Người trẻ đánh đổi nhiều thứ khi chọn nghề freelancer
Là một trong những ngành nghề hot nhất trong nhiều năm trở lại đây, freelancer đã thực sự trở thành một bến đỗ lý tưởng cho những ai mong muốn tìm kiếm một công việc thoải mái, tự do trong thời gian và thu nhập ổn định. Dù vậy, không ít người trẻ cho biết họ đang phải đánh đổi nhiều thứ khi theo đuổi công việc này…
Dù có một thu nhập khá ổn, Quang Hải thừa nhận rằng khi trở thành một freelancer, anh vẫn không hề cảm thấy "dễ thở" hơn
Mười tháng kể từ khi hoàn thành dự án chạy quảng cáo và marketing cho một trò chơi điện tử vừa ra mắt, Nguyễn Quang Hải (25 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới được khách thanh toán hợp đồng. Trước đó, Hải cũng nhiều lần bị hủy ngang hợp đồng mà không được chi trả đẩy đủ các chi phí đã bỏ ra.
Vì vậy, sau hơn 1 năm làm công việc freelancer, chàng trai 25 tuổi quyết định quay trở lại văn phòng làm việc. Designer này thừa nhận công việc tự do mang lại sự thoải mái cùng thu nhập tương đối tốt, nhưng đó không phải tất cả điều mà anh mong muốn.
"Làm việc không có tổ chức, đoàn thể, mình nhận thấy mình có thể thoải mái, tự do nhưng khó có khả năng phát triển sự nghiệp. Mình không học hỏi được gì quá nhiều hay có những bước phát triển vượt trội. Vì vậy, mình cảm thấy cần phải tìm kiếm công việc toàn thời gian để chú tâm vào những mục tiêu nêu trên và cũng để gia đình yên tâm hơn", Quang Hải nói.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp đại học vào giữa năm 2019 với chuyên ngành kế toán, Hải từng làm việc cho một công ty về sự kiện đến cuối năm 2020. Theo đặc thù công việc, anh thường phải có mặt tại văn phòng vào giờ hành chính, ra đường vào mỗi 7h sáng và thường có mặt tại nhà lúc 7h tối.
Suốt cả năm, chàng trai trẻ gần như chỉ quanh quẩn bên đống giấy tờ và các khoản thu chi liên tục. Hải gần như chỉ nghỉ và dịp Tết Nguyên đán và dành hầu hết thời gian cuối tuần để hoàn tất công việc được giao. Đến khi cảm nhận được sự thay đổi trong sức khỏe, Quang Hải quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang làm freelance là sở thích từ lâu của anh. Chàng trai trẻ cho rằng đây là cách để vừa kiếm tiền, vừa nghỉ ngơi. Nhưng sau cùng, sức lực của anh còn bị "vắt kiệt" nhanh chóng hơn.
Không ít người trẻ cho biết họ đang phải đánh đổi nhiều thứ khi theo đuổi công việc của một freelancer
"Làm tự do, mình áp lực hơn cả làm fulltime tại công ty cũ. Công việc không đều đặn, có khi nghỉ chơi hàng tháng dài, có khi lại bận bù đầu. Có những thời điểm phải chờ việc quá lâu, tâm trạng mình khá lo lắng, bất an vì thụ động trong thu nhập.
Còn nhiều lúc khách hàng liên hệ tới tấp, mình tiếc việc nên ôm đồm nhiều. Kết quả, mình vẫn thức đêm, dậy sớm để chạy deadline như nhiều năm trước. Nhiều lúc. Mình cảm thấy bản thân như sắp kiệt sức đến nơi”, Quang Hải nhớ lại.
Đánh đổi nhiều thứ…
Quyết định quay trở lại công việc văn phòng sau khoảng 8 tháng làm việc tự do cũng là điều mà Trần Ngọc Huyền (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) lựa chọn. Cô gái trẻ cho biết, lựa chọn làm công việc này là "bất đắc dĩ" vì dịch bệnh bùng phát. Không nhiều kinh nghiệm cùng mối quan hệ, freelance đối với Ngọc Huyền gần như chỉ là chuỗi ngày dài chờ việc, thiếu tiền và không chế độ đãi ngộ.
"Thực tế, công việc viết lách tự do giúp mình có được một khoản thu nhập nhất định để vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Nhưng so với thị trường việc làm nói chung, mức thù lao này quả thực rất thấp khi ngày nào mình cũng nhận hàng chục cuộc gọi từ sáng sớm đến đêm muộn để sửa bài.
Mình không ký hợp đồng chính thức với bất kỳ công ty nào nên không có lương ngoài giờ hay lễ, Tết. Khách hàng chỉ quan tâm điều duy nhất là chất lượng và tiến độ sản phẩm, không có quan tâm mình đang như thế nào", Ngọc Huyền nói.
Ngọc Huyền quyết định quay trở lại công việc văn phòng sau khoảng 8 tháng làm việc tự do
Theo cô gái 25 tuổi, có lẽ công việc freelance chỉ phù hợp với những người đã có kinh nghiệm làm việc dày dặn cùng nhiều mối quan hệ trong ngành. Một "lính mới" và làm nghề tay trái, không có gì xuất sắc như cô không đủ sức để cạnh tranh.
"Ít ra khi đi làm tại công ty, mình ít nhất còn được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm, y tế, được thưởng, nghỉ ngơi dịp lễ hoặc cuối năm và đi du lịch. Đúng là không phải ai cũng đủ sức bền để đi đường dài với freelance", Ngọc Huyền chia sẻ.
Sự ổn định, phúc lợi và “vị thế” nghề nghiệp cũng là điều khiến Vũ Ngọc Ánh (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) suy nghĩ khi quyết định tạm dừng làm việc tự do để ứng tuyển vào làm tại một ngân hàng.
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học lớn tại Hà Nội, Ngọc Ánh quyết định làm freelancer với mong muốn thoải mái du lịch và khám phá. Quả thực, công việc không văn phòng, không cấp trên tạo cho cô nhiều cơ hội để vi vu đó đây, tạo dựng các mối quan hệ tốt cho mình.
Nhưng khi gặp phải những huống khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, cô thở phào nhẹ nhõm vì mình vừa kịp có cơ hội làm việc tại một ngân hàng như định hướng ngành học của mình.
Ngọc Ánh vẫn thích việc làm fulltime hơn để có cơ hội học hỏi chuyên sâu và có nhiều cơ hội tiến xa trong tương lai
"Theo mình, dù đi làm toàn thời gian hay freelance, chúng ta vẫn có thể cân bằng, tự do khám phá nếu biết sắp xếp thời gian. Nhưng cá nhân mình sau một thời gian làm freelance, mình ưu tiên công việc fulltime hơn bởi mình thích không khí làm việc tập thể, có đồng nghiệp và bạn bè tại công ty.
Đợt Tết Nguyên đán cũng như các dịp lễ, Tết vừa qua, mình đều nhận được khoản thưởng đáng kể từ công ty. Nếu chỉ làm freelance, dù có thoải mái như thế nào mình cũng đâu có được những khoản đãi ngộ này", Ngọc Ánh nói.
Hiện tại, Ngọc Ánh duy trì công việc chính thức và vẫn nhận thêm một số dự án freelance để có thêm thu nhập. Cô cho biết chỉ nhận khối lượng công việc vừa đủ đề có thể hoàn thành tất cả phần việc được giao, không gây ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi và công việc chính của mình.
"Nhiều người bạn mà mình quen làm freelancer khá chăm chỉ, kiếm được số tiền rất lớn và không cần đến bảo hiểm cùng chế độ của công ty nào cả. Nhưng hoặc là họ đã làm việc lâu năm, có kinh nghiệm cùng mối quan hệ, hoặc là họ start-up và làm chủ, leader của một nhóm. Còn mình, mình vẫn thích việc làm fulltime hơn vì đây là cơ hội để học hỏi chuyên sâu và có nhiều cơ hội tiến xa trong tương lai", Ngọc Ánh chia sẻ.
Không ít bạn trẻ tìm lại được nguồn cảm hứng của mình qua công việc "se chỉ luồn kim". Lối đi với nghề may vá ngỡ như bấp bênh này mở ra một thế giới mới giữa...
Nguồn: [Link nguồn]