Người trẻ quyết tâm bám trụ tại thành phố dù khó khăn: 'Ở hay về đều không dễ dàng'
Dù phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và môi trường sống, tại sao nhiều bạn trẻ vẫn quyết tâm bám trụ ở thành phố lớn, nơi mà cơ hội và thử thách luôn song hành?
Cố gắng bám trụ ở thành phố vì một tương lai tươi sáng hơn
Chia sẻ cùng phóng viên, anh Thanh Tùng (27 tuổi, quê Thanh Hóa) nói vẫn đang xoay xở với mức lương 10 triệu ở Hà Nội, nhưng nhất quyết không về quê vì còn ấp ủ nhiều dự định trong tương lai.
“Khi ở những vùng trung tâm kinh tế, nơi những người tài bon chen nhau nhất là nơi ta học được nhiều thứ nhất. Mình quyết tâm ở lại Hà Nội vì những tiềm năng cơ hội để phát triển bản thân và cuộc sống trong tương lai. Từ đó, mình có thể thay đổi được vị thế hiện tại của bản thân, mặc dù vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn”, anh Tùng bày tỏ.
Anh Tùng chia sẻ đây cũng là một cơ hội để rèn luyện ý chí độc lập, kĩ năng quản lý tài chính cá nhân vì trên thành phố, các chi phí như ăn uống, tiền thuê nhà càng ngày càng đắt đỏ.
Căn trọ 2,5 triệu của anh Tùng ở Hà Đông nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi cần thiết (ảnh: nhân vật cung cấp)
“Hiện tại mình đang làm việc ở Cầu Giấy, là khu tập trung của các văn phòng, công ty lớn, nên chi phí thuê nhà ở khu vực này rất cao. Sau khi cân nhắc thì mình quyết định lựa chọn thuê trọ ở khu vực Hà Đông, xa nơi làm việc hơn nhưng tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo được sự tiện nghi. Dù từ trọ tới nơi làm việc cách 12km, đường xá bụi bặm, tắc đường, nhưng mình tiết kiệm được tầm 2 triệu tiền thuê nhà là đã quý lắm rồi”.
Làm 2 - 3 công việc cùng lúc để trang trải chi phí đắt đỏ
Cũng giống như anh Tùng, anh Trần Trọng Kiên (26 tuổi, quê Nam Định) cũng cố gắng gồng gánh cuộc sống trên thành phố trong bối cảnh vật giá leo thang. “Hiện tại, ngoài công việc văn phòng từ 8h-17h ở công ty, mình còn làm edit video vào buổi tối. Nhận 2-3 đầu việc cùng lúc mình mới duy trì được mức sống ở thành phố”.
Anh Kiên bày tỏ nhiều lúc đi làm về không có thời gian nấu ăn, nên thường xuyên đặt đồ ăn bên ngoài rồi tiếp tục bắt đầu công việc thứ hai. “Cuộc sống trên đây khá áp lực. Nhiều khi mình chỉ ăn uống vớ vẩn cho qua bữa để kịp edit video tiếp. Có đợt mình giảm tận 7kg trong 1 tháng vì ăn uống thất thường, dẫn tới bệnh dạ dày. Bố mẹ thấy vậy nên kêu về quê suốt thôi, nhưng mình không nỡ vì ở quê cơ hội phát triển không nhiều như thành phố”, anh Kiên bộc bạch.
Dù có thu nhập linh hoạt hơn từ 2-3 công việc, nhưng anh Kiên vẫn luôn cố gắng chi tiêu một cách khoa học để có sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai và đối phó với nhiều tình huống bất ngờ.
Ở lại thành phố để có tiền lo cho vợ con ở quê…
Khác với hoàn cảnh của anh Tùng và anh Kiên, anh Công Trình (29 tuổi, quê Hòa Bình) ở lại thành phố để có tiền gửi về cho vợ con ở Hòa Bình. Anh Trình hiện là thợ hồ làm việc cho các công trình dân dụng tại Hà Đông, Hà Nội.
“Trước đó mình cũng nghĩ đến việc làm ở quê để gần với vợ con, nhưng ở đây người ta trả hậu hĩnh hơn nên mới quyết định ở lại. Có lương thì lại gửi về quê một phần cho vợ để lo cho con được ăn uống đầy đủ”, anh Trình bùi ngùi tâm sự.
Công trình dân dụng anh Trình đang phụ trách tại Hà Đông, Hà Nội (ảnh: nhân vật cung cấp)
Anh Trình chia sẻ dù cuộc sống ở thành phố có mệt mỏi, khó khăn nhưng vẫn cố gắng gom góp tiền vì bố mẹ, vợ con ở nhà. Sau này con lớn hơn mới có tiền đóng học, lo cho con được bằng bạn, bằng bè.
Cần những đề án khởi nghiệp cho nông thôn
Theo báo cáo PAPI 2023 do UNDP được công bố vào 2/4/2023 cho thấy, gần 22% người dân muốn di cư đến TP Hồ Chí Minh, 15% muốn đến Hà Nội. Hai trong ba lý do lớn nhất người dân đưa ra là muốn có môi trường làm việc tốt hơn (22%) và môi trường tự nhiên tốt hơn (17%). Đây là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và cộng đồng xã hội cùng nhau tìm ra những giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra. Để giải quyết bài toán này, việc đầu tư phát triển toàn diện nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết.
Thay vì chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, việc phát triển nông thôn cần có một cái nhìn bao quát hơn, hướng tới đa dạng hóa các ngành nghề và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho thanh niên.
Khởi nghiệp nông thôn là một xu hướng đáng khích lệ, mở ra nhiều cơ hội mới cho thanh niên. Bằng cách tạo ra một môi trường khởi nghiệp thuận lợi, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với thị trường, chúng ta có thể khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo và đổi mới.
Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mỗi người, đặc biệt là đối với các bạn trẻ ở vùng nông thôn. Thay vì phải bôn ba khắp nơi để tìm kiếm cơ hội việc làm, các em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, được tư vấn để tìm ra con đường sự nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Chỉ khi hiểu rõ mình muốn gì, mình có thể làm gì, các em mới có thể xây dựng một tương lai tươi sáng ngay trên chính quê hương mình.
Đang là trưởng nhóm, nhận lương 20 triệu đồng mỗi tháng và được sếp rất tín nhiệm, Huỳnh Đông bất ngờ xin nghỉ việc vì một cộng sự thân thiết chuyển công ty.
Nguồn: [Link nguồn]