Người chồng không còn giá trị

Tôi với anh chỉ còn là vợ chồng trên danh nghĩa bởi trong mắt tôi, anh cũng chẳng còn chút giá trị nào.

Thú thật, tôi phải uống thuốc trợ tim mới đọc hết được bài viết Sợ vợ con leo lên đầu. Đọc xong tôi tự nhủ: Anh này không phải một người chồng, người cha trong gia đình mà là một ông vua cuối cùng còn sót lại của triều đại phong kiến nào đó. Nếu không thì hẳn đó chính là sản phẩm của một nền giáo dục vừa hời hợt, vừa gia trưởng trong môi trường anh ta sinh ra và lớn lên.

Vợ là gì? Hỏi như vậy chắc chắn sẽ có người cho rằng ngớ ngẩn. Nhưng thật ra, đến giờ này, ở thế kỷ 21 văn minh, hiện đại này vẫn còn khối người đàn ông không thể định nghĩa được “vợ” là thế nào cho chính xác.

Với rất nhiều người, vợ là người lên giường khi họ có nhu cầu, đẻ cho họ những đứa con để nối dõi tông đường, nấu cho họ những bữa ăn ngon, giặt ủi quần áo để họ được tươm tất khi ra ngoài, lau dọn nhà cửa cho sạch sẽ để họ không mắc cỡ với bạn bè, cùng họ kiếm tiền để lo cho gia đình... Với một số người khác, vợ là người giữ tiền cho họ nhưng không được tự ý chi xài, là người thực hiện những ý muốn khi họ ra lệnh, là một cô hầu gái để họ sai vặt trong ngoài...

Không phải sao? Tôi xin nói chắc rằng đó chính là sự thật đang diễn ra hiện nay. Nó hàng ngày, hàng giờ hiển hiện trong cuộc sống quanh ta mà mọi người mặc nhiên chấp nhận dù ai ai cũng hô hào nam nữ bình quyền.

Cách đây nhiều năm, tôi là một người phụ nữ độc lập. Tôi có công ăn việc làm ổn định, có cơ hội thăng tiến. Thế rồi tôi lấy chồng, lấy một anh giám đốc giàu có. Kết quả là tôi từ một phụ nữ độc lập, tự chủ bất đắc dĩ trở thành con búp bê chưng trong tủ kính, thỉnh thoảng theo chồng tới dự những bữa tiệc chiêu đãi, liên hoan; đi ra ngoài có người đưa đón, muốn mua sắm thứ gì cũng phải có sự “duyệt chi” của chồng.

Tôi ở nhà chăm chút sắc đẹp, tắm rửa thơm tho rồi đi tới, đi lui trong nhà chờ đến khi chồng về để bóp tay chân cho anh, nghe những câu chuyện ngoài thương trường của anh; đôi khi làm nơi cho anh trút giận một ai đó. Và cuối cùng là nằm ngửa theo nghĩa đen để anh giải tỏa ưu phiền hoặc gia tăng hưng phấn khi anh vừa đạt được một chiến thắng nào đó trong công cuộc làm ăn...

Rồi tôi sinh đôi hai đứa con gái. Anh bắt đầu lơ đễnh, chẳng còn nồng nhiệt như xưa. Đi ra ngoài anh không dắt tôi theo với lý do “con cái đùm đề” mà đi cùng các cô thư ký trẻ đẹp; buổi tối anh về nhà rất muộn và bao giờ cũng kêu buồn ngủ... Thoạt đầu tôi chấp nhận vì các con còn quá nhỏ, tôi không muốn chúng phải vất vả. Thế nhưng khi chúng được 10 tuổi, tôi bỗng giật mình.

Tôi nhìn mình trong gương. Không còn là tôi xinh tươi của hơn 10 năm trước; thay vào đó là một người phụ nữ ưu sầu, chậm chạp, chán đời. Con tôi hỏi: “Sao mẹ không đi làm việc? Mẹ của bạn con đều đi làm việc”. Tôi giải thích cho chúng rằng nhà mình đã đầy đủ, chỉ một mình ba cũng dư sức lo toan cho cả nhà nên tôi không phải đi làm.

Nhưng con tôi không chịu cách giải thích ấy. Nó muốn tôi phải giống mẹ của các bạn, phải đi làm ở một cơ quan, đơn vị nào đó, phải mặc quần áo đẹp, xách cặp táp vào trường đón chúng như mẹ của các bạn. Tôi nói điều này với chồng. Anh gạt đi: “Con nít biết gì mà nhiều chuyện?”. Câu chuyện của chúng tôi diễn ra chỉ đúng có 2 câu rồi chấm dứt.

Cho đến khi kinh tế khó khăn, anh làm ăn thua lỗ, nghe đâu công ty sắp phá sản. Tôi rất muốn chia sẻ với anh nhưng lần nào mở miệng cũng bị anh gạt đi: “Đàn bà con gái biết gì?”. Có lần tôi bực bội trả lời: “Vậy chứ các nữ nhân viên của anh biết gì? Họ vẫn đi làm kiếm tiền, vẫn đẻ con, nuôi con tốt đó thôi”. Không chờ tôi dứt lời, anh cắt ngang: “Không lôi thôi nữa. Ở nhà là ở nhà”.

Tôi bức bối, tù túng đến phát điên. Dù gì thì ngày xưa tôi cũng là một nhân viên có năng lực. Tôi nhớ khi mình nộp đơn xin nghỉ việc, sếp trực tiếp của tôi cứ can ngăn mãi. Anh không chịu chuyển đơn cho giám đốc, cuối cùng tôi phải nghỉ ngang... Nếu vẫn còn làm việc, bây giờ hẳn là tôi đã rất thành đạt chứ không lôi thôi, nhếch nhác, lạc hậu như lúc này.

Người chồng không còn giá trị - 1

 Một người gia trưởng nhưng cố làm ra vẻ dân chủ; một kẻ tham lam nhưng cố làm ra vẻ rộng lượng (Ảnh minh họa)

Giọt nước tràn ly khi tôi xin tiền anh để phụ với các anh chị sửa lại nhà cho ba má. Tôi biết anh đang khó khăn, nhưng không xin anh, tôi biết lấy đâu ra tiền? Hơn nữa, các anh chị vẫn nghĩ tôi rất giàu, tiền bao nhiêu cũng có. Nếu không phụ mọi người thì tôi làm sao thấy thoải mái trong lòng? Vậy mà nghe tôi nói, anh nạt: “Tiền, tiền, lúc nào cũng tiền. Không thấy tôi muốn chết rồi đây sao? Làm ơn đừng có nhắc tiền với tôi nữa”.

Hôm đó, tôi thấy rất nhục nhã, ê chề. Tôi thề không bao giờ ngửa tay xin tiền của chồng nữa. Tôi liên lạc với bạn bè cũ, họ nhiệt tình giúp tìm cho tôi một công việc phù hợp. Tôi lén chồng đi làm, các con tôi rất vui sướng vì mẹ ra ngoài như mẹ của bạn bè chúng. Mẹ con tôi thỏa thuận với nhau tuyệt đối giữ bí mật chuyện này.

Khoảng 1 tháng thì chồng tôi phát hiện. Anh nổi điên: “Nghỉ, nghỉ ở nhà ngay, không có làm lụng gì hết. Em định bôi tro, trát trấu lên mặt tôi à?”. Tôi đã có sự chuẩn bị cho tình huống này nên bình thản nói: “Anh không cho tiền nên em phải tự kiếm tiền thôi. Anh nhìn kỹ đi: Em là một người lành lặn, khỏe mạnh, có kiến thức, vậy thì tại sao em không được phép đóng góp cho xã hội; không được phép đem công sức, trí tuệ của mình để đổi lấy đồng tiền một cách chính đáng?”.

Anh im lặng, sau đó thở dài: “Thôi thì em thích làm gì thì cứ làm đi, tôi không có ý kiến nữa. Nhưng nói trước, đi làm thì đi làm, nhưng chuyện nhà cửa, con cái không được bê trễ”. Khi ấy nhà tôi đã cho người giúp việc nghỉ hết. Tôi nghe anh nói thì tức anh ách trong bụng nhưng muốn yên chuyện nên không tranh luận. Với lại, hai đứa con gái là niềm vui, là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi nên việc chăm sóc, nuôi dạy con, tôi nhất quyết không bê trễ. Còn việc nhà, thú thật, cố gắng lắm thì cũng tàm tạm chứ không như trước kia.

Những ngày đầu thấy nhà chưa kịp lau, anh la hét ầm ĩ; cơm tối chưa kịp dọn, anh quát tháo om xòm. Tôi lẳng lặng làm, hai đứa con gái cũng nhào vô phụ mẹ. Tuy nhiên có những hôm chúng bận học bài, làm bài, tôi làm không kịp, nếu anh ngồi im thì thôi, còn nếu như la lối thì tôi xách cái cây lau nhà đặt trước mặt anh: “Muốn sạch sẽ thì làm đi. Còn đói bụng thì cơm canh đã có sẵn, vô dọn lấy mà ăn, em còn phải đổ rác, giặt quần áo, dọn dẹp trên lầu”.

Tất nhiên là anh chỉ làm mỗi một chuyện là lấy tô xới cơm rồi ra ghế salon vừa ăn, vừa xem tivi. Tôi cũng mặc kệ, làm được tới đâu thì làm, vui thì làm, buồn thì nghỉ. Cho đến một ngày, lâu quá không thấy anh đưa tiền chợ, tôi thắc mắc thì anh bảo: “Em chẳng đã nói tự lo rồi hay sao? Cuối cùng rồi cũng lòi cái đuôi ham tiền”. Tôi bực mình: “Không phải em ham tiền nhưng một mình tiền lương của em làm sao lo nổi cho cả nhà? Anh coi cái nhà mình lớn như vậy, chỉ riêng tiền điện mỗi tháng đã mấy triệu; rồi còn ăn uống, học hành của con. Nếu nói vậy thì anh lo phần anh và 1 đứa nhỏ, em lo phần em và một đứa”.

Anh không nói gì, mấy hôm sau đưa cho tôi 3 triệu. Số tiền này so với trước chẳng là gì cả. Hồi trước, chỉ một bữa ăn hải sản của gia đình đã nhiều hơn số tiền đó. Thế nhưng từ khi đi làm trở lại, tôi đã quen với việc tiện tặn từng đồng.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Một ngày nọ, có mấy người lạ mặt đến trước cửa nhà chửi mắng. Họ nói chồng tôi quỵt nợ. Hậu quả là sau đó, ngôi nhà bị phát mãi để trả nợ. Sau đó chồng tôi đóng cửa công ty bỏ trốn. Tôi chẳng biết anh ở đâu nhưng thỉnh thoảng lại nhắn tôi chuyển tiền vô tài khoản cho anh.

Tình trạng này kéo dài hơn 4 năm thì anh về. Từ đó đến nay, thêm 4 năm nữa, anh chẳng làm gì, cứ suốt ngày ở nhà lên mạng, đọc cái gì đó, tìm kiếm cái gì đó; thỉnh thoảng lại vô cớ mắng vợ, chửi con y như cái thuở anh còn làm giám đốc. Hai đứa con tôi lại nói như đã từng nói với mẹ ngày xưa: “Ba đi tìm việc gì làm đi ba, ở nhà riết tù túng lắm, làm sao mà chịu nổi?”. Anh trừng mắt nhìn con: “Con nít biết gì?”.

Nhưng hai đứa con tôi đã vào đại học, đã biết đi làm thêm để kiếm tiền phụ mẹ, nó hiểu giá trị của một con người thể hiện qua lao động. Nó không muốn nhìn thấy một người cha chẳng còn chút giá trị nào trong mắt mình. Thế nhưng anh không thay đổi. Từ khi làm ăn thất bại, anh như một người khác. Đôi khi tôi thèm thấy anh cứng cỏi, mạnh mẽ như ngày xưa; nhưng bây giờ mơ ước đó cũng thành xa xỉ... Và bây giờ, tôi với anh chỉ còn là vợ chồng trên danh nghĩa bởi trong mắt tôi, anh cũng chẳng còn chút giá trị nào.

Thế đấy, đàn ông trên đời này nếu không như anh chàng Hoàng Phúc kia thì cũng như chồng tôi. Họ chỉ là một người yếu đuối nhưng cố tỏ ra mạnh mẽ; một người gia trưởng nhưng cố làm ra vẻ dân chủ; một kẻ tham lam nhưng cố làm ra vẻ rộng lượng... Và khi hết thời, họ hèn yếu hơn cả phụ nữ.

Tất nhiên, tôi không nói những trường hợp cá biệt, khi những người đàn ông thật sự là đàn ông... Nhưng những người như vậy, bây giờ sắp tuyệt chủng hết rồi!

Xem thêm các bài viết liên quan:

Chồng tôi có máu D

Em gái hồn nhiên nằm cạnh chồng tôi

Có ai như chồng tôi?

Người chồng tội lỗi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Mai (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN