Tết là thời khắc thiêng liêng đất trời giao hòa, là dịp gia đình sum vầy đoàn tụ. Thế nhưng không phải ai cũng có thể đón Tết với niềm hân hoan, hạnh phúc. Họ còn vướng bận quá nhiều bộn bề nên đành chấp nhận ăn Tết xa quê.
Không dám về quê vì không có tiền
Tết cổ truyền là phong tục thiêng liêng ý nghĩa nhất của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, dù làm gì, ở đâu hay hoàn cảnh giàu sang nghèo khó thế nào, ai nấy đều cố gắng chuẩn bị đón Tết với tinh thần hân hoan, phấn khởi nhất.
Tết còn là dịp để trở về với gia đình. Với những ai làm việc và học tập xa quê, họ mong ngóng từng khoảnh khắc để trông mong đến Tết, bởi khi đó mọi bộn bề lo toan sẽ được tạm gác lại. Họ về với quê hương, với gia đình để tìm lại cảm giác yên bình.
Thế nhưng cuộc sống hiện đại đang cuốn tất cả theo guồng quay khắc nghiệt của nó. Và có những con người không thể về quê đón tết cùng gia đình bởi lý do kinh tế. Mặc dù vất vả mưu sinh cả năm trên thành phố song để tươm tất trở về không phải ai cũng có điều kiện.
“Tôi đi làm phục vụ quán, lương tháng được 5 triệu. Nhà chủ đã bao ăn ở nhưng số tiền này không để dành được quá nhiều. Cuộc sống nơi thành thị cái gì cũng phải cần đến tiền. Những sinh hoạt phí tối thiểu, những món tiền nhỏ gửi về quê hàng tháng khiến tôi luôn phải tính toán rất chi li.
Tết này được thưởng tháng lương thứ 13 nhưng không đủ để về quê. Tiền tàu xe quá đắt đỏ, rồi còn tiền mua sắm quà cáp, tiền mừng tuổi lũ trẻ con. Tôi tính sơ sơ cũng đã ngốn sạch chỗ tiền thưởng tết. Vì vậy dù nhớ nhà lắm nhưng tôi đành ở lại. Tôi sẽ trích một khoản tiền để gửi về biếu bố mẹ thôi”, chị Dịu nghẹn ngào chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh với chị Dịu là vợ chồng anh Thông. Hai vợ chồng cùng làm công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương nhưng mỗi người một quê. Anh Thông ở Thanh Hóa còn vợ người Quảng Bình. Vậy nên việc trở ra ăn Tết khá phức tạp. Anh tính toán tiền tàu xe rồi quà biếu hai bên nội ngoại, sắm sửa quần áo cho các con đã cuốn phăng phần lớn khoản thưởng của cả hai vợ chồng.
“Mình đi làm ăn xa quê cả năm trời, bây giờ về mà không tươm tươm một chút sao được. Vợ chồng mình tính toán sẽ vài năm mới về một lần thôi. Năm nay mình sẽ ở lại đây. Tích lũy thêm tiền bạc để Tết sang năm hoặc sang năm nữa mới về. Phận làm thuê làm mướn nơi đất khách nó vậy, nhiều đêm vợ nằm cạnh khóc mà mình cũng nhói lòng.
Vợ chồng mình vào đây làm ăn được 3 năm rồi nhưng chưa năm nào được về quên đón tết cả. Năm đầu tiên khó khăn lắm, tiền nhà cửa, tiền lo cho con ăn học nên có tích lũy được gì đâu. Lúc đó còn phải vay mượn thêm. Năm nay có khá hơn chút nhưng cũng chả dám tự tin về quê. Thương bố mẹ hai bên, chắc là nhớ con nhớ cháu lắm”, anh Thông cố gắng để nước mắt không rơi.
“Dồn tiền mua vé về quê ăn Tết, nhỡ trong năm có chuyện gấp thì tiền đâu mà mua vé xe”
Việc về quê ăn tết đã trở thành gánh nặng đối với những người tha hương cầu thực mưu sinh. Họ phải gồng gánh quá nhiều khoản chi tiêu trong khi đồng lương quá ít ỏi.
Câu chuyện của anh Đạt người Nghệ An khiến ai nghe cũng phải rưng rưng nghẹn ngào. Anh Đạt đã 35 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Anh xa quê bươn chải từ thời thanh niên để lo toan cho mẹ già luôn đau ốm.
“Hoàn cảnh mẹ già đau yếu luôn đặt lên vai tôi những gánh nặng khủng khiếp. Tôi không giỏi giang như bạn bè trang lứa nên chỉ biết lao động chân tay kiếm ăn từng bữa. Ai thuê gì tôi cũng đều làm được. Thấy có người mách vào TP.HCM dễ làm ăn nên tôi cũng không ngần ngại vào đây.
Ba năm ở trong này tôi không còn quá khó khăn nhưng rủng rỉnh tiền bạc thì chưa. Tôi làm tự do nên công việc không đều, ngoài ra còn tiền thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt phí và một khoản cố định gửi về cho mẹ lo thuốc thang.
Mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi rồi nên cũng chẳng biết thế nào. Tôi gọi điện về hỏi thăm thấy mẹ vẫn khỏe thì cũng tạm yên tâm. Nhiều lúc cũng lo lắm, mình ở trong này lúc nào cũng phải có sẵn một khoản tiền nhất định. Chẳng may ở quê có chuyện gì bất trắc còn về được ngay. Chứ không lúc đó biết vay mượn được ai”, anh Đạt lo xa.
Lời chia sẻ của anh Đạt đã chạm đúng tâm sự của nhiều người đi làm ăn xa. Điều họ lo sợ nhất là không thể có mặt ở nhà trong những lúc biến cố bất thường của gia đình. Vì thế họ đành ngậm ngùi để lại khoản chi phí dịp Tết để phòng xa.
Ăn Tết xa nhà, cố làm việc để vơi nỗi nhớ quê hương
Ngày nay cảnh ăn Tết xa quê ngày càng trở nên phổ biến. Bởi vậy nhiều bạn trẻ đã cố gắng tận dụng quãng thời gian này để làm những việc có ích. Giới sinh viên thì làm thêm công việc phục vụ hàng quán, công nhân có thể tăng ca hoặc những người lao động tự do sẽ đến những địa điểm ăn chơi để tăng thu nhập.
Nhiều năm trở lại đây, lao động ngoại tỉnh ở lại thành phố làm việc tăng lên đáng kể. Theo chia sẻ của bạn Hùng, làm việc trong dịp Tết vừa được trả công cao và vừa làm vơi đi nỗi nhớ nhà.
“Em điện báo cho mẹ ở quê rồi, Tết này em không về đâu. Em đi theo mấy anh chạy ra công viên, khu vui chơi bán hàng. Em bán bóng bay, kẹo kéo. Ngày Tết này bán được lắm anh. Năm ngoái em bán được thu nhập bằng cả tháng đó.
Trẻ con thành phố sướng quá, bố mẹ cưng hết sức. Nhìn cảnh đó em nhớ mẹ lắm nhưng dần quen rồi. Em sẽ kiếm nhiều tiền gửi về quê đỡ mẹ nuôi các em. Đây là Tết thứ 2 em không về rồi”, cậu nhóc Hùng mới 15 tuổi tâm sự.
Đi cùng Hùng còn một nhóm cùng trang lứa cũng cố giấu đi nỗi buồn xa quê dịp Tết. Đám trẻ tỏ ra hào hứng và lấy công việc kiếm tiền làm niềm vui: “Em vừa trúng mánh á, có nhà ông kia kêu em vô đánh nguyên cả tủ giày. Nhà giàu quá trời luôn. Em đánh từ trưa tới tối, phải 4 chục đôi lận. Đã thế em còn được cho mấy đôi giày cũ”.
Gia đình chị Linh cũng cố gắng tận dụng 7 ngày nghỉ Tết không được về quê để tích lũy thêm tài chính. Chị Linh là công nhân may mặc còn chồng chạy xe ôm công nghệ. Chị chia sẻ sẽ nhận thêm việc phụ quán ăn. Những ngày này công xá được cao mà cũng để đỡ phí thời gian.
“Tôi được người quen giới thiệu đến một quán ăn bình dân. Họ không đòi hỏi quá cao, chỉ cần nhanh nhẹn, lau dọn rửa chén bát là được. Tôi nhận ngay chứ. Công 400 ngàn một ngày. Tôi nhận luôn 5 ngày thế là được 2 triệu ra Tết đóng tiền học cho thằng lớn”, chị Linh chia sẻ.
Trong khi đó chồng chị Linh cũng tìm được niềm vui trong việc chạy xe. “Chạy xe vui lắm. Tôi gặp nhiều người cũng cực như mình à, cũng tâm sự chia sẻ nhiều. Họ chỉ hơn mình là được ăn Tết bên gia đình thôi còn dân lao động đâu chả vất vả như nhau.
Nhiều lúc cũng nhớ nhà nhớ quê lắm chứ. Nhưng thôi mình còn may khi còn có vợ con bên cạnh. Năm nay cố gắng tích cóp để Tết tới cả nhà sẽ về thăm quê, các cháu còn biết ông bà họ hàng rồi quê cha đất tổ”, anh hồ hởi chia sẻ kế hoạch của gia đình.
Một nhóm bạn sinh viên cùng xóm trọ cũng đã quyết định ở lại thành phố để tiết kiệm tiền. Họ cùng nhau tổ chức đón Tết ngay ở xóm trọ. Dù còn thiếu thốn rất nhiều nhưng hơi ấm tình cảm sẽ giúp các bạn trẻ vơi đi nỗi nhớ xa quê.
“Chúng em là sinh viên nghèo, đi lại về quê dịp này hết cả triệu bạc. Gia đình em không hỗ trợ được, chỉ lo tiền học thôi đã vất vả lắm rồi. Vậy là chúng em quyết định đón Tết luôn ở đây. Mọi người cũng đã gắn bó với nhau một thời gian dài, cũng có tình cảm thân thiết lắm.
Mỗi người đóng góp một ít là thành Tết ngay. Chúng em cực khổ quanh năm rồi, nên là lúc này chỉ cần tình cảm. Những người xa quê biết dựa vào nhau nơi đất khách là điều đáng quý nhất”, bạn Phương tâm sự.
Tết đến xuân về là khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời. Mỗi chúng ta không giống nhau về hoàn cảnh nên đón Tết bằng nhiều cách khác nhau. Thế nhưng dù ở bên cạnh gia đình hay mưu sinh nơi đất khách, tất cả đều có những ước vọng, những niềm tin vào một năm mới đủ đầy hơn, ấm áp hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |