Nghỉ dịch, nhiều bạn trẻ về quê làm nông chăm vườn phụ giúp bố mẹ

Sự kiện: Giới trẻ 2025

Những ngày giãn cách xã hội, trực tiếp tham gia làm những công việc "chân lấm, tay bùn", nhiều bạn trẻ nhận ra giá trị của sức lao động và thêm thương yêu trân trọng công sức của cha mẹ.

Khi chưa có dịch, nhiều bạn trẻ rong ruổi ở thành phố những ngày bình yên để sống, học tập, và làm việc. Có thể hàng tuần, hàng tháng, hoặc vài tháng sẽ sắp xếp về thăm quê, gia đình và hưởng chút không khí trong lành bên cánh đồng quê, ngắm những khoảnh khắc dung dị của cuộc sống bên người thân.

Thế rồi, đợt dịch thứ 4 kéo dài và phức tạp hơn, những đứa con xa quê lại trở về, không phải vài ngày, mà có khi đã vài tháng để tránh dịch và giảm bớt áp lực kinh tế ở thành phố. Đâu đó trong những ngày giãn cách xã hội, khi ở nhà nhiều hơn, nhiều bạn trẻ nhận ra được ý nghĩa hạnh phúc gia đình mà trước đó không thấy, khi chứng kiến giọt mồ hôi rơi trong những khoảnh khắc lao động của cha mẹ.

"Lâu nay bố mẹ đã làm việc quá cực khổ..."

Lên TP HCM làm huấn luyện viên thể hình đã được 8 năm, Bùi Ngọc Hoàng (sinh năm 1996) đã về quê ở Đắk Lắk từ ngày 15/7 để tránh dịch. Xuất thân từ gia đình làm nông, Hoàng tâm sự: "Gia đình mình đang trồng cafe, tiêu, sầu riêng, nuôi gà, nuôi bò, heo và cá. Vì đi xa nhà 8 năm nay nên thời gian này mình coi như nghỉ để lấy sức, phụ giúp bố mẹ bớt gánh nặng công việc. Bởi bố mẹ mình trước giờ rất vất vả vì gia đình không thuộc diện khá giả, lao động chân tay rất nhiều.

Thời gian ở nhà mùa dịch, mình giúp bố mẹ làm ruộng lúa, làm rẫy cafe, chăn nuôi, trồng rau. Thường mình sẽ dậy lúc 6h sáng, ăn sáng xong chăm lo cho đàn heo, bò, gà, tưới rau. Sau đó đi làm vườn, làm rẫy tới 4h chiều và kết thúc công việc.

Trước giờ khi ở xa mình cũng rất quan tâm gia đình và thường xuyên gọi điện. Nhìn lại, mình thấy hối hận vì vài năm trước mình ham làm nên rất ít khi về quê. Mình nghĩ hiện tại, mình cần thời gian ở bên và chăm sóc bố mẹ nhiều hơn, bố mẹ cũng đã lớn tuổi, mình còn được bao nhiêu lần phụ giúp nữa.

Mình đã nghỉ làm việc 4 tháng rồi và thấy không hề nhàm chán. Trong thời gian này mình có thời gian để nhìn lại những gì mình đã làm, những mục tiêu mình đề ra cho sắp tới. Với một người xa quê khá lâu như mình, việc phụ giúp bố mẹ khiến mình nhận ra lâu nay bố mẹ đã làm việc quá cực khổ, không có thời gian chăm sóc cho bản thân. Thời gian này, mình sẽ tranh thủ đảm nhiệm công việc đó để cha mẹ đỡ được phần nào".

Mới đầu về quê, Hoàng cũng khá "sốc" bởi khi làm huấn luyện viên thể hình và làm nông rất khác nhau.

Mới đầu về quê, Hoàng cũng khá "sốc" bởi khi làm huấn luyện viên thể hình và làm nông rất khác nhau.

Tranh thủ vừa làm, Hoàng vừa quay video đăng lên mạng xã hội TikTok để giải trí và muốn giới thiệu đến mọi người về nông sản của gia đình, quê hương.

Hoạt động chân tay nhiều nên thấy khỏe hơn

Trở về quê vào cuối tháng 6, ngoài công việc làm kế toán và kinh doanh online các mặt hàng nông sản, Nguyễn Thị Thảo Vy (sinh năm 1994, hiện ở TP. HCM) cũng giúp bố mẹ chăm sóc cà phê, thu hoạch bơ và sầu riêng.

Trò chuyện với phóng viên, Vy chia sẻ: "Hiện tại, gia đình mình có trồng các loại cây công nghiệp như tiêu, cà phê, ngoài ra còn có bơ, sầu riêng. Thời gian ở nhà nhiều hơn mình có thêm thời gian dành cho bản thân và gia đình. Mình bắt đầu tham gia phụ giúp bố mẹ các công việc đồng áng, từ đó không những hiểu thêm về bản thân mà còn cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ trong công việc này.

Ở nhà, mình thấy thoải mái hơn, vì ở quê không khí trong lành, được gần những người mình yêu thương. Chưa kể mình hoạt động chân tay nhiều hơn nên thấy khỏe hơn. Nghỉ dịch cũng giúp mình phát hiện ra có thể làm những công việc đồng áng mà mình từng nghĩ không đủ sức để làm. Mình gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn, trân trọng nhiều hơn những thành quả của bố mẹ".

Thảo Vy tranh thủ ghi lại khung cảnh một góc vườn của gia đình. "Chưa khi nào thấy bố mẹ mình dịu dàng đến thế..."

Thảo Vy tranh thủ ghi lại khung cảnh một góc vườn của gia đình. "Chưa khi nào thấy bố mẹ mình dịu dàng đến thế..."

Đều học tập, làm việc ở Hà Nội cho đến khi dịch bùng phát, 2 anh em ruột là Diễm Hằng (sinh năm 2001) và Công Khánh (sinh năm 1997) quyết định trở về quê ở Hưng Yên vào giữa tháng 7.

Liên hệ với Diễm Hằng, cô bạn nói: "Chưa khi nào mình thấy bố mẹ mình dịu dàng đến thế... bởi lẽ, thời gian này, mình có nhiều thời gian ở bên và chứng kiến từng công việc của bố mẹ nên nhận ra điều đó. Dịu dàng từ cử chỉ, lời động viên nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.

Mình và anh trai hằng ngày ra vườn thu hoạch nhãn, na và các loại rau quả khác hay làm nong, bán nong phụ bố mẹ. Do việc học của mình chỉ diễn ra vào buổi chiều nên mình vẫn còn nhiều giờ để làm những công việc trên.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng mình hy vọng, trong những ngày nghỉ dài ở nhà, mình sẽ cảm nhận và thấu hiểu nhiều hơn về bố mẹ để thêm yêu và trân trọng họ hơn bao giờ hết".

Công Khánh giúp bố mẹ thu hoạch nhãn.

Công Khánh giúp bố mẹ thu hoạch nhãn.

Buồn khi thấy vườn hoa trái của bố mẹ "đổ bể" vì dịch

"Khi ước mơ cả đời gửi vào đất mẹ - Nhìn cây sầu riêng trĩu trịt trái mà lòng xót xa! Nước mắt cứ "đè" cho chảy ngược vào trong! Câu hát dặt dìu của Tùng Dương: "Ngày xưa, cha ngồi uống rượu... Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành" như hàng ngàn con sóng trong lòng.

Cha tôi, người đàn ông cả đời gắn bó với nghề nông luôn khao khát vươn lên, không ngừng nghỉ, bất kể thời gian. Lúc trung niên, ước mơ của ông là 4 đứa con được học hành đến nơi đến chốn. Kệ nắng, kệ gió, kệ những mùa nắng cháy cây cà phê, kệ luôn những lúc cà phê chỉ còn 4.000 đồng/kg... ông tích cóp cho chị em tôi ăn học. 4 tấm bằng đại học nhuộm màu đỏ của đất bazan, có vị đắng của cà phê xứ buôn mê, có vị mặn của mồ hôi và nước mắt của cha tôi, nên nó nặng đến vô cùng. Ước nguyện của một người cha cơ bản thành hiện thực.

Bước vào ngưỡng 60, cha tôi lại tiếp tục nuôi ước nguyện mới: kiếm tiền đủ lo tuổi già cho 2 ông bà mà không phiền đến con cháu, nhưng nhất thiết phải giữ lại được đám rẫy để sau này cho mỗi đứa một mảnh. Cha lại miệt mài học tập, đổi mới và đầu tư...

Cha trồng sầu riêng. Không có nhiều tiền để đầu tư đồng loạt như người ta, cha cứ góp gió thành bão. Có được ít triệu ông lại nhịn ăn, đi mua vài cây sầu riêng ra trồng... Cha chăm chỉ, cần mẫn, xăm soi từng cái lá, nhìn từng cành cây... Sáng 5 giờ ra rẫy, 8h tối mới về tới nhà. Mỗi lúc nói chuyện, mắt cha lấp lánh tả đợt sầu mơn mởn, tả cái lá dày, xanh mướt... Rồi, năm nay cha hớn hở khoe đã có tầm 100 cây thu lứa đầu. Trái sầu lớn lên theo mỗi cuộc điện thoại...

Giờ thì sầu đã chuẩn bị thu. Lẽ ra, tôi sẽ nghe cha tôi nói về thành quả, nhưng... dịch đến, mỗi ngày tôi thấy nỗi buồn trong tôi lớn theo trái SẦU!"

Đây là những lời tâm sự chất chứa nhiều suy tư của chị Thúy Hằng, hiện là giáo viên tại Đồng Nai.

Chứng kiến vườn sầu riêng sai trái của gia đình đến mùa thu hoạch ở Đắk Lắk nhưng do ảnh hưởng bởi dịch nên việc thông thương khó khăn, giá cả đi xuống, bản thân cũng đã nửa năm chưa về nhà được, chị Hằng nói thêm: "Ở nhà cha mình làm nông, trước đây chỉ trồng cà phê, nay chuyển sang mô hình xen canh: cà phê, tiêu, macca và sầu riêng.

Thế nhưng mình không làm rẫy vì trước đây mình cũng ít phụ vì cha mẹ mình không muốn con làm nông. Còn hiện tại mình vừa "bỏ rừng ra phố", tình hình tiêu thụ nông sản gia đình khó khăn cũng khiến mình trăn trở và thương cho công sức của cha mẹ".

Ở nhà mùa dịch, nam sinh chụp bộ ảnh về mẹ khiến dân mạng ”tấm tắc' khen

"Từng chụp ảnh rất nhiều nhưng người đem lại cảm xúc và hạnh phúc nhất cho mình khi chụp chính là mẹ" - Nguyễn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Linh ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN