Nhà có 2 điện thoại phải hoạt động hết công suất vì 3 con học online
Nhiều phụ huynh thừa nhận, họ thật sự lo lắng, bất an khi thấy con học online thiếu hiệu quả.
Không phải ai cũng có điều kiện chuẩn bị đủ thiết bị hiện đại cho con học online (ảnh: Hằng Nga)
Con cái học online để “né” dịch COVID-19 nhưng vất vả, căng thẳng hơn cả lại là bố mẹ. Nhìn thấy quá nhiều những rào cản, khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức với hình thức học trực tuyến, nhiều phụ huynh không tránh khỏi lo lắng, bất an.
“Lớp học nhốn nháo như cái chợ”
Sau buổi học online chính thức của con, chị Trâm (phụ huynh có con học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Nghệ An) có biết bao tâm sự. Cảm nhận đầu tiên của chị là lớp học nhốn nháo, lộn xộn như thời loạn lạc. Một lớp có 40 học sinh, vừa chào hỏi nhau, vừa chào hỏi giáo viên, vừa hỏi cô cách mở mic, tắt mic, tiết học, bài học… Chị Trâm kết luận: “Các giáo viên chắc phải có tinh thần thép mới dẹp loạn được cái lớp học ầm ĩ này”.
Theo như chị quan sát, cô giáo phải mất 20 phút mới ổn định được lớp học, sau đó vừa kịp dạy hết một bài đã hết giờ. Bản thân chị nhìn cách con học bài cũng lo lắng bội phận.
“Có mẹ ngồi cạnh, chiếc thước kè kè trên tay với đủ lời hăm dọa, cảnh cáo, Kem vẫn vặn vẹo chẳng khác nào sâu đo. Con hát, con nói, con quay, con nhảy… Nạt nộ cả buổi học con vẫn không chịu ngồi yên học hành tử tế. Các bạn khác cũng chẳng khá hơn, thi thoảng lại có em xin cô giáo cho đi uống nước, đi vệ sinh, có bạn thì còn chưa kịp ăn cơm tối, xin cô cho vừa ăn vừa học… Có nhà thì quên tắt mic, tiếng chó sủa, tiếng bố mẹ quát con oang oang, ảnh hưởng đến cả lớp học. Cô dạy đã mệt, nhắc nhở học sinh và phụ huynh còn mệt hơn”, chị tâm sự.
Học sinh tiểu học khó có thể tập trung khi học online (ảnh minh họa)
Chị Trâm không hình dung được, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ không thể kèm con học thì mọi chuyện sẽ ra sao. Bản thân chị cũng sẽ có những ngày bận rộn với đứa nhỏ hoặc bận việc nhà, không thể ngồi bên hướng dẫn, nạt nộ thì con có thể tiếp thu được bao nhiêu kiến thức?
“Nói chung là rất nhiều cảm xúc, nhiều nỗi bất an và lo lắng. Tôi chỉ mong dịch sớm qua đi, con được đến trường, trực tiếp học với cô, với phấn trắng, bảng đen”, chị nói.
Nhiều phụ huynh chật vật với việc học online của con khi đường truyền mạng không tốt, liên tục bị “out” ra khỏi phòng zoom. Chưa kể, nhiều ông bố bà mẹ làm lao động tự do, không giỏi công nghệ thông tin, khó có thể giúp con học thuận lợi.
Anh Phan Dũng (ngoại thành Hà Nội) hiểu rõ điều này. Nhà anh không có máy tính, hai chiếc điện thoại màn hình nhỏ của bố mẹ nhường cả cho hai đứa con lớp 7 và lớp 3 học online. Những buổi học đầu tiên, anh phải nghỉ làm, ở nhà hướng dẫn con vào học nhưng bản thân anh cũng không quá thành thạo việc này nên mất nhiều thời gian.
Nhiều phụ huynh lo lắng, bất an khi tiết học online của con kém hiệu quả (ảnh minh họa)
Con học online một tiếng rưỡi, thì anh mất 30 phút đưa con vào lớp trực tuyến. Khi vào được rồi thì vẫn thấy lớp nháo nhác như cái chợ, không nghe thấy cô nói gì, hỏi nhiều lần cũng không thấy cô đáp… Loay hoay một hồi mới biết, thì ra anh chưa mở mic.
“Con trai tôi hỏi mãi chẳng thấy cô nghe hay trả lời, nó buồn quá quay ra khóc nức nở. Rồi thi thoảng, đang học lại bị out ra, lại nhốn nháo xin vào lớp… Cả buổi học cứ trôi qua như thế, không biết các con tiếp thu được bao nhiêu. Các lớp lớn thì không nói làm gì vì các bạn đã có ý thức, kỷ luật và biết cách học trực tuyến, còn các lớp nhỏ thì gian nan lắm”, anh chia sẻ.
“Nhà 3 đứa con phải nhường nhau điện thoại học online”
Kể từ khi biết chương trình học online, chị H.T. (Nghệ An) đã thấp thỏm lo lắng. Nhà chị có 3 đứa con, đứa cả học lớp 10, đứa thứ hai học lớp 5, đứa út học lớp 1 nhưng vợ chồng chị lại chỉ có hai chiếc điện thoại màn hình nhỏ, pin phập phồng. Vợ chồng chị là lao động tự do, không có điều kiện sắm sửa máy tính cho con học, đến chiếc điện thoại để liên lạc làm ăn cũng nhường hết cho con.
Các phụ huynh rất nỗ lực để con có thể học trực tuyến thành công (ảnh: Hồng Cảnh)
Khổ nỗi, 3 đứa con lại chỉ có hai chiếc điện thoại. May mắn, đứa út nhà chị T. học lớp 1, ca học vào buổi tối nên không “tranh” với anh chị. Hai “chiến binh” lớp 10, lớp 5 học liên tục các tiết vào buổi sáng, buổi chiều. Thi thoảng 1 chiếc điện thoại hết pin, phải chờ sạc, một trong hai đứa trẻ phải nhường điện thoại cho nhau.
“Những lúc như thế thì đứa nào học môn chính được cầm điện thoại, đứa nào học môn phụ phải bỏ. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, việc kiểm soát con học chủ yếu nhờ ông bà, cũng không biết hiệu quả đến đâu. Nhưng biết làm sao được, mưu sinh vẫn cứ phải mưu sinh thôi”, chị ngậm ngùi.
Việc gửi bài kiểm tra của con cho cô chấm cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Sang (Vĩnh Phúc) kể, hai con chị tự học online tại nhà, không có bố mẹ kèm cặp. Nhiều khi chị đang đi làm, cô giáo gọi đến yêu cầu bố mẹ chụp ảnh bài kiểm tra gửi cho cô gấp để chấm bài. Chị không biết xoay sở ra sao, đành nhờ hàng xóm sang chụp hộ.
Bài kiểm tra không đạt chuẩn về chữ viết, khó nhìn, khó chấm, cô giáo gọi điện góp ý chị, chị lại phải gọi về yêu cầu con làm lại, chụp lại. Vòng quay luẩn quẩn, chỉ vì việc học của con mà chị không thể yên tâm làm việc.
Việc con cái học online đối với các phụ huynh còn nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đa phần đều cố gắng khắc phục để con tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất trong thời đại dịch COVID-19 này.
Hình thức học mới mẻ này đem đến cho cô - trò không ít tình huống “dở khóc dở cười”.
Nguồn: [Link nguồn]