Người mẹ sinh ra 8 đứa con bằng… trái tim
Đã hơn 10 năm trôi qua, trong ngôi nhà nhỏ này luôn tràn ngập tình yêu thương, sự ấm áp của tình mẫu tử.
Người ta thường bảo: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Nhưng câu chuyện cảm động của bà Nguyễn Thị Hoa hy sinh cả tuổi thanh xuân để gắn bó với người đàn ông nghèo có 8 đứa con thơ dại, tần tảo sớm hôm kiếm tiền nuôi con chồng ăn học và chữa bệnh đã làm thay đổi định kiến trong dân gian về quan niệm mẹ ghẻ - con chồng.
“Bánh đúc có xương”
Nhắc đến người mẹ kế Nguyễn Thị Hoa (SN 1970) trú tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An, người dân ở đây ai cũng ngưỡng mộ và thán phục. Họ còn cho rằng bà Hoa là người dũng cảm khi quyết định đến với người chồng nghèo có đến 8 người con thơ dại, ốm yếu.
Có người lại bảo bà bị hâm, không bình thường. Nhưng đối với bà Hoa, chưa bao giờ bà cảm thấy ân hận vì quyết định của mình mà coi đó là sứ mệnh ông trời đã định sẵn. Được biết, chồng bà, ông Trần Văn Đức sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương.
Cũng giống như bao chàng trai khác, đến tuổi trưởng thành, ông Đức tình nguyện lên đường đi bộ đội. Năm 1976, do một người bạn kết nghĩa mai mối, ông Đức kết hôn với bà Trần Thị Tám, quê huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Lấy nhau về, vợ chồng ông Đức sống rất hạnh phúc và lần lượt 8 đứa con ra đời.
Vợ chồng bà Hoa xum vầy với các con.
Nhà đông con, gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đè nặng lên vai vợ chồng ông Đức. Hai vợ chồng làm quần quật cả ngày lẫn đêm vẫn không đủ tiền nuôi con. Rồi bi kịch ập đến gia đình nhỏ này khi bà Tám bỗng nhiên bị tai biến mạch máu não.
Ông Đức đã chạy vạy tiền bạc đưa vợ đi viện nhưng bà Tám không qua khỏi. Người vợ trẻ “ra đi” để lại cho ông Đức 8 đứa con thơ dại, đứa nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi. Kể từ đó, một mình ông Đức phải lo chạy cơm từng bữa cho 8 đứa con.
“Thời đó cơ cực lắm. Một mình tôi không thể xoay xở nuôi 8 đứa con được. Mấy cha con phải ăn khoai độn là chủ yếu. Có nhiều khi cả nhà phải nhịn đói 2 ngày liền. Căn nhà thì dột nát hết, ngày mưa cha con phải căng bạt để nằm. Nhìn mấy đứa con đói, rét hàng đêm, tôi khóc vì không biết làm cách nào để con bớt đói. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ đi thêm bước nữa bởi chẳng ai dại lấy mình vì còn có 8 đứa con nheo nhóc”, ông Đức nghẹn ngào nhớ lại.
Nhưng 6 năm sau kể từ khi vợ mất, nhờ một người bạn mai mối, ông Đức đã nên duyên với bà Nguyễn Thị Hoa trú ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương. “Thời đó, gia đình tôi cũng phản đối vì sợ lấy ông ấy sẽ khổ bởi ông Đức nghèo lắm. Nhìn 8 đứa con bơ vơ, tôi thương lắm. Khát khao tình mẫu tử trong tôi lại trỗi dậy.
Tôi đồng cảm với chúng vì tôi cũng mất mẹ từ nhỏ. Gia đình tôi có 9 anh chị em, hoàn cảnh gia đình cũng muôn vàn khó khăn. Khi mẹ mất, bố tôi lúc đó cũng đi tìm người phụ nữ cùng chung tay chăm sóc các con.
Nhìn bố con ông Đức quanh năm bám vào mấy sào chè, con cái ốm yếu liên miên. Người con gái đầu bị câm điếc bẩm sinh không có tiền chạy chữa, tôi thật sự rất muốn che chở cho 8 đứa con tội nghiệp ấy.
Tôi tin rằng, việc lãnh trách nhiệm nuôi dạy 8 con chồng là sứ mệnh mà ông trời định sẵn cho mình”, bà Hoa kể lại.
“Ngày ấy, tôi nợ tiền nhiều lắm. Không có tiền cho con ăn học đi vay, con ốm cũng vay, ngay cả tiền đi hỏi vợ mới cũng vay. Nợ dồn dập khiến gia đình luôn lâm vào cảnh túng quẫn.
Từ khi lấy nhau về, bà ấy giúp tôi nhiều lắm. Chưa bao giờ bà ấy sống cho bản thân. Tội nghiệp nhất, vợ tôi thời thanh niên tích góp được 3 chỉ vàng cũng phải đem đi bán để trả nợ cho chồng. Ai thuê gì làm nấy, bà ấy cứ làm quần quật ngày đêm để có tiền trả nợ và nộp học phí cho các con. Tôi biết ơn bà ấy lắm. Chính bà ấy đã mang hạnh phúc về cho bố con tôi”, ông Đức xúc động tâm sự.
Chiến đấu bệnh tật khỏi phụ lòng yêu thương của mẹ
Ngày mới lấy ông Đức về, mấy đứa con riêng ai cũng nghi ngờ lòng tốt của người mẹ kế. Chúng sợ rằng, bố lấy vợ khác rồi sẽ sinh em bé, chúng sẽ bị hành hạ và ngược đãi. Thậm chí những người hàng xóm còn xì xào khi bà Hoa về nhà chồng.
Ở vùng quê nghèo này, quan niệm “mẹ ghẻ con chồng” vẫn còn định kiến và gay gắt. Nhưng rồi nghi kị đó cũng dần được xóa bỏ, khi bà Hoa chăm sóc chúng bằng cả trái tim mình. Bà ân cần, yêu thương và chỉ bảo các con chồng từng li, từng tí. Nhờ có bà, căn nhà ông Đức trở nên ấm áp và tràn đầy yêu thương.
Năm 2007, bà có một đứa con chung với chồng. Sau đó, bà quyết định triệt sản để có thời gian dành tình cảm cho những đứa con riêng, của chồng. Đối với bà, không có khái niệm con chung, con riêng. 9 đứa con bà đều chăm sóc như con ruột.
“Lúc đầu, mấy chị em sợ lắm, sợ bố lấy vợ mới về sẽ khổ và bị đối xử tệ. Thế nhưng, chính cách cư xử của mẹ Hoa đã làm bọn em thay đổi suy nghĩ đó. Mẹ chăm sóc và chỉ dạy bọn em tận tình. Không những vậy, mẹ còn yêu thương bọn em hơn chính cả bản thân mình”, Trần Thị Hiền, người con thứ sáu của ông Đức chia sẻ về người mẹ kế của mình.
Sau một thời gian dài lặng lẽ làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, bà dần nhận được trọn vẹn tình cảm của 8 người con. Tuy nhiên, biến cố lại ập đến khi Trần Đức Thắng (SN 1997) mắc bệnh ung thư xương. Bà Hoa đã quyết định thay chồng đưa con ra Hà Nội để điều trị.
Hàng ngày, người phụ nữ này chăm sóc con chồng một cách tận tụy, dìu con từng bước đi, đút cho con từng thìa cháo. Người ngoài nhìn vào không ai nghĩ đây là mẹ kế của Thắng. Hơn hai tháng mất ăn, mất ngủ lo cho con, người phụ nữ này hốc hác chỉ còn 37kg.
Sợ mẹ sẽ ngã bệnh, Thắng khuyên mẹ về nghỉ ngơi cho bố ra chăm nhưng bà Hoa nhất quyết không chịu. Thắng luôn coi bà là người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình. Thắng từng suy sụp và bi quan về bệnh tật nhưng chính hình ảnh khắc khổ và sự hy sinh của mẹ là động lực để cậu vượt lên bệnh tật.
Sắp tới đây, bà Hoa lại phải chạy vạy tiền để đưa Thắng ra Hà Nội điều trị hóa chất đợt 4. Thắng hy vọng mình sẽ chiến thắng bệnh tật để không phụ công chăm sóc của mẹ Hoa.
“Ngày bị bệnh em bi quan và chán nản lắm. Nhưng mẹ chính là người động viên em chữa bệnh. Nhìn mẹ ngày càng gầy đi, em thương mẹ lắm. Em sẽ cố gắng chữa lành bệnh để mẹ vui”, Thắng rơm rớm nước mắt chia sẻ. Nhờ bàn tay tần tảo của bà Hoa, kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện.
Sau thời gian tích góp, vợ chồng bà đã cất được một ngôi nhà mới, mở rộng diện tích chè, lo cho mấy đứa con gái đầu yên bề gia thất. Bây giờ mấy đứa con gái đã đi lấy chồng xa nhưng mỗi lần có khó khăn hay tâm sự gì đều tìm đến mẹ Hoa để chia sẻ.
“Hàng năm đến ngày giỗ mẹ Tám, mẹ Hoa lại tất bật lo lễ lạt, làm mâm mời khách. Có được người mẹ như vậy, chúng em hạnh phúc lắm. Mẹ Hoa đã thay mẹ Tám làm tròn trách nhiệm và thương yêu bọn em hết mình”, Hiền rơi nước mắt tâm sự.
Đã hơn 10 năm trôi qua, trong ngôi nhà nhỏ này luôn tràn ngập tình yêu thương, sự ấm áp của tình mẫu tử. Hàng xóm, láng giềng chưa ai nghe bất kỳ điều tiếng gì về mối quan hệ “mẹ ghẻ -con chồng”. Họ đã tin tưởng vào câu chuyện “bánh đúc có xương” khi chứng kiến sự chăm sóc bằng cả trái tim của bà Hoa đối với các con của chồng.
Yêu thương bằng cả trái tim
Bà Hoa chia sẻ: “Tôi coi 8 đứa con chồng như những đứa con mình rứt ruột sinh ra. Tôi luôn tâm niệm mình phải làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Chính tình thương đó sẽ giúp tôi vượt qua được tất cả những khó khăn trước mắt. Tôi thương ông Đức thì ít mà thương mấy đứa con thì nhiều bởi chúng mất mẹ từ bé nên thiệt thòi đủ đường. Nhìn mấy đứa nhỏ nheo nhóc, tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng lo cho chúng có cuộc sống tốt”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Chủ tịch Công đoàn của đội 1, xí nghiệp chè xã Thanh Mai cho biết: “Gia cảnh của gia đình chị Hoa rất khó khăn, thuộc vào diện hộ nghèo của đội. Người dân địa phương nơi đây ai cũng cảm phục tấm lòng và nghị lực phi thường của người mẹ kế này. Mặc dù, 8 đứa con không phải do mình sinh ra nhưng chị luôn lo lắng, chăm sóc chúng chu đáo. Con cái bị bệnh tật chị ấy còn lo lắng hơn cả chính bản thân mình. Người ngoài nhìn vào ai cũng nghĩ chị Hoa chính là mẹ ruột của chúng”.