Người cha theo con không tay vào đại học
Từ khi sinh ra, Nguyễn Minh Phú đã không có tay do di chứng chất độc màu da cam. Hai năm trước, ngày Phú vào TP.HCM học, ông Nguyễn Quỳnh Lộc lại gói gém hành lý đi cùng con.
Ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, sinh viên và nhân viên đã quá quen thuộc với hình ảnh hai cha con ông Nguyễn Quỳnh Lộc (60 tuổi, Nghệ An) và Nguyễn Minh Phú (20 tuổi, sinh viên năm 3, ĐH Công nghệ thông tin). Người con không có đôi tay từ lúc lọt lòng, nên gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Vì thế ngày Phú vào đại học, ông Lộc cũng theo con đi TP.HCM.
Phú giàu nghị lực, từ bé khi được đi học, cậu đã ngày đêm rèn luyện đôi chân trở thành đôi tay. Hầu hết mọi việc Phú đều có thể làm bằng chân. Đôi chân viết, sử dụng máy tính, nghe điện thoại, vệ sinh cá nhân... nhưng chỉ có việc mặc quần áo là không thể. Không thể bỏ con mình vài Sài Gòn một mình, nên ông Lộc thay gia đình vào nuôi con.
Phú xin vào KTX ĐH Quốc gia TP.HCM. Lãnh đạo KTX hiểu hoàn cảnh hai cha con nên bố trí một phòng cho cả hai người cùng ở. Trong ảnh, ông Lộc lấy quần áo cho Phú mặc đi học.
Sáng nào ông cũng dậy sớm từ 4 giờ, để chuẩn bị bữa ăn sáng, thu vén nhà của, giặt đồ và mặc quần áo...
Khoác ba lô cho Phú đến trường. Trường gần KTX nên Phú tự đi bộ đến trường.
Xong xuôi đâu đó, ông Lộc ra thu dọn vệ sinh hành lang. Mỗi ngày, ông phải làm hai khu nhà.
Rồi tiếp tục đi nhổ cỏ, tỉa cây khu khuôn viên KTX. Đây là công việc mà KTX tạo điều kiện cho ông kiếm thêm thu nhập, chăm lo cuộc sống. Mỗi tháng, ông nhận được khoảng 2 triệu. "Tuy nhiên việc ăn học của Phú, sinh hoạt, đóng tiền KTX thì mình phải mượn thêm ngoài, ở quê gửi vào thì mới đủ", ông Lộc cho biết.
Chiều chiều, khi Phú đi học về, hai cha con thường rủ nhau đi dạo quanh KTX. Phú có thể chơi được đá bóng, đá cầu. Người cha dõi nhìn con trai của mình chơi thể thao sau giờ học, rồi cả hai cha con đi mua cơm về phòng ăn.
Phú học bài, ông Lộc rảnh ngồi đọc sách.
Hoặc nhìn con sử dụng máy tính. Chiếc máy tính là tài sản quý giá nhất của Phú, đây là món quà của một mạnh thường quân trao tặng.
Từ thời phổ thông, Phú đã thích công nghệ thông tin, hơn nữa đây cũng là một công việc hợp với những người khuyết tật như Phú.
Với ông Lộc, nhiều lúc vết thương chiến tranh làm ông đau đớn. Là thương binh 3/4, một chân không co lại được, đi đứng khó khăn, mang trong người nhiều bệnh nhưng ông không than thở mà tự chịu đựng để không ảnh hưởng đến việc học tập của con.
Không phụ công cha, Phú luôn cố gắng chăm chỉ học tập, suốt 12 năm liền đều là học sinh giỏi, được nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp huyện. "Em mong sớm ra trường, xin được việc làm để phụ giúp gia đình. Nhìn thấy ba cực khổ chăm lo cho mình, em luôn tự nhủ cố gắng học tập tốt hơn nữa", Phú chia sẻ.
Với ông Lộc, tâm nguyện của ông là Phú sớm có công việc ổn định và "nếu Phú có vợ thì tôi sẽ bớt cực hơn, còn bây giờ phận làm cha thấy con mình không may bị như vậy thì phải cố gắng chăm lo cho con ", ông bộc bạch.