Người đàn bà ôm con riêng để chồng ngủ với vợ hai
Biết mình không thể sinh con, giục chồng ly dị không được, chị Trương Thị Xuyến đành chấp nhận tiếng gàn dở, mang trầu cau đi tìm vợ cho chồng.
Những đêm dài nước mắt đẫm gối
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về thôn Hành Chính, xã Yên Lâm (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) để tìm hiểu sự việc lạ lùng trên. Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng chị Xuyến đã có tấm lòng nhân hậu và sự hi sinh cao cả.
Khi là cô gái tuổi đôi mươi, chị Xuyến hạnh phúc sánh duyên cùng anh Trương Văn Lợi (SN 1960), một chàng trai hiền lành, chăm chỉ. Cho tới 2 năm sau ngày cưới, hai bên gia đình đều sốt ruột vì không thấy anh chị báo tin vui. Vợ chồng đưa nhau đi khám mới vỡ lẽ chị không thể sinh con. Chồng thường xuyên động viên chị chạy chữa, thậm chí nếu không đẻ được thì xin con nuôi. Hàng đêm khi chồng ngủ say, dù đã gắng gượng nhưng nước mắt chị Xuyến cứ lăn dài trên gò má, nỗi đau đớn, dằn vặt cứ thế ùa tới. Bất chợt chị nghĩ đến việc san sẻ người đàn ông của mình cho người phụ nữ khác.
Trải qua những đêm trằn trọc, chị “giục” chồng ly dị và khuyên anh đi lấy vợ khác. Đó có thể là lối thoát cho những tháng ngày chị tự hành hạ bản thân mình. Nhưng anh cương quyết không đồng ý. Chị Xuyến cố gắng thuyết phục anh: “Con nuôi không bằng con đẻ, huống hồ không phải tại anh. Anh phải lấy vợ thôi. Đó là cách tốt nhất để cứu vãn hạnh phúc không trọn vẹn này. Em tin là sẽ có một người đồng cảm với hoàn cảnh của chúng ta. Với lại ôm con chồng còn hơn bồng con người. Con của anh cũng như con của em dứt ruột đẻ ra”. Trước quyết tâm của chị và sức ép từ nhiều phía, cuối cùng người chồng cũng miễn cưỡng thuận theo.
Chị Xuyến (bên phải), vợ hai (bên trái) cùng con gái út. Ảnh: N.Hưng
Hành trình tìm vợ hai cho chồng
Tin chị Xuyến tìm vợ cho chồng được lan truyền khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng bảo chị là gàn dở. Lúc ấy, chị phải đấu tranh tâm lý, đến nỗi người ngày một gầy rộc đi. Người thân đã tới động viên, khuyên bảo chị hãy thay đổi việc “lạ đời” mình đang làm. Chị âm thầm, lặng lẽ đi khắp xóm gần làng xa để tìm một người phụ nữ đồng cảm và sẻ chia với “kiếp chồng chung”. Hy vọng nhen nhóm khi chị nghe tin ở làng bên có một cô góa chồng, còn trẻ. Nhưng cô ấy khăng khăng bắt anh Lợi phải bỏ vợ thì mới chịu lấy. Thương vợ, anh Lợi không chấp nhận.
Nhưng khao khát được bồng con trẻ, chị Xuyến lại tiếp tục tìm thêm đám nữa. Lần này là cô gái hiền lành bị chồng phụ bạc, đã có đứa con gái nhỏ lọt vào “tầm ngắm” của chị. Khi chị Trịnh Thị Lĩnh (người vợ hai bây giờ) gật đầu đồng ý, chị Xuyến cuống quýt bàn với nhà chồng mang trầu cau đi hỏi vợ cho chồng. Sau đó chị và chồng làm dăm mâm cơm, đón hai mẹ con chị Lĩnh về. Hồi đó, “một ông hai bà” cùng chung sống trong căn nhà được chia làm ba gian. Bố chồng ở gian nhà giữa. Chị nhường gian lớn cho vợ mới của chồng, còn mình chuyển qua gian nhỏ hơn ngủ cùng con gái riêng của vợ mới.
Cuối năm 1989, chị Lĩnh sinh đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Trương Văn Luân. Bế thằng bé trên tay mà chị Xuyến trào nước mắt. Đến khi cai sữa, Luân được chị chăm bẵm từ cái ăn, cái mặc. Chị yêu thương Luân như chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Năm 1993, chị Xuyến xin đi học lớp sơ cấp y tá rồi về Trạm xá xã Yên Lâm làm hộ lý. Vài năm sau, chị chuyển về ngôi nhà nhỏ mới xây ngay gần trạm xá. Anh Lợi cùng vợ hai và con cái vẫn ở nhà trong làng. Học xong lớp 12, Luân định nghỉ không thi đại học vì gia đình khó khăn, nhưng được mẹ Xuyến động viên, cậu quyết định thi và đỗ vào ĐH Dược Hà Nội. Không chỉ thương yêu các con của chồng, con gái riêng của người vợ hai cũng được chị chăm sóc chu đáo từ khi hai mẹ con về ở trong nhà. Đến khi cô lấy chồng, chị cũng đứng ra lo liệu cỗ bàn tươm tất. Con gái út Trương Lan Nhi (SN 2003) hiện cũng ra ở với mẹ Xuyến để tiện đi học.
Ba đứa con lớn lên trong vòng tay yêu thương của cả cha lẫn hai bà mẹ. Các con thường gọi chị Xuyến bằng cái tên trìu mến là “mẹ già”, còn “mẹ non” là dành cho mẹ đẻ. Ngồi cạnh chị Xuyến, chị Lĩnh trải lòng: “Âu cũng là duyên số. Mỗi người một hoàn cảnh. Còn gì hạnh phúc hơn khi cả tôi lẫn chị đều có chồng và ba đứa con cùng yêu thương, động viên lẫn nhau vượt qua những ngày khốn khó. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình chúng tôi”. Hiện tại, chồng đã đi làm ăn xa, mấy tháng mới về nhà một lần. Mọi công việc trong gia đình, hai bà mẹ lại cùng nhau quán xuyến.
Bước qua tuổi 50, chị Xuyến thấy cuộc đời thật nhiều ý nghĩa khi mỗi người biết hi sinh vì hạnh phúc của người mình yêu thương. 25 năm đã trôi qua, cuộc sống “một ông hai bà” lúc nào cũng đầy ắp tình yêu thương, ăm ắp tiếng cười. Một câu chuyện tình mà khi đặt chân đến vùng đất này, ai cũng được người dân địa phương háo hức kể cho nghe để khuyên rằng: “Con người ta thật sự hạnh phúc khi biết mở lòng, trao tình thương yêu cho người khác”.