Tình nguyện hết mình vì trẻ em miền núi
Năng nổ, nhiệt huyết, thủ lĩnh nhóm tình nguyện Cỏ Ba Lá, Đào Thị Quỳnh Trang, SN 1988 (Đại học Y tế Công cộng Hà Nội) và người yêu, là cựu thủ lĩnh nhóm tình nguyện Hải Đăng (Hải Phòng) đã tổ chức hàng loạt chương trình tình nguyện cho trẻ em miền núi.
Nâng bước trẻ miền núi
Nhóm tình nguyện Cỏ Ba Lá được thành lập năm 2009. Đối tượng nhóm hướng đến là trẻ em miền núi. “Chúng tôi muốn giúp các em có các kỹ năng cơ bản để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, cũng như thắp lên trong các em quyết tâm, nỗ lực vươn lên và ước mơ đổi thay cuộc sống”, Trang bộc bạch.
Với nhiều bản làng ở Trạm Tấu, Yên Bái, nhóm tình nguyện Cỏ Ba Lá trở nên rất thân thuộc. Bởi nhóm liên tục tổ chức nhiều chương trình tình nguyện ở đây. Có người dân coi những tình nguyện viên của Cỏ Ba Lá như con, gửi biếu khoai, sắn, mận rừng…
Có những em nhỏ đã ôm lấy Trang thủ thỉ: “Chúng em cảm ơn anh chị nhiều lắm. Anh, chị dạy em hát, chơi, dạy biết các kỹ năng sống. Em hứa sẽ cố gắng học trở thành sinh viên để được gặp anh chị ở Thủ đô Hà Nội”.
Dự án đầu tiên nhóm thực hiện là: Nâng bước chân trẻ miền núi. Dự án nhằm giúp các em nhỏ ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, Trạm Tấu, Yên Bái vệ sinh răng miệng, chân tay thông qua hình thức chơi trò chơi, hát. Chương trình được triển khai mỗi tháng một lần.
Chương trình “Nước sạch thôn Pá Hu”, xã Pá Hu, Trạm Tấu (Yên Bái) là một trong những chương trình quy mô của nhóm nhằm giúp người dân ở thôn Pá Hu xây bể lọc nước.
Qua khảo sát, người dân ở đây luôn phải dùng nguồn nước vẩn đục rất mất vệ sinh. Mất một năm trời lên kế hoạch, mày mò nghiên cứu xây dựng bể lọc nước, năm 2012, nhóm tiến hành xây dựng bể lọc. Đến nay nhóm đã xây được 20 bể lọc, dung tích từ 80-100 lít, hầu hết người dân ở đây đều quan tâm đến vấn đề nước sạch. Hiện nhóm đang xin tài trợ tiếp tục xây bể lọc nước ở thôn khác.
Ngoài hai chương trình lớn trên, nhóm Cỏ Ba lá thường xuyên tổ chức các chương trình tình nguyện khác. Mỗi dịp hè, nhóm tổ chức chương trình Mùa hè xanh dạy kỹ năng sống, dạy học, trồng rau cho nhà trường, cùng thầy cô giáo đến nhà dân vận động trẻ em đi học; Tổ chức chương trình Vui trung thu, Mùa đông ấm…
Để có kinh phí tổ chức các chương trình tình nguyện, ngoài việc đi xin tài trợ từ các nhà hảo tâm, CLB Cỏ Ba Lá còn tổ chức hàng loạt các chương trình bán hàng gây quỹ, làm đồ hanmade.
Nhóm Cỏ Ba Lá dạy vệ sinh chân tay cho trẻ em miền núi
Hòa vào tình yêu lớn
Từ những chương trình tình nguyện vì cộng đồng, Trang đã tìm thấy tình yêu đẹp với một thủ lĩnh tình nguyện Trần Thắng (cựu trưởng nhóm tình nguyện Hải Đăng, Hải Phòng). Thắng và Trang thường kết hợp tổ chức chung một chương trình tình nguyện. “Nhóm của anh ấy nhiều con trai, còn nhóm của tôi chủ yếu là nữ nên hai bên hỗ trợ được nhau rất nhiều. Thật may, các chương trình chúng tôi tổ chức đều thành công tốt đẹp”, Trang vui vẻ cho biết.
Với Trang, Thắng không chỉ là người yêu mà còn là “quân sư” đắc lực. Mỗi khi tổ chức chương trình tình nguyện hay gặp khó khăn, Trang đều hỏi ý kiến của Thắng. Hai người cũng thi đua, dẫn dắt nhóm tổ chức hàng loạt chương trình tình nguyện ý nghĩa khác nhau.
Trang tổ chức các chương trình tình nguyện: Mùa hè xanh; Mùa đông ấm; Trung thu cho em; Nâng bước trẻ em miền núi; Chương trình nước sạch… Còn Thắng cũng tổ chức hàng loạt các chương trình như: Đêm yêu thương ngày bừng sáng; Mùa đông ấm Yên Bái, chiến dịch làm sạch đường phố, sơn tường, nhặt rác bãi biển Đồ Sơn; Đi bộ xuyên Việt Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh nhằm kêu gọi, bảo vệ môi trường…
Tất bật với những hoạt động vì cộng đồng nên khoảng trời riêng tư của hai người chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những chuyến Mùa hè xanh, Trang đi vào các bản làng xa xôi, cả tuần không có sóng điện thoại liên lạc.
Có chuyến đi về Tà Si Láng, Trạm Tấu (Yên Bái), đường khó, xe tải không chở hàng vào bản được, Trang dùng xe máy tự chở hàng rồi chở các bạn tình nguyện viên khác trên con đường núi dốc dài 17 km.
Hè 2011, Thắng thực hiện chương trình đi bộ xuyên Việt trong 40 ngày nhằm kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường. “Chuyến đi đó, có khi hai, ba ngày mình không liên lạc được. Ngày gặp lại anh ấy mình hoảng hốt với hình ảnh đầu cắt trọc, da đen nhẻm, chân tay phồng rộp vì nắng nóng”, Trang kể.
Sau 4 năm yêu, Valentine 2014 này là lần đầu tiên, Trang được ở cạnh người yêu. Những mùa Valentine trước và cả những ngày lễ khác, đôi uyên ương thủ lĩnh này thường phải xa nhau. “Thường vào các ngày lễ, nhóm của tôi và Thắng tổ chức các chương trình tình nguyện. Có dịp 20/10, nhóm anh ấy tổ chức bán hoa gây quỹ, mải mê với công việc, anh ấy quên cả bản thân mình. Bận rộn, nhiều lúc nhắn được cho nhau cái tin là hạnh phúc rồi”, Trang bộc bạch.
Năm 2011, Trang đạt giải thưởng tình nguyện Chim Én cho cá nhân xuất sắc nhất. Trang là 1 trong 10 đại biểu thanh nhiên tiêu biểu tham gia chuyến thăm Trường Sa do T.Ư Đoàn tổ chức trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” 2013 đồng thời nhận học bổng tình nguyện, đi học làm tình nguyện hai tuần tại Tallinn (Bắc Âu). Tháng 11/2013, Trang quyết định không làm trưởng nhóm Cỏ Ba Lá và chuyển sang vai trò cố vấn của nhóm. |
Xem thêm các bài viết liên quan:
Tình nguyện trên cao nguyên đá
MV vui nhộn "Mảnh ghép vùng cao"