Người Việt trẻ ngày càng cuồng concert nội

Sự kiện: Giới trẻ 2025
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Máy bay hạ cánh xuống Nội Bài sát giờ khai mạc concert "Anh trai say hi", Thanh Hương gửi hành lý nhờ bạn cầm về giúp còn mình bắt taxi đi thẳng đến buổi diễn.

"Nếu quá giờ check-in, tôi chấp nhận đu rào ở ngoài miễn được nghe các thần tượng hát", nữ du học sinh Việt vừa bay từ Hàn Quốc nói, chiều 7/12.

Cô đã chi hơn một triệu đồng mua vé của đêm nhạc và gần 30 triệu cho chuyến bay khứ hồi Hàn Quốc - Việt Nam để được hòa mình cùng những người hâm mộ khác và "gần các anh hơn chút". "Có giàu trí tưởng tượng nhất tôi cũng không nghĩ có ngày mình phát cuồng bởi một concert nội như thế này", Thanh Hương, 24 tuổi, nói.

Năm 21 tuổi, Hương sang Hàn Quốc du học vì mê mẩn nhóm nhạc BTS. Cô chi không ít tiền để sưu tầm ảnh dán tường, đĩa CD, đồ dùng có in hình thần tượng và "đi đu concert" của các chàng trai xứ kim chi.

Nhưng năm nay, Hương bị thu hút bởi các gameshow âm nhạc Việt. "Các nghệ sĩ trong nước cũng có vẻ ngoài cuốn hút, kỹ năng biểu diễn và sáng tác không kém cạnh sao quốc tế", nữ du học sinh nói. Khi biết tin có concert tổ chức ngày 7/12 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), cô lập tức lên kế hoạch săn vé, book chuyến bay về nước, chấp nhận tiêu sạch số tiền tiết kiệm.

"Được cùng hàng chục nghìn người Việt 'đu' thần tượng ngay trong nước và hát những bài nhạc Việt, tự hào vô cùng", Hương nói. "Đây là điều mà trước những năm 2020, các nghệ sĩ Việt Nam gần như không làm được".

Đỗ Phú Quí (trái), Quang Hùng MasterD xuống sát sân khấu tặng quà khán giả trong concert ngày 9/12. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Đỗ Phú Quí (trái), Quang Hùng MasterD xuống sát sân khấu tặng quà khán giả trong concert ngày 9/12. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

"Bỗng dưng cuồng concert nội" cũng là cảm xúc của chị Trần Mạn Nhu, 35 tuổi, Việt kiều Mỹ.

Chị Nhu nói từng tham gia nhiều concert của các nhóm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc bởi thích đêm diễn có hàng chục nghìn người, tổ chức quy mô cùng màn trình diễn mãn nhãn. Nhưng sở thích âm nhạc của chị bất ngờ chuyển hướng khi xem một chương trình âm nhạc của các nghệ sĩ trong nước giữa năm nay.

Tháng 8, chị Nhu xin gia đình cho về Việt Nam để tổ chức 6 fan project (hoạt động tổ chức cho thần tượng) cho hai ca sĩ Soobin Hoàng Sơn và Kay Trần. Chị còn chuyển sang làm việc từ xa để có thời gian phục vụ đam mê mới này.

Giải thích lý do chuyển từ thần tượng nước ngoài sang các nghệ sĩ Việt, chị Nhu nói nghệ sĩ Việt ngày nay thể hiện tài năng không kém nghệ sĩ quốc tế mà còn truyền năng lượng tích cực. Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa truyền thống cũng được lồng ghép vào từng tiết mục. Từ chèo, dân ca cho đến nhạc cách mạng đều được làm mới nhưng vẫn giữ nét truyền thống, khơi gợi lòng tự hào dân tộc.

"Cũng giống như nghệ sĩ Tự Long từng chia sẻ, văn hóa là bản chất, là cội nguồn, là dân tộc càng khiến người trẻ như chúng tôi thêm yêu nhạc Việt", chị Nhu nói.

Chị Mạn Nhu (áo trắng) cùng người bạn thân chụp ảnh tại booth của hai anh tài Soobin Hoàng Sơn và Kay Trần, trước đêm concert Anh trai vượt ngàn chông gai ngày 14/12 tại Hưng Yên. Ảnh: Nga Thanh

Chị Mạn Nhu (áo trắng) cùng người bạn thân chụp ảnh tại booth của hai anh tài Soobin Hoàng Sơn và Kay Trần, trước đêm concert Anh trai vượt ngàn chông gai ngày 14/12 tại Hưng Yên. Ảnh: Nga Thanh

Thanh Hương hay chị Mạn Nhu nằm trong số hàng chục nghìn người hâm mộ tham dự các concert được tổ chức tại TP HCM, Hà Nội và Hưng Yên từ tháng 10 đến nay. Họ đa phần là người hâm mộ của các nghệ sĩ tham gia hai chương trình Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai. Tại đêm concert, hàng nghìn người không mua được vé vẫn quyết tâm bám rào để nghe thần tượng hát từ xa.

Không chỉ hai chương trình trên, những đêm diễn của các ca sĩ như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm, Sơn Tùng MTP, Vũ, Đen Vâu trước đó cũng thu hút hàng chục nghìn người hâm mộ.

"Hiện tượng này đánh dấu sự thay đổi trong văn hóa thần tượng của người trẻ Việt", tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Phân viện Học viện hành chính tại TP HCM nói.

Theo chuyên gia, mỗi thế hệ có một đặc trưng trong cách thể hiện tình cảm với thần tượng. Các thế hệ trước thể hiện sự hâm mộ các nhà hiền triết bằng cách sưu tầm sách, câu nói nổi tiếng. Đến thế hệ 7X, 8X lại thích sưu tầm đĩa nhạc CD, ảnh chụp người nổi tiếng. Còn giờ, người trẻ có cơ hội được đi tham gia các show âm nhạc.

"Việc tham dự các show âm nhạc giúp người trẻ hình thành kỹ năng sống, giao tiếp và học cách chi tiêu thông minh thay vì ỷ lại vào bố mẹ. Thậm chí những người chung sở thích âm nhạc cũng bắt đầu kết hợp, cùng tổ chức các dự án vì cộng đồng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người", bà Minh nói.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng quan điểm khi cho rằng "thần tượng là cách người trẻ xác định bản sắc để trưởng thành".

Ông nhận xét, với hai chương trình Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai thành công bởi sự sáng tạo của ekip và các nghệ sĩ Việt đã thổi hồn bản sắc văn hóa, giúp những người trẻ cảm thấy gần gũi, được kết nối, tự hào với những giá trị và bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ trẻ rất tài năng, nỗ lực hết mình để đầu tư cho tác phẩm nghệ thuật, giúp công chúng thỏa mãn giá trị giải trí và chạm đến họ qua các giá trị văn hóa, phẩm chất con người hoặc niềm tự hào về những câu chuyện lịch sử.

"Điều này mang đến nhiều thay đổi tích cực cho sự phát triển nền âm nhạc và giải trí trong nước, tạo ra một "hệ sinh thái" nghệ thuật bền vững, thúc đẩy sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh. Và ngược lại, những người trẻ ngày càng tìm thấy những thông điệp mới, những thần tượng mới để định hướng cho cuộc sống, tương lai và sự nghiệp của mình", ông Nam nói.

31 nghệ sĩ hát bài "Niềm tin chiến thắng" dưới sự cổ vũ của khán giả trong concert Anh trai vượt ngàn chông gai, đêm 14/12 tại Hưng Yên. Video: Quỳnh Nguyễn

Như Mạn Nhu và những người bạn, ngoài các dự án tổ chức riêng cho hai ca sĩ yêu thích, nhóm cũng lấy tên thần tượng đóng góp 20 triệu động vào Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ủng hộ đồng bào miền Bắc sau bão Yagi và 45 triệu đồng cho quỹ Nhịp tim Việt Nam.

Trong bản sao kê hơn 12.000 trang của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam công bố hồi tháng 9/2024, cho thấy đông người hâm mộ của nghệ sĩ Việt cũng lấy tên thần tượng đại diện để ủng hộ đồng bào sau bão lũ.

"Không chỉ muốn thần tượng của mình được nhiều người biết đến, tôi hy vọng khơi gợi được tinh thần yêu nước, lá lành đùm lá rách qua các hoạt động thiện nguyện", chị Nhu nói.

Người phụ nữ 35 tuổi cũng khuyên mỗi cá nhân nên thể hiện tình yêu đúng cách, tùy điều kiện chứ không chạy theo trào lưu, sự ganh đua mà vay nợ hoặc có bình phẩm tiêu cực các nghệ sĩ không yêu thích.

Sân khấu concert Anh trai vượt ngàn chông gai đêm 14/12 tại Hưng Yên. Ảnh: Giang Huy

Sân khấu concert Anh trai vượt ngàn chông gai đêm 14/12 tại Hưng Yên. Ảnh: Giang Huy

Đầu tháng 12, chị Ngọc Huệ, 60 tuổi, đưa con gái từ TP HCM ra Hà Nội tham dự concert Anh trai say hi, bởi hai mẹ con cùng thần tượng ca sĩ Hiếu Thứ Hai. Lần đầu trải nghiệm buổi hòa nhạc với phần trình diễn sôi động, hàng chục nghìn khán giả reo khiến bà mẹ một con thích thú.

"Các nghệ sĩ Việt ngày nay rất tài năng, trình diễn đẹp, sân khấu hoành tráng. Mẹ con tôi đã có một đêm nhạc đáng nhớ", chị Huệ nói.

Kiều Oanh nói đã sợ kết hôn, thề không dính líu đến đàn ông sau hai lần ly hôn trong gần hai năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN