"Nhà leo núi" Olympia: Con gái Hà Nội rất xinh

Ra Thủ đô, Trọng Nhân rất thích nghe giọng nói Bắc nhẹ nhàng và thấy con gái Hà Nội rất xinh.

Là gương mặt cuối cùng ghi danh vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứu 14, nhưng Nguyễn Trọng Nhân (trường THPT chuyên Tiền Giang) lại là người có số điểm cao nhất trong tất cả bốn thi sinh với 260 điểm. Mới đây, em lại vừa đỗ vào khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) với số điểm 24,5.

Ngày 30/7, Nguyễn Trọng Nhân đã có mặt tại Hà Nội để chuẩn bị cho vòng thi về đích Đường lên đỉnh Olympia 14. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Trọng Nhân để hiểu thêm về "nhà leo núi" đến từ mảnh đất Tiền Giang xa xôi.

Chào Nhân! Sắp phải chạy đua cùng ba nhà “leo núi” khác trong vòng thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia, tâm trạng của em giờ thế nào?

Em cảm thấy vui và hạnh phúc nhiều hơn là lo lắng vì một lần nữa em lại được ra Hà Nội, ăn những món ngon ở Thủ đô và đặc biệt là được nghe giọng Bắc. Rất là nhẹ nhàng!

Ngay từ đầu khi tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, em đã không đặt nặng vấn đề thắng thua. Em chỉ muốn được tham gia để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tích lũy nhiều thêm những kiến thức xã hội. Tất nhiên, đến với vòng thi này thì em cũng hồi hộp và lo lắng hơn một chút vì trước đó, để có mặt ở đây, em cũng đã nỗ lực rất nhiều và sau nó là một cơ hội rất lớn.

Nhưng dù sao em cũng phải tạo ra được tâm lý thoải mái nhất cho mình để dành được số điểm cao nhất.

Em đã chuẩn bị được những gì trong vòng thi sắp tới?

Trước khi ra đây, em đã dành thời gian xem lại các cuốn sách của thầy cô đưa cho và ôn lại một chút kiến thức văn hóa. Tất nhiên, theo em kiến thức văn hóa cũng như sự am hiểu kiến thức xã hội phải là sự tích lũy trong cả quá trình nên giờ có cố nhồi nhét cũng không được. Từ hôm qua đến giờ em chỉ nghỉ ngơi, nạp năng lượng thôi (cười).

Ngoài ra, em còn xem lại một số phần thi nổi bật của các anh chị đã từng vô địch ở những năm trước để học hỏi kinh nghiệm về mặt tâm lý khi thi cũng như cách thức các anh chị “leo núi”. Em thấy ấn tượng nhất với phần thi của anh Đặng Thái Hoàng (vô địch năm thứ 12) và anh Hoàng Thế Anh (vô địch năm thứ 13).

"Nhà leo núi" Olympia: Con gái Hà Nội rất xinh - 1

Trọng Nhân cười rạng rỡ với vòng nguyệt quế

Em đánh giá như thế nào về ba đối thủ của mình trong vòng thi chung kết? Ai sẽ là đối thủ nặng kí nhất của em?

Cả ba đối thủ của em trong vòng thi này đều là những bạn nam tài giỏi và đặc biệt là rất tự tin. Em nghĩ ai cũng là đối thủ nặng kí của em.

Nhưng em đặc biệt ấn tượng với các phần thi của bạn Hoàng Bách. Bạn ấy luôn trả lời rất nhanh và dứt khoát, hơn nữa lại rất tự tin. Khối kiến thức của bạn ất rất dồi dào cả về kiến thức tự nhiên lẫn kiến thức xã hội.

Đó là trong cuộc thi, còn ngoài đời thì em lại khâm phục bạn Nguyễn Ngọc Anh, vì bạn ấy vừa đạt thủ khoa của hai trường đại học lớn với số điểm rất cao. 

Trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia em thích phần thi nào nhất? Phần thi nào là thế mạnh của em?

Em thích phần thi Về đích nhất và đó cũng là phần thi thế mạnh của em. Vì trong các vòng thi trước, em đều dành được số điểm rất cao trong phần thi đó. Hơn nữa, em có cảm giác, đến phần thi về đích thì cuộc đua mới thực sự bắt đầu. Nếu ai giữ vững được tâm lý thì sẽ tăng tốc rất nhanh ngay cả khi sắp về đích và chinh phục thành công ngọn núi Olympia.

 Vậy bí quyết nào để em đạt được điểm cao cho mỗi phần thi của mình?

Bí quyết của em chỉ là tiếp nhận câu hỏi nhanh, tư duy nhanh, quyết định nhanh và trả lời nhanh. Đặc biệt là phải kiên định với mỗi câu trả lời của mình.

Trong vòng thi chung kết, em là thí sinh đến từ nơi xa nhất, vậy có những ai đồng hành cùng em về thủ đô? Trước khi ra Hà Nội, thầy cô, gia đình và bạn bè có đặt kỳ vọng nhiều vào em?

Đi cùng em ra Hà Nội tham gia vòng chung kết lần này chỉ có cô Trương Thị Hồng Nhung (phó bí thư đoàn trường THPT chuyên Tiền Giang). Vì xa xôi nên hai cô trò em ra Hà Nội từ hôm 30/7 để có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe cho cuộc thi.

Thầy cô và bạn bè thì luôn cổ vũ động viên em cố gắng hoàn thành tốt các phần thi, nhưng không ai cho em cảm giác bị áp lực về điểm số hết. Hơn nữa, hôm thi đã có cầu truyền hình kết nối trường quay với thầy cô, các bạn nên em cũng cảm thấy vững tâm hơn.

Còn bố mẹ, gia đình em thì luôn dặn dò em phải giữ gìn sức khỏe đừng lo lắng và áp lực quá. Tuy chỉ có hai cô trò ra Hà Nội nhưng em vẫn cảm nhận được sự dõi theo của tất cả mọi người.

"Nhà leo núi" Olympia: Con gái Hà Nội rất xinh - 2

Trọng Nhân đăng quang trong vòng thi quý 4

2 ngày ăn, chơi ở Thủ đô, em cảm nhận như thế nào về con người và cuộc sống ởHà Nội?

Đây là lần thứ 3 em được ra Thủ đô. Cảm nhận mỗi lần ra một khác.

Nhưng lần này được đi chơi nhiều hơn, thưởng thức nhiều món ăn hơn, được lang thang trên nhiều con phố hơn... và em nhận thấy rõ ràng nhất là thời tiết ngoài này mát mẻ hơn thời tiết quê em. Tiền Giang quê em khắc nghiệt lắm!

Đi ăn thì thấy đồ ăn ở đây cay hơn. Trò chuyện thì thấy rất thú vị vì giọng nói của người Bắc rất nhẹ nhàng, thân thiện. Và điệu đặc biệt là con gái Hà Nội thì rất là xinh (cười lớn).

Nếu là người chiến thắng trong vòng thi chung kết sắp tới, em đã có dự định gì chưa?

Nếu chiến thắng, dành được học bổng thì em sẽ đi du học và chọn một ngành yêu thích, phù hợp với mình.

Nếu không thì sao?

Còn nếu không thì em sẽ tiếp tục đi học ĐH Tự nhiên, khoaCông nghệ thông tin. Dù thế nào, em cũng cảm thấy vui vì mình vẫn tiếp tục được học tập.

Và nếu được đi du học, em có ý định quay về quê lập nghiệp không?

Em được biết, nếu dành được học bổng 35.000 USD, người vô dịch sẽ học chương trình Anh – Văn 1 năm tại Việt Nam rồi đi du học. Hoàn thành chương trình cử nhân 4 năm thì sẽ được học lên thạc sỹ, tiến sỹ rồi làm việc cho công ty ở đó hai năm.

Nếu em được đi du học thì sau khi hoàn thành chương trình học tập cũng như nhiệm vụ công việc ở nước đó, nhất định em sẽ về Việt Nam làm việc.

Cảm ơn em! Chúc em giành chiến thắng trong vòng thi chung kết vào ngày mai!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vi ([Tên nguồn])
Đường lên đỉnh Olympia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN