Người trẻ với những công trình vì cộng đồng
Những đồ án thể hiện trách nhiệm của người trẻ đối với các vấn đề mà người dân, xã hội đang quan tâm.
“Công trình thủy điện Bản Chát” của Đỗ Hữu Dương, “Đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng Việt Nam theo hướng xây dựng bền vững” của Nguyễn Thị Mai là hai đồ án đạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2014. Đây là những đồ án thể hiện trách nhiệm của người trẻ đối với các vấn đề mà người dân, xã hội đang quan tâm.
Đỗ Hữu Dương.
Mang điện đến vùng núi
Đỗ Hữu Dương (sinh năm 1991), ngành Công trình thủy (ĐH Xây dựng Hà Nội). Ra trường với tấm bằng giỏi, Dương trở thành kỹ sư trẻ tại Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng.
Đồ án của Hữu Dương đạt điểm 10 tại vòng sơ khảo của trường và 9 điểm tại lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp năm 2012. Sau đó, dự án của Dương gửi dự thi Giải thưởng Loa thành 2014 và đạt giải nhất.
Dương chọn sông Nậm Mu thuộc xã Mường Kim, Than Uyên (Lai Châu) làm nơi thí điểm cho dự án Thủy điện Bản Chát. Đồ án gồm 6 chương, với các nội dung: Tính toán thủy văn - thủy năng và điều tiết lũ; Thiết kế công trình trên tuyến năng lượng; Thiết kế công trình thủy công; Thiết kế kỹ thuật và tổ chức thi công. Trong đồ án, Hữu Dương sử dụng 6 phần mềm tính toán chi tiết về thủy văn - điều tiết lũ, thiết kế đập dâng, tác động động đất đối với đập bê tông trọng lực.
Nhiệm vụ chính của Dự án thủy điện Bản Chát là sau khi thiết kế sẽ phải cung cấp đủ điện lên lưới điện quốc gia với tổng công suất thiết kế 220MW. sản lượng điện trung bình hằng năm 769,7 triệu kWh và giúp gia tăng cho thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La 388,4 triệu kWh. Công trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nước cho hạ lưu vào mùa khô và cắt lũ cho hạ lưu.
Để hoàn thành đồ án tốt nghiệp, Dương trải qua 15 tuần làm thực tế và tính toán kỹ lưỡng. Tháng 4/2013, dự án của Dương được Cty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa vào ứng dụng tại công trình đầu mối và nhà máy thủy điện nằm trên sông Nậm Mu (Mường Kim, Than Uyên, Lai Châu), dưới sự giám sát của Cty CP Tư vấn Xây dựng điện. Dự án thử nghiệm hoàn thành trong 30 ngày theo quy định và bắt đầu phát điện thương mại ngày 28/4/2013, hòa vào lưới điện quốc gia ngày 29/5/2013.
Việc ứng dụng dự án của Dương ở thời điểm đó đã bổ sung kịp thời công suất cho hệ thống điện quốc gia vào cuối mùa khô 2013. Đồng thời, bổ sung nguồn nước cho sông Đà, đáp ứng nhu cầu điện và nước rất lớn trong những ngày nắng nóng của mùa hè 2013.
GS.TSKH Nguyễn Tài - Ủy viên thường trực Hội đồng giải thưởng, Trưởng BTC Giải thưởng Loa Thành 2014 cho biết: “Dương là người có kiến thức toàn diện, sáng tạo, cẩn thận trong các khâu: Vận dụng kiến thức được trang bị, trong tính toán, các bản vẽ minh họa. Ứng dụng của Dương đã đáp ứng được phần nào nhu cầu điện, nước cho một số bà con tỉnh Lai Châu”.
Vì môi trường
Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1991), Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng (Đại học Xây dựng) từng là sinh viên xuất sắc với 7/9 kỳ đạt học bổng loại giỏi tại trường và năm 2013 đạt giải tài năng khoa học trẻ (VIFOTEC).
Nguyễn Thị Mai.
Mới đây, Mai đoạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành 2014 với đồ án “Đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn xây dựng Việt Nam theo hướng xây dựng bền vững”.
Đồ án được TS Nguyễn Thế Quân - giảng viên trường ĐH Xây dựng định hướng, sau một thời gian tìm tài liệu, khảo sát thực tế, Mai hoàn thành đồ án trong 4 tháng.
Nội dung của đồ án hướng tới các mục tiêu giá trị về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần vào định hướng bền vững của toàn ngành Xây dựng nói riêng và sự phát triển bền vững nói chung của cả nước.
Tác giả đưa ra 5 đề xuất, gồm: Phòng tránh, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thải ra môi trường. Những đề xuất này dựa trên tinh thần tiếp thu, học hỏi những nội dung và kinh nghiệm trên thế giới, cải tiến xem xét trong điều kiện Việt Nam.
“Mình làm đồ án với những nguyên tắc: Đảm bảo các lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội. Công trình xây dựng phải đáp ứng được tối đa nhu cầu của con người nhưng tối thiểu tác động xấu tới môi trường và chi phí phải hợp lý. Hy vọng tới đây, đồ án được ứng dụng cho vài dự án, trong quá trình đó, mình sẽ thu thập kinh nghiệm và cải tiến để nâng cao chất lượng hơn nữa” - Mai cho biết.
TS Nguyễn Thế Quân - giảng viên trường ĐH Xây dựng cho biết: “Tác giả đồ án đã đề xuất các giải pháp quản lý chất thải xây dựng ở Việt Nam theo định hướng xây dựng bền vững. Điều đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm của lớp trẻ hướng đến bảo vệ và xây dựng môi trường bền vững, có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy”.
Hội đồng giải thưởng Loa Thành năm 2014 cho biết: “Các đồ án này đạt điểm tối đa ở 4 tiêu chí, nhất là hai tiêu chí về tính tổng hợp, tính sáng tạo và áp dụng tiến bộ KHKT. Tác giả biết vận dụng tốt các kiến thức được học, chịu khó sưu tầm, nghiên cứu và phân tích các cơ sở dữ liệu liên quan để vận dụng một cách khoa học vào đồ án. Đây là những đồ án có tính thời sự cao, giải quyết các nhu cầu thực tiễn của xã hội”. |