao được vươn tới. Chứ không phải cúi mình để so sánh với bất kỳ ai.
Mai thi đại học, đừng đặt nặng đỗ - trượt. Đừng để suy nghĩ tiêu cực chi phối bản thân. Cứ như là đi dạo ấy, được thì được, không được thì đi tiếp đường khác thôi, bạn ạ”!
Có thể tự học để làm bác sĩ?
Ngay sau khi status này được đăng tải, có hàng nghìn lượt bình luận khen- chê trái chiều khác nhau. Bạn Phạm Tú Ngọc chia sẻ: “Em đang bước vào kì thi đại học. Đọc đoạn chị viết, tự dưng thấy phân vân, đắn đo. Con đường đại học chưa phải là cách duy nhất để thành công, nhưng em (và phần lớn các bạn khác) chỉ là những người bình thường, gia đình chỉ đủ sống, không có tài năng thiên bẩm gì nên vẫn phải phấn đấu vì cái trước mắt. Còn em nghĩ, người phụ nữ chỉ thật sự thành công và hạnh phúc khi có gia đình của mình làm điểm tựa”.
Nhiều người cho rằng, quan điểm của nhà văn Gào chưa thực sự xác đáng
Bạn đọc có biệt danh Bút Xóa cho rằng: “Đối với những người sinh ra ở thành phố, hoặc chí ít là những nơi dễ sống thì tấm bằng ĐH chẳng là gì. Vì không có nó họ có thể sống bằng nghề khác, bằng con đường khác. Nhưng đối với vùng quê nghèo, tấm bằng ĐH gần như là con đường duy nhất mở ra những cơ hội của cuộc đời! Cái gì cũng có thể toàn diện ở góc này nhưng lại phiến diện ở góc kia Gào ạ”!
Cùng tâm sự này, bạn Vũ Thảo chia sẻ: “Đọc bài này 3-4 lần rồi, ngẫm lại chị nói đa phần là đúng,nhưng nhiều cái chưa thật sự xác đáng! Em áp dụng từ bản thân mình ra thôi. Sở dĩ em nói vậy, vì em học ngành Y. Và với ngành này, hẳn chị cũng hiểu việc học đại học quan trọng như thế nào. Liệu mấy ai có thể tự học để có thể làm được bác sỹ! Một người có thể rất thông minh,có tài năng về lĩnh vực này hay lĩnh vực khác nhưg không qua quá trình rèn luyện từ việc học,liệu anh ta có thể phát huy năng lực? La sơn phu tử Nguyễn Thiếp cũng đã từng nói:"Ngọc không mài không thành đồ vật. Người không học không biết rõ đạo".
Theo phân tích của bạn Vũ Thảo, người ta có thể học từ trường đời, từ cuộc sống nhưng đại học vẫn là một môi trường tốt. Có nhiều cái chỉ có thể học trong trường đại học mà thôi! Liệu có ai nhận một bác sỹ không bằng cấp vào làm? Thậm chí có thể còn bị bắt về hành nghề trái phép nữa! “Bài viết của chị rất hay, nói nhiều cái rất đúng nhưng có nhiều mặt trái đối với người đọc. Đặc biệt là những em sắp thi đại học. Các em sẽ xem nhẹ việc học đại học,và sẽ nghĩ rằng nếu không học đại học thì sẽ có những con đường khác! Xin thưa với các bạn, phải, có rất nhiều nhưng con đường khác nhưng nó gập ghềnh trắc trở lắm. Thậm chí có những con đường một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, nhiều con đường như vậy, tại sao chúng ta không chọn con đường dễ đi nhất, phải không ạ?”, bạn đọc Vũ Thảo cho biết.
Bạn đọc CindyNguyen cũng khẳng định: “Nói như Gào, mình không ủng hộ lắm. Có được đi học mới biết nhiều điều để sau này ra đời mới không phải vật lộn, bon chen. Mình bây giờ đi lao động nước ngoài thôi nhưng thấy rõ được việc học giúp ích cho mình như thế nào. Học cao hay thấp chắc chắn là đánh giá được bạn giỏi hay không giỏi . Đơn giản bạn có giỏi, có cố gắng ,có thông minh thì bạn mới học giỏi. Còn ngoài trường đời , bạn có thành công hay không, ngoài việc bạn đã có trí thông minh và sự cố gắng bạn cần phải có thêm 50% may mắn”.
Nhà văn Gào tại buổi ra mắt cuốn sách "Nhật ký son môi".
Trả lời một trong số những ý kiến này, chủ nhân facebook Gào cho biết, chị có một người bạn học đại học. Đỗ trường điểm cao. Cả nhà ăn mừng hơn đám cưới. Năm năm sau, bạn ấy mới ra trường thì nhà văn Gào đã đi làm được 4 năm. Lương bạn ấy khởi điểm khoảng 5 triệu đồng, còn của Gào là 50 triệu đồng. Bạn ấy có nói không hay về việc lương của Gào cao.
Nhưng bạn ấy không không biết rằng, ở một số ngành nghề, hay đa số ngành nghề, mức lương thường đi liền với năng lực và cả kinh nghiệm theo thời gian rất dài mới đúc rút ra được. Vì vậy Gào nghĩ, những năm tháng học vẹt của bạn ấy trong trường đại học là quá ư hoang phí. Học luôn là rất cần. Nhưng đừng học vẹt, học vì cái bằng chứ ko vì kiến thức, như vậy sẽ rất lãng phí.
Gào (Vũ Phương Thanh) sinh năm 1988, thuộc thế hệ những nhà văn cuối thời 8X. Trong vài ba năm trở lại đây, cái tên Gào đã gây được sự chú ý trên văn đàn, đặc biệt đối với giới trẻ tuổi teen yêu văn học. Chị là một blogger đính đám và được cộng đồng mạng phong danh là "nhà văn hotgirl". Với 2 tiểu thuyết: “Cho em gần anh thêm chút nữa”(2009); “Nhật ký son môi” (2010), cái tên Gào mới chỉ được ít nhiều người biết tới nhưng khi “Tự sát” (2011) chính thức ra mắt, cái tên Gào đã thực sự đình đám. |
Xem thêm các bài viết liên quan:
Gào - "nhà văn hotgirl" hút độc giả trẻ Hà Nội
Nữ sinh Báo chí mơ ước trở thành nhà văn