Người trẻ vươn mình bứt phá (Bài 2): Cuộc phiêu lưu, chinh phục mạng 5G, 6G
Chàng tiến sĩ trẻ quê xứ Thanh Trịnh Văn Chiến, một trong những nhà khoa học đang tham gia vào cuộc phiêu lưu đầy táo bạo để phác thảo đường nét đầu tiên để ứng dụng đối với mạng 6G trong tương lai. Hành trình ấy được anh ví như “leo lên đỉnh núi mù sương” để vượt qua giới hạn của công nghệ hiện tại.
Leo lên đỉnh núi mù sương
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa), thuở nhỏ Trịnh Văn Chiến luôn được bố mẹ đốc thúc học tập để thoát nghèo. Học ở trường làng, ngày đó cậu bé Chiến chỉ có những giấc mơ trẻ con như muốn làm thầy giáo tiểu học hay bác sĩ cứu người. “Danh xưng nhà khoa học có lẽ là ước mơ xa xỉ chưa xuất hiện trong một đứa trẻ nhà nghèo như tôi thời ấy”, TS Chiến nói.
TS Trịnh Văn Chiến, giảng viên trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Bách khoa Hà Nội) hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.
Suốt những năm học cấp 3, Chiến cũng chưa mường tượng lĩnh vực mà mình sẽ theo đuổi và chỉ có một mục tiêu duy nhất: đỗ đại học. Thi đỗ ngành Điện tử viễn thông (ĐH Bách khoa Hà Nội), với Chiến 2 năm học đầu trôi qua nhanh bởi chủ yếu học về lý thuyết. Chỉ khi bước sang năm học thứ 3 mới thực sự khiến cậu sinh viên tỉnh lẻ như Chiến hứng thú khi được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Với bản tính tò mò về thiết bị và các định hướng gắn với môn học, Chiến đã chọn lên phòng nghiên cứu để được các thầy chỉ dẫn.
“Cảm giác hào hứng đến phòng nghiên cứu đã nhanh chóng bị thay thế bởi sự ngại ngùng, tự ti, nhút nhát của tôi mỗi khi muốn bày tỏ hay đề nghị điều gì đó với giảng viên hướng dẫn. Vì thế, thời gian đầu, tôi chỉ được giao nhiệm vụ duy nhất, đó là quan sát”, TS Chiến nhớ lại.
Song song với quan sát, Chiến tập trung vào đọc và hiểu các tài liệu chuyên ngành. Rồi cậu cũng được tham gia làm mô phỏng thực nghiệm. Đây là giai đoạn thực sự thách thức với Chiến khi cậu phải đối mặt với hàng chục lần thất bại. Cậu luôn bị các tạp chí khoa học từ chối xuất bản các bài báo khoa học đầu tay.
Những thách thức ấy được chàng tiến sĩ trẻ quê xứ Thanh ví như đoạn đường trơn trượt, mờ ảo, nhất là khi vươn đến vùng đất mới như Hàn Quốc (học thạc sĩ), Thụy Điển (nghiên cứu sinh) với nguồn dữ liệu mở phong phú.
“Tôi có một chút phiêu lưu vì phải mò mẫm, dò đường. Nhưng khi vén được lớp mù sương dần tan đi, tôi thực sự có sức bật để nhìn thấy những đỉnh núi khác, những vấn đề chưa được giải quyết, đặt ra câu hỏi mới mẻ”, TS Chiến chia sẻ.
Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của anh tập trung đến ứng dụng lý thuyết tối ưu và trí tuệ nhân tạo cho các mạng thế hệ mới như 5G và định hướng 6G năm 2030.
Minh định giá trị khoa học
TS Chiến so sánh nhiệm vụ làm khoa học giống như việc “leo lên đỉnh núi mù sương”. Người nghiên cứu cần sự kiên nhẫn, dũng cảm, khả năng chịu đựng để tiến xa hơn và minh định giá trị khoa học.
“Nghiên cứu về mạng 6G cũng giống như một bộ phim viễn tưởng, tôi phải tưởng tượng ra công nghệ năm 2030 sẽ như thế nào và chấp nhận rằng, không phải tất cả nghiên cứu hôm nay - trong môi trường hàn lâm đều ứng dụng được”, anh nói.
Bài báo nghiên cứu tiêu biểu nhất "Reconfigurable Intelligent Surface-Assisted Cell-Free Massive MIMO Systems Over Spatially - Correlated Channels” của TS Chiến, đã chỉ ra việc tích hợp công nghệ cực nhiều ăng-ten trong mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh dưới ảnh hưởng của tương quan không gian giữa các phần tử tán xạ. Một phương pháp ước lượng kênh truyền mới tổng hợp các đường tán xạ nhằm cung cấp đủ thông tin để xử lý dữ liệu với lợi ích giảm chi phí cho hệ thống. Kết quả thu được chỉ ra tiềm năng ứng dụng của mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh cho mạng truyền thông 6G.
Đến nay, TS Chiến đã có 40 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế về Mạng máy tính và Công nghệ truyền thông thế hệ mới. Trong đó, có 32 bài báo thuộc danh mục tạp chí Q1 - có chỉ số trích dẫn ấn tượng, uy tín và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng nghiên cứu.
Đặc biệt, việc đạt giải thưởng nghiên cứu xuất sắc về 5G của Liên minh châu Âu đã tiếp thêm năng lượng để TS Chiến góp sức phác thảo những đường nét đầu tiên, hình thành cơ sở lý thuyết, một khung chung cho quá trình chuyển đổi số, nhất là mạng 6G.
“Tôi luôn tâm niệm, muốn đi xa thì các nhà nghiên cứu về mạng viễn thông phải đi cùng nhau. Mỗi người đóng góp một thế mạnh riêng và tham gia vào quá trình phản biện để cùng nâng cao chất lượng, tìm ra chân lý”, TS Chiến nói.
Bởi, TS Chiến nhận thấy trong tương lai, công nghệ mạng 6G không chỉ tập trung vào tốc độ dữ liệu nhanh hơn mà còn đề cao khả năng kết nối, liên kết số lượng lớn các thiết bị tự động. Nó có thể tạo ra lợi ích cho việc chẩn đoán, phẫu thuật y tế từ xa, sử dụng xe tự lái, công nghệ thực tế ảo và tăng cường cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giải trí.
Sinh viên, đồng nghiệp mến mộ PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết TS Trịnh Văn Chiến được nhà trường mời về giảng dạy 2 năm nay. Anh luôn được sinh viên và đồng nghiệp trẻ trong trường mến mộ bởi phong thái làm việc nghiêm túc, chỉn chu. “Khi biết tin thầy được nhận giải thưởng Qủa Cầu Vàng 2023, các bạn sinh viên đã mua tặng thầy một quả cầu vàng tượng trưng để chúc mừng”, PGS. Bình nói. Theo PGS Bình, trong tương lai, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh và bồi dưỡng hạt nhân là những tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu tốt để gia tăng những giá trị khoa học giúp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. |
Là những nhà khoa học trẻ, bằng trí tuệ, niềm đam mê và khát vọng, họ kiên trì đi tìm những giá trị mới của chân trời tri thức khoa học. Những nỗ lực của họ đã được...
Nguồn: [Link nguồn]