Người "điêu khắc" cho những chiếc bánh
Nhiều năm “bầu bạn” với những bản vẽ thiết kế nhà, chỉ đến khi bước vào thế giới của bơ đường và lò nướng, Hoàng Phương Thảo (33 tuổi) mới được là chính mình. Từ đó, cô say sưa “khắc tạc” bánh thành những tác phẩm hội họa công phu, song song là sáng tạo nhiều loại bánh mới để định vị dấu ấn cá nhân.
Từ nhỏ, Thảo đã có một tình yêu bất diệt với công việc làm bánh.
Thăng hoa trong thiên đường bánh trái
Từ thuở bé, với tình yêu đặc biệt dành cho bộ môn làm bánh, Thảo thường dành dụm số tiền ăn vặt ít ỏi của mình để mua nguyên vật liệu làm bánh thô sơ, sau đó xắn tay vào bếp để đắm chìm trong những mẻ bánh thơm lừng. Khi lớn lên, Thảo chọn theo học ngành Kiến trúc Nội thất (trường ĐH Kiến trúc TP. HCM).
Sau khi tốt nghiệp ra trường, Thảo gắn bó với nghề kiến trúc sư trong nhiều năm, đồng nghĩa “rửa tay gác kiếm” với công việc làm bánh. Tuy nhiên, theo lời kể, chính nghề kiến trúc sư đã tạo ra nền móng vững chắc để cô có thể thăng hoa trong thế giới của bơ đường sau này.
“Nhờ có nghề kiến trúc, mình đã dung nạp được nhiều kiến thức về màu sắc, nhiếp ảnh, thiết kế. Những gì mình học được đã giúp cho mình sáng tạo được nhiều sản phẩm bánh chỉn chu về mặt hình thức”, Thảo chia sẻ.
Sau khi kết hôn, cô theo chồng về Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống. Cô trở thành freelancer kiến trúc và bắt đầu dành toàn tâm toàn lực để tìm về với đam mê ẩm thực. Quyết tâm theo đuổi con đường làm bánh chuyên nghiệp, Thảo tự mày mò, học hỏi nhiều nguồn tài liệu từ nước ngoài, song song, Thảo “tầm sư học đạo” một người thầy là chuyên gia làm bánh. Cô tự nhận mình là người có mối duyên lành với công việc này khi ngay từ những sản phẩm đầu tiên, cô đã được mọi người trầm trồ và hồ hởi đón nhận.
Mỗi tác phẩm đều được Thảo làm ra rất cầu kỳ và có tính nghệ thuật cao.
Mang theo tâm niệm “một nghệ sĩ làm bánh thực thụ phải liên tục đào thải cái cũ để sáng tạo cái mới”, Thảo đã “thực chiến” qua nhiều dòng bánh khác nhau để thử thách bản thân. Sau nhiều lần thử nghiệm, cô ưu tiên chọn dòng bánh Fondant làm “đất dụng võ” cho sức sáng tạo của mình.
Theo Thảo, ở loại hình này, cô có thể “thiên biến vạn hóa” chiếc bánh thành những hình thù khác nhau như chim muông, con người, cỏ cây. Đặc biệt, Thảo cho rằng, sản phẩm của cô thường là sự cộng hưởng giữa điêu khắc và hội họa. Vì vậy, chúng mang hơi thở của những tác phẩm hội họa nổi tiếng và thường được “phù điêu” rất công phu.
Thảo chia sẻ: “Cái khó của lối đi độc đáo này là quá trình thai nghén ý tưởng và suy nghĩ cách đơn giản hóa kết cấu phức tạp của những loại bánh có dạng xếp chồng nhiều tầng lên nhau. Có khi, một tác phẩm của mình ngốn gần một tháng để hoàn thành”. Nhọc mệt là thế, Thảo vẫn hài lòng khi tìm thấy niềm đam mê của mình nơi gian bếp. Cô định nghĩa khoảng thời gian quay về với chính mình bằng từ “hạnh phúc”.
Làm bánh cần đến hai chữ “tài” và “tâm”
Với Thảo, điều cô quan tâm chính là khả năng tạo ra được một sản phẩm độc bản, riêng biệt, không bị trùng lặp. Vì vậy, cô đặt tính thẩm mĩ cũng như sự an toàn của sản phẩm lên hàng đầu. “Khách hàng tìm đến với mình đều là những người yêu cái đẹp. Thông thường, mình sẽ lắng nghe câu chuyện của họ. Sau đó, mình sẽ kể câu chuyện của họ lên bánh và truyền tải đúng những gì họ muốn. Mỗi sản phẩm vì thế đều có một dáng nét khác nhau, không lẫn vào đâu được”, Thảo nói.
Thảo mong muốn có thể trở thành một nghệ sĩ làm bánh đích thực để mang đến những sản phẩm chứa cả cái tài và cái tâm.
Ngoài ra, Thảo xem công việc làm bánh của mình như một… “cuộc chơi nghệ thuật”. Cô chia sẻ: “Một tuần, mình chỉ dành đúng ngày thứ Năm để làm bánh. Bên cạnh những dòng bánh chủ đạo, mình sẽ làm ra thêm một vài loại bánh mới sau khi dốc sức quá trình nghiên cứu. Mình có một lượng khách hàng trung thành với sản phẩm và mình rất biết ơn họ vì đã tiếp thêm lửa cho mình cháy với đam mê”.
Cô ví khách hàng là người khán giả đón chờ những tác phẩm đích thực, tuy ra mắt muộn nhưng có chiều sâu chứ không ồ ạt chạy đua theo số lượng.
5 năm gắn bó với công việc làm bánh, Thảo cho biết, mình sẽ đi theo con đường giảng dạy chỉ khi có thể trở thành người truyền đạt trọn vẹn đến học viên cái tài lẫn cái tâm khi làm bánh chứ không nhất nhất đưa ra những công thức rập khuôn, sẵn có.
Hiện tại, Thảo đang tập trung đào sâu tìm hiểu về bánh mì để làm ra cho riêng mình một loại bánh chất lượng và giàu dinh dưỡng. Sắp tới, Thảo sẽ thành lập một xưởng làm bánh chuyên nghiệp và mang thương hiệu của riêng mình.
Phản ứng gượng gạo của người phụ nữ cuối clip khiến nhiều cư dân mạng nghi ngờ họ chỉ đang cố tình "câu like"...
Nguồn: [Link nguồn]