Người trẻ kiếm thêm thu nhập từ nghề tay trái để tồn tại giữa “bão giá”

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Giá xăng dầu tăng “phi mã”, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng đồng loạt tăng giá theo khiến không ít bạn trẻ phải tìm cách chi tiêu hợp lý, tăng cường làm thêm kiếm tiền.

Trước tình cảnh “bão giá”, thay vì “thắt lưng buộc bụng” đến mức “chịu hết nổi”, nhiều người trẻ tìm cách tăng thu nhập bằng việc làm thêm để có cuộc sống dễ thở hơn.

Tranh thủ thời gian cuối tuần

Là nhân viên văn phòng tại Hà Nội, thời gian làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, chị Phạm Ánh Tuyết (27 tuổi) dành 2 ngày cuối tuần cho công việc làm mẫu ảnh.

“Trong một lần tình cờ, được một người bạn tag vào một bài đăng tìm mẫu ảnh trên facebook. Thời gian làm là vào cuối tuần thì mình cũng rảnh nên nhận việc luôn”, Ánh Tuyết chia sẻ cơ duyên đến với nghề mẫu ảnh.

Ánh Tuyết làm mẫu cho bộ ảnh “Hạ và em” của Hội Đam mê Nhiếp ảnh

Ánh Tuyết làm mẫu cho bộ ảnh “Hạ và em” của Hội Đam mê Nhiếp ảnh

Với đồng lương khiêm tốn, lại phải nuôi con nhỏ ở một thành phố lớn như Hà Nội, mỗi tháng, hai vợ chồng Tuyết đều “đau đầu” trong việc chi tiêu, nhất là khi giá cả leo thang như hiện nay. Vì vậy, không lãng phí những ngày nghỉ, nữ nhân viên văn phòng sinh năm 1995 này tranh thủ đi chụp các bộ ảnh vào những ngày cuối tuần.

Chia sẻ thêm về công việc, Ánh Tuyết cho biết: “Buổi tối, sau khi làm xong việc nhà, mình lại lên nhóm tuyển mẫu ảnh trên facebook, nhận những bộ ảnh sẽ được chụp vào những ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật. Mình thường hay chọn những công việc không phải di chuyển quá xa, vì nhà có con nhỏ”.

Khi được hỏi về mức lương, cô chia sẻ, tùy theo từng nhiếp ảnh mà mỗi lần làm mẫu ảnh sẽ có cát-xê khác nhau. Thông thường sẽ khoảng từ 200.000đ – 700.000đ/bộ hoặc theo giờ từ 400.000đ/giờ trở lên.

“Công việc này không quá vất vả, nhưng nó cũng có những đặc thù riêng. Có những ngày mình phải ra khỏi nhà từ rất sớm, cũng có khi về nhà khi đã tối muộn. Tuy nhiên để trang trải cho cuộc sống hiện tại, mình cũng phải chấp nhận thôi.” Ánh Tuyết chia sẻ.

Trải nghiệm đáng giá

Đó là lý do lựa chọn nghề nhiếp ảnh của Phạm Thị Thùy Linh, sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Một trong bức ảnh kỷ yếu mà Linh chụp cho khách thời điểm kết thúc năm học

Một trong bức ảnh kỷ yếu mà Linh chụp cho khách thời điểm kết thúc năm học

“Nếu chỉ dựa vào 3 triệu đồng/tháng mà bố mẹ chu cấp thì mình khó có thể trụ nổi ở giữa thành phố trong thời điểm giá từ mớ rau đến xăng dầu tăng nhanh như hiện tại. Vì thế, mình quyết định đi chụp ảnh thuê bên ngoài để kiếm thêm chút ít cho việc chi tiêu.”, Thùy Linh chia sẻ.

Với cô sinh viên năm thứ 3, nhiếp ảnh là niềm đam mê, là một “điểm mạnh” và đôi lúc “điểm mạnh” cũng chính là cách để phát triển bản thân nhiều hơn. Thế nhưng, để kiếm tiền được từ nghề này, Linh đã phải học hỏi và thực hành ở nhiều nơi khác nhau từ studio đến các sự kiện.... Nữ sinh này còn làm nhiếp ảnh cho các dự án trên trường học, các sự kiện ngắn hạn tổ chức. Linh kể thời gian đầu cô còn chấp nhận đi theo anh chị lớn trong nghề để làm không công.

Thùy Linh mải miết chỉnh sửa ảnh trước khi gửi lại cho khách hàng

Thùy Linh mải miết chỉnh sửa ảnh trước khi gửi lại cho khách hàng

Đến hiện tại, với mỗi bộ ảnh, cô sinh viên này có thể nhận được từ 500.000 nghìn đến 1 triệu đồng/bộ ảnh. Trừ công đi lại, chuẩn bị các vật dụng cho buổi chụp, số tiền Linh thu về cũng đủ chi tiêu, sinh hoạt.

Cân bằng nghề “tay trái”

Trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, “nghề tay trái” là chọn lựa hợp lý của thanh niên thời hiện đại, đặc biệt trong thời “bão giá” như hiện nay. Ngoài việc trang trải cho cuộc sống, đó là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện sự năng động, tự tin, sở trường tiềm ẩn.

Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng thành công với “nghề tay trái”. Dẫu rất đam mê, tâm huyết, nhưng nhiều bạn trẻ đã phải “ôm trái đắng” khi cứ như con thiêu thân lao theo “nghề tay trái” mà bỏ bê công việc cơ quan, xao nhãng học tập, công tác, làm ảnh hưởng đến thành tích riêng của bản thân và thành tích chung của tập thể. Đó là còn chưa kể việc cùng một lúc kham quá nhiều công việc dẫn đến “quá tải”, lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi khi giải quyết công việc chính.

Có thể thấy, trong nguy có cơ, trong khó khăn, mỗi người sẽ “loé” lên những ý tưởng để giúp mình “tồn tại”. Bằng cách này hoặc cách khác, miễn sao ý tưởng ấy, nghề nghiệp ấy, phù hợp với nhu cầu của xã hội và phân bổ thời gian của bản thân một cách hợp lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ phóng viên bỏ việc về quê bán khoai lang, thu nhập 354 tỷ mỗi năm

Về quê bán khoai lang, cựu phóng viên có được thu nhập hơn 354 tỷ một năm khiến nhiều người ngỡ ngàng, ngưỡng mộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Trung ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN