Người trẻ vươn mình bứt phá (Bài 1): Tiến sĩ của các loài động vật hoang dã

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Là những nhà khoa học trẻ, bằng trí tuệ, niềm đam mê và khát vọng, họ kiên trì đi tìm những giá trị mới của chân trời tri thức khoa học. Những nỗ lực của họ đã được ghi nhận và vinh danh tại giải thưởng khoa học và công nghệ Quả Cầu vàng.

Được ví là tiến sĩ của các loài động vật hoang dã, ngay cả những năm tháng làm nghiên cứu sinh tại Đại học Cologne (Đức), TS Ngô Ngọc Hải vẫn thường xuyên trở về Việt Nam thực hiện những chuyến khảo sát thực địa để bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

TS Ngô Ngọc Hải hiện là nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Anh có niềm đam mê đặc biệt khám phá những bí ẩn của thiên nhiên, phát hiện các loài động vật độc, lạ và quý hiếm. Thạch sùng mí là một trong những loài bò sát mà anh dành trọn tâm huyết nghiên cứu.

TS Ngô Ngọc Hải (bên phải) cùng chuyên gia nghiên cứu nước ngoài trong một chuyến khảo sát thực địa

TS Ngô Ngọc Hải (bên phải) cùng chuyên gia nghiên cứu nước ngoài trong một chuyến khảo sát thực địa

Xuyên đêm tìm Thạch sùng mí

Theo TS Ngô Ngọc Hải, Thạch sùng mí Cát Bà có màu sắc bắt mắt, độc, lạ, vì thế mà loài bò sát này trở thành đối tượng bị săn bắt, buôn bán làm sinh vật cảnh. Do diện tích vùng phân bố hẹp và kích cỡ quần thể nhỏ, nên loài Thạch sùng mí Cát Bà đã được đưa vào Sách đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) ở bậc nguy cấp. Trăn trở trước nguy cơ tuyệt chủng của loài bò sát quý hiếm này, anh đã dành nhiều thời gian đi khảo sát thực địa trong rừng núi, hang sâu, trải qua nhiều đêm trắng trong rừng.

“Tuổi trẻ đồng nghĩa với việc chúng ta được phép thử thách, được phép thất bại để rồi tìm đến những thành công bước đầu, vun đắp cho tình yêu khoa học và mang lại những giá trị cho cộng đồng”.

TS Ngô Ngọc Hải, Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Năm 2016, anh Hải bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ với đề tài nghiên cứu về quần thể, sinh thái và bảo tồn các loài đặc hữu quý hiếm, trong đó có loài Thạch sùng mí Cát Bà. Thành công đáng kể nhất là anh cùng nhóm nghiên cứu đã lập hồ sơ và đưa thành công loài Thạch sùng mí vào Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”. Gần đây nhất, trong năm 2023, anh cùng nhóm nghiên cứu đã đưa loài rồng đất vào Công ước quốc tế CITES về cấm buôn bán động thực vật hoang dã.

Tốt nghiệp Thạc sĩ với chuyên ngành Sinh thái học tại khoa Môi trường, Đại học KHTN - ĐHQG Hà Nội, năm 2018, Ngô Ngọc Hải giành học bổng toàn phần DAAD của Chính phủ Đức, nghiên cứu sinh tại trường Đại học Cologne với hướng nghiên cứu về đa dạng loài, nguồn gen, tiến hóa, quần thể, sinh thái, biến đổi khí hậu và bảo tồn các loài bò sát tại Việt Nam, trong đó có Thạch sùng mí.

Lựa chọn hướng nghiên cứu luận án Tiến sĩ về bảo tồn các loài động vật hoang dã, trong suốt 4 năm nghiên cứu sinh tại Đức, anh thường xuyên trở về Việt Nam thực hiện những chuyến khảo sát thực địa xuyên đêm tại các địa điểm như: Vườn Quốc gia Cát Bà, Vịnh Hạ Long, vùng giáp biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng... Có những chuyến khảo sát kéo dài 1-3 tháng.

Theo TS Hải, Thạch sùng mí Cát Bà sống trong hang sâu trên các dãy núi đá vôi, chỉ xuất hiện vào ban đêm, nơi không có ánh sáng để đi kiếm ăn. Vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá về loài này chỉ thực hiện được vào ban đêm. Đêm xuống, anh cùng đồng nghiệp đầu đội đèn pin đeo ba lô lỉnh kỉnh đi tìm Thạch sùng mí. Mỗi lần gặp được Thạch sùng mí, với anh và đồng nghiệp đó là may mắn, niềm vui vỡ òa. Có không ít chuyến đi trắng đêm mà cả đoàn về tay không.

Không ít lần anh đối mặt với hiểm nguy. Anh kể, trong một buổi tối khảo sát, bắt gặp con rắn bị xe máy cán dọc đường, nghĩ nó đã chết nên anh cầm đưa vào túi mẫu. Bất ngờ rắn ngóc đầu và cắn vào tay anh. “Rất may, sau khi trở về phòng tra cứu và chụp ảnh gửi các chuyên gia về rắn thì xác định loài này không có độc. Đấy cũng là bài học để bản thân luôn cẩn thận trong các chuyến khảo sát thực địa”, TS Hải chia sẻ.

Bên cạnh Thạch sùng mí, TS Hải cũng đặc biệt quan tâm nghiên cứu các loài rồng đất, tắc kè đuôi vàng ở Cà Mau, thằn lằn chân ngón… Với anh, ngoài phòng thí nghiệm, các vùng rừng núi, nơi có các loài động vật hoang dã sinh sống là địa chỉ khiến anh sống trọn với đam mê. “Các chuyến khảo sát thực địa là những khoảng thời gian cân bằng về công việc, giải tỏa các áp lực trong phòng thí nghiệm”, TS Hải nói.

Dùng thuật toán để bảo vệ động vật hoang dã

Bốn năm nghiên cứu sinh tại Đại học Cologne, dù gặp không ít khó khăn, thử thách, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Ngô Ngọc Hải đã nỗ lực vượt qua tất cả với thành quả tốt nghiệp xuất sắc luận án tiến sĩ và hơn 15 công bố khoa học. Trong đó, bài báo nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật nói chung và nhóm các loài bò sát nói riêng, dựa trên các mô hình thuật toán dự đoán của TS Hải được ghi nhận đánh giá cao.

Theo TS Hải, tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm đa dạng sinh học và tuyệt chủng ở nhiều loài động vật. Việc đánh giá được mức độ tác động và sự nhạy cảm với biến đổi khí hậu trong tương lai là cơ sở để bảo vệ các loài động vật và môi trường thiên nhiên quanh ta. Trong bài báo, nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu khí hậu từ các ảnh vệ tinh ở thời điểm hiện tại và các kịch bản biến đổi khí hậu với mức phát thải khí nhà kính khác nhau trong tương lai, để dự đoán tác động của sự thay đổi khí hậu tới nhóm loài nghiên cứu.

Các mô hình dự đoán được xây dựng sử dụng các thuật toán tổng hợp trên phần mềm mã nguồn mở để đánh giá sự thay đổi về vùng phân bố khí hậu phù hợp trong tương lai. Bài báo đã phân tích đánh giá về mối quan hệ di truyền, giải thích được nguồn gốc tiến hóa về địa lý, sinh thái và khí hậu của các loài Thạch sùng mí nguy cấp. Từ đó, đề xuất các biện pháp và vùng ưu tiên bảo tồn tại Việt Nam, xác định các nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng cao dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Với tôn chỉ đam mê, kiên trì, chăm chỉ, nỗ lực, không ngừng đọc và tích lũy, ở tuổi 32 TS Ngô Ngọc Hải đã công bố 36 bài báo trong nước và quốc tế. Trong đó, 9 bài báo quốc tế đã đăng thuộc danh mục Q1 (5 bài báo tác giả chính), 12 bài báo thuộc danh mục Q2 (8 bài báo tác giả chính).

Đặc biệt, hiện anh tham gia thư ký khoa học của 2 đề tài Nafosted và thành viên của 2 đề tài Nafosted, làm chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trào lưu flexing và những giá trị tích cực từ người trẻ

So với các trào lưu khác, Flex thể hiện rõ sự hài hước của cộng đồng mạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Trinh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN