Người phụ nữ đem con tới đám cưới chồng cũ đòi tiền cấp dưỡng, sững sờ thái độ của cô dâu chú rể
Vì chồng cũ đã không chu cấp cho con hơn 1 năm trời mà ngày thường lại không thể gặp được, người phụ nữ chỉ đành đem con tới tận đám cưới của chồng cũ để đòi tiền.
Một cuộc hôn nhân tan vỡ luôn để lại nhiều đau khổ cho các cặp đôi, thế nhưng người chịu nhiều tổn thương nhất lại là những đứa con bởi chúng sẽ không còn một gia đình trọn vẹn, không được hưởng đầy đủ tình yêu thương thiêng liêng từ bố mẹ. Khi ấy, mỗi người lại có những cách khác nhau để đối xử với những đứa con và hành động của một người đàn ông dưới đây đã khiến rất nhiều người phẫn nộ.
Theo trang Sohu News đưa tin, sự việc xảy ra vào ngày 9/7/2023 vừa qua tại thành phố Bạng Phụ, thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Một người phụ nữ đã đem con gái nhỏ tới đám cưới của chồng cũ để gây rối, tuy nhiên không phải cô ấy muốn làm loạn mà mục đích chỉ là muốn chồng cũ chịu trách nhiệm với đứa con chung của họ.
Trong đoạn video, một đám cưới khá hoành tráng đang được tổ chức, chú rể vừa đón cô dâu về tới cửa nhà. Ngay khi cô dâu chú rể vừa bước xuống xe hoa, một người phụ nữ đã dắt theo một bé gái tới chặn cặp đôi lại. Nhìn thấy chú rể, bé gái hét lớn: "Bố ơi, bố cho con tiền để nuôi con đi".
Tất cả những người có mặt khi đó đều sốc khi nghe câu nói của bé gái. Cả cô dâu và chú rể đều sững sờ trong giây lát, mặt tối sầm lại nhưng ngay lập tức, cặp đôi phớt lờ bé gái, coi như không có chuyện gì đang xảy ra rồi tiến vào hôn trường để chuẩn bị tổ chức đám cưới.
Lúc này, bé gái vẫn tiếp tục đi theo chú rể để đòi tiền anh ta nhưng từ đầu đến cuối, chú rể không hề đáp lại, coi như không nghe hay nhìn thấy gì, thậm chí như không quen biết. Đến khi cô dâu và chú rể nâng ly chúc mừng hôn lễ với các quan khách, người phụ nữ và bé gái kia vẫn chưa chịu rời đi.
Hóa ra, người phụ nữ họ Trương và bé gái này là vợ cũ và con gái của chú rể. Trước đây, cuộc hôn nhân của họ không hạnh phúc do cô Trương thường xuyên bị chồng bạo hành, cuối cùng đã đưa ra quyết định ly hôn. Theo phán quyết của tòa án, cô Trương giành được quyền nuôi con gái, còn người đàn ông có trách nhiệm cấp dưỡng tiền nuôi con hàng tháng là 600 nhân dân tệ (gần 2 triệu đồng).
Thế nhưng trong suốt 1 năm rưỡi qua, người đàn ông chưa một lần nào đến thăm nom hay hỏi han về con gái. Anh ta cũng không gửi một đồng tiền cấp dưỡng nuôi con nào cho cô Trương. Cô Trương đã nhiều lần cố gắng liên lạc với chồng cũ nhưng liên tục bị chặn, tìm đến tận nhà cũng không gặp được. Suốt thời gian qua, cô Trương đã phải rất vất vả khi vừa làm việc vừa nuôi con. Vì không còn cách nào khác, cô đành đưa con gái đến tận đám cưới chồng cũ để gây áp lực.
Thấy vậy, bố của người đàn ông đáp trả rằng chính cô Trương đã cấm gia đình chồng cũ tới thăm con. Ngoài ra, họ khẳng định đã trả hết tiền cấp dưỡng cho đứa trẻ, không nợ cô Trương đồng nào. Cô Trương liền tuyên bố: "Số tiền không nhiều, chỉ 7.000 nhân dân tệ (gần 23 triệu đồng) mỗi năm nhưng kể từ sau phán quyết của tòa án, tôi chưa nhận được bất cứ đồng tiền nào".
Cô Trương còn cho biết thêm rằng chỉ một ngày trước khi đám cưới của chồng cũ diễn ra, bà mối của anh ta đã tới gặp cô, đưa 2.000 nhân dân tệ (hơn 6,5 triệu đồng) để yêu cầu cô đừng gây rối trong đám cưới của họ. Tuy nhiên, cô Trương đã không nhận số tiền này. Cô Trương cho biết số tiền cô đòi chồng cũ không quá lớn, hiện nay cô cũng có đủ khả năng nuôi con nhưng cô không chấp nhận được thái độ của chồng cũ, muốn anh ta phải chịu trách nhiệm cho đứa con chung của họ.
"Ngày hôm đó, tôi và con cùng ngồi trong sảnh đám cưới. Từ đầu đến cuối, anh ta không hề hỏi xem con có đói khát hay không, hoàn toàn coi như người xa lạ", cô Trương nói thêm.
Vụ việc này hiện đang gây xôn xao cộng đồng mạng Trung Quốc với những ý kiến trái chiều. Rất nhiều người chỉ trích người chồng cũ vì bội bạc, vô tình, không hoàn thành trách nhiệm của một người bố với máu mủ của mình. Có người còn lên án thái độ của cô dâu khi phớt lờ vợ cũ và con riêng của chú rể, đồng ý kết hôn với một kẻ không ra gì. Bên cạnh đó, cũng có một số cư dân mạng cho rằng hành động của cô Trương là cực đoan bởi có nhiều cách để thương lượng, không nhất thiết phải đến gây rối trong đám cưới chồng cũ như vậy.
Chồng cũ không may lâm bệnh qua đời con dâu làm tròn chữ hiếu dù tái hôn vẫn đưa chồng mới đến giúp bố mẹ chồng cũ thu hoạch mùa màng.
Nguồn: [Link nguồn]