Người chuyển giới đang dần... tự sát

Có một thực tế phũ phàng là đa số những người chuyển giới ở Việt Nam đều rơi vào tình trạng không có chế độ "bảo hành" sau phẫu thuật. Họ phải tự tìm thuốc hooc môn về tiêm cho mình, một việc gây nhiều tổn hại sức khỏe.

Khốn khổ vì lông mọc sau khi chuyển giới

Trường hợp của Lan A. quê ở Quảng Bình đang sống ở Hà Nội là ví dụ điển hình của những người chuyển giới không có điều kiện tự điều trị cho mình.

Lan A. vốn là một chàng trai nhưng từ khi biết nhận dạng về giới thì Lan A. chỉ thích được làm con gái.

Ngoài quần áo ăn mặc diêm dúa, Lan A. còn nuôi ước mơ phẫu thuật chuyển giới. Vượt qua được sự cản trở của người thân, Lan A. sang Thái Lan làm phẫu thuật năm 2009. Tuy nhiên, sau khi chuyển giới cuộc sống của cô vô cùng khó khăn vì không xin được việc và "nuôi" cơ thể sau chuyển giới rất tốn kém.

Vài năm trước, Lan A. thường làm nghề đi hát thuê ở đám ma trong miền nam. Nghề hát thuê ngày càng thu hẹp thị trường, cô chuyển sang làm nghề cắt tóc, gội đầu. Lan A. mở cho mình một cửa hàng làm tóc ở Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi làm chủ được của hàng, cô cũng khốn khổ khi đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Những năm đầu có tiền mua thuốc nội tiết tố, Lan A. còn mang thân hình giống phụ nữ nhiều hơn.

Hai năm nay, vì bỏ bẵng việc tiêm nội tiết tố nên cơ thể Lan A. ngày càng thô. Lông chân, lông tay, lông bụng mọc tua tủa. Thậm chí ria mép, râu cằm cũng bon chen khiến Lan A. rất khổ sở. Mỗi lần lông chân, lông tay mọc, cô dành dụm ít tiền mua thuốc về rồi tự tiêm cho mình.

 TS Khuất Thu Hồng -  Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội cho biết trường hợp của Nguyễn Thùy D. trú tại Đồng Nai bà từng gặp cũng khiến bà ám ảnh. D. vốn là một đấng mày râu được chuyển giới thành thân liễu yếu đào tơ. Từ ngày sở hữu thân hình của một người phụ nữ, D. thỏa đam mê sở thích ăn mặc như công chúa nhưng cuộc sống của cô vô cùng khó khăn vì công việc cũng như việc chăm sóc cơ thể sau chuyển giới. Khi bà gặp D. cô phải đi bán thân. Có những khách biết được cô là gái mại dâm chuyển giới họ đánh không thương tiếc.

Người chuyển giới đang dần... tự sát - 1

Đa số những người chuyển giới ở Việt Nam đều rơi vào tình trạng không có chế độ "bảo hành" sau phẫu thuật (Ảnh minh họa)

Chấp nhận "tổn thọ"

TS Khuất Thu Hồng cho biết những người chuyển giới Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ đối với công việc mà ngay cả chấp nhận chuyển giới là họ chấp nhận rút ngắn sự sống của mình.

Thực tế đáng buồn này của người chuyển giới ở Việt Nam xuất phát từ chỗ đa số họ đều là những người không có tài chính dư giả. Hơn nữa, ở Việt Nam không có "công nghệ bảo hành" sau chuyển giới. Những người chuyển giới sau khi phẫu thuật từ nam thành nữ hay từ nữ thành nam đều phải sử dụng thuốc nội tiết tố hàng tháng. Người chuyển giới phải tự điều trị cho mình.

Khi tự điều trị, họ sẽ không biết được dạng thuốc nội tiết nào là tốt, liều lượng thuốc như thế nào là phù hợp, cần điều chỉnh gì khi có trục trặc. Vì thế nếu chẳng may họ có bị “tổn thọ” thì lý do là do dùng thuốc sai và không được bác sĩ giỏi về thuốc nội tiết chăm sóc. Điều trị sau chuyển giới không khác gì việc điều trị một bệnh mạn tính như bệnh cao huyết áp, bệnh mỡ máu cao… muốn an toàn thì người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa kê toa thuốc, theo dõi định kỳ, điều chỉnh liều lượng.

Những người chuyển giới đang dần tự sát vì không được điều trị đúng cách. TS Hồng nhấn mạnh thay vì từ chối, hắt hủi người chuyển giới, đã đến lúc y học nên giúp đỡ những người này, để họ vừa sống vui, vừa sống lâu sống khoẻ như mọi người.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Bị bố đánh nhừ tử vì muốn chuyển giới

Ngắm vẻ đẹp của thiếu nữ chuyển giới

Đa đoan phận "bóng" chuyển giới

9X chuyển giới cô đơn để được tỏa sáng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN