Nghệ nhân dân gian trẻ nói về hầu đồng trong bar

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nghệ nhân dân gian trẻ tuổi nhất VN cho rằng, hầu đồng trong bar là ý tưởng mới nhưng cách thực hiện chưa đúng.

Chúng tôi gặp nghệ nhân dân gian trẻ tuổi nhất Việt Nam Trịnh Ngọc Minh trong lúc dư luận đang tranh cãi về sự việc hầu đồng trong quán bar vừa diễn ra ở Hà Nội. Trò chuyện với nghệ nhân 33 năm tuổi đời, 16 năm tuổi nghề, anh cho rằng, đây là cách đưa nghệ thuật hát văn đến gần hơn với giới trẻ nhưng cách thực hiện “chưa hẳn đúng”.

Nghệ nhân dân gian trẻ nói về hầu đồng trong bar - 1

Hình ảnh do tài khoản của một quán bar đăng tải trên facebook về buổi hầu đồng trong bar ở Hà Nội gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Là người “trong nghề”, anh nghĩ sao khi  nghệ thuật dân gian “hát văn – hầu đồng” trong quán bar?

Đưa nghệ thuật hát văn ra đường phố, lên sân khấu, thậm chí là quán bar là một cách mới để đưa hát văn đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng vấn đề là cách thực hiện thế nào, có văn hóa hay không?

Hình ảnh về buổi hầu đồng ở quán bar cho thấy, diễn xướng hầu đồng không được thể hiện đúng như nó vốn có. Dù biểu diễn vì mục đích gì cũng nên cân nhắc bởi, đây là loại hình nghệ thuật mang tính tâm linh.

Có ý kiến cho rằng, đây là “diễn” chứ không phải “hầu”, vì vậy, nó không ảnh hưởng đến tín ngưỡng, tâm linh. Anh thấy sao?

Nếu xem hầu đồng chỉ là “diễn” thì đó không còn là chính nó. Diễn xướng hầu đồng dù có cách điệu, có sân khấu hóa thế nào thì cũng phải đảm bảo được sự nghiêm túc, trang trọng.

Hầu đồng ở quán bar mà khách vẫn uống rượu, chúc tụng nhau… thì đúng là nét tín ngưỡng, tâm linh hoàn toàn bị phá vỡ. Nhưng nếu có cách bài trí, sắp đặt phù hợp thì đó là lại cách thức mới đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với giới trẻ.

Nếu là anh, anh sẽ bài trí thế nào?

Dĩ nhiên, tôi sẽ tái hiện không gian văn hóa phù hợp với loại hình nghệ thuật mang tính tâm linh này. Lễ vật đầy đủ đăng, trà, quả, thực, hương, hoa. Khách đến sẽ chỉ dùng nước, trà chứ không dùng bia rượu. Khách sẽ lắng nghe chứ không hò hét, thể hiện điều gì khiếm nhã.

Nghệ nhân dân gian trẻ nói về hầu đồng trong bar - 2

Nghệ nhân dân gian trẻ nhất Việt Nam Trịnh Ngọc Minh (giữa) trong một buổi hát chầu văn (Ảnh: Tất Định)

Anh vừa nhắc đến chuyện đưa hát văn đến gần giới trẻ, vậy đã bao giờ anh hát cho người trẻ nghe chưa? Và họ đón nhận thế nào? Anh có thấy rằng, dường như giới trẻ bây giờ thích nhạc trẻ và ít quan tâm đến nghệ thuật dân gian như hát văn không?

Tôi thì chẳng thấy vậy! Tôi đã có ba năm giảng dạy về nghệ thuật hát chầu văn ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội và dám khẳng định rằng, nói các bạn trẻ không thích hát văn, không yêu nghệ thuật dân gian là sai.

Trong mỗi giờ học của tôi, các bạn sinh viên đều rất hào hứng, rất say mê lắng nghe, cũng như nhiệt tình tìm hiểu về hát chầu văn. Theo tôi, không phải các bạn không yêu nghệ thuật dân gian mà là không có môi trường, không có điều kiện để thể hiện và nuôi nấng tình yêu đó. Phải cho các bạn trẻ được cầm, nắm, thực hành thì họ mới yêu được.

Cũng là người trẻ - thế hệ 8x, anh có bao giờ thấy “ngượng ngùng” khi khăn xếp – áo dài, ngồi khoanh tròn hát không?

Trước giờ, tôi vẫn nói mình là người có “căn” với nhà thánh, có “số” với chầu văn. Bởi vậy, ngay trong lần đầu tiên xem hát văn hầu đồng tôi đã “phải lòng”. Có thể, nó gần với bài hát dân ca tôi thích. Hoặc nét văn hóa dân gian đã ăn vào máu tôi, từ câu hát ru của mẹ, từ lời răn dạy lễ nghĩa của bà thuở nhỏ…

Anh bắt đầu hát văn và dành tình yêu cho nó từ bao giờ?

Thời sinh viên năm nhất, tôi đi xem hầu đồng. Tôi chết mê, chết mệt lối hát “vừa ngọt, vừa thắm” cùng những nghi thức tâm linh của người hầu đồng. Như thể giữa người hát và người hầu có một sợi dây kết nối nào đó rất bền chặt. Sau này, trở thành nghệ nhân tôi mới biết, mỗi bài văn là một tích sử. Người hát là người dẫn, còn người hầu là người thể hiện, bắt buộc phải có sự ăn ý thì vấn hầu mới chạm đến thế giới tâm linh của người thưởng thức.

Gần 16 năm gắn bó với nghề, câu hát vừa ngọt, vừa thắm hôm nào giờ là cuộc sống của tôi.

Vậy theo anh, điều gì gây khó khăn nhất trong  hát văn?

Với hát văn, kỹ thuật chưa đủ mà còn phải có vốn kiến thức rộng lớn về tích sử, thần thánh, hình thức, nghi thức hầu đồng, thế giới tâm linh của người thường thức…

Khoan hãy nói đến học nhịp, điệu chỉ riêng việc nhớ lời văn thôi cũng đã khó rồi. Có lần, tôi học cả đêm được 6 khổ văn. Đến sáng nhẩm lại thì không nhớ một câu nào. Tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ  bởi, học hát văn phức tạp quá.

Nghệ nhân dân gian trẻ nói về hầu đồng trong bar - 3

Hát văn là niềm đam mê của nghệ nhân trẻ (Ảnh: Tất Định)

Là một nghệ nhân hát văn, anh thấy loại hình nghệ thuật này có gì đặc biệt?

Người hát dẫn, người hầu thể hiện tích sử. Người hát và người hầu phải có sự gắn kết đặc biệt. Nếu người hát không nhiệt huyết và có tâm thì làm sao người hầu “thăng hoa”. Mỗi câu hát phải có độ ngân chuẩn, mượt, ăn nhập với động tác của người hầu.

Trong khi hát, nghệ sỹ phải nhập tâm, hòa mình vào không gian tâm linh. Hơn nữa còn phải am hiểu về tích sử thì hát mới có hồn. Hiện nay, một số bạn trẻ học hát theo kiểu “ăn xổi”. Nghĩa là chỉ học theo kiểu bắt chước theo nhịp, điệu… chứ không có sức gợi, không có chiều sâu.

Là nghệ nhân dân gian trẻ nhất Việt Nam, anh mong muốn đóng góp như thế nào với loại hình nghệ thuật này?

Tôi muốn được truyền dạy cho lớp trẻ những tinh túy của nghệ thuật hát chầu. Hơn nữa, tôi rất muốn được truyền bá văn hóa dân gian Việt Nam đến bạn bè thế giới. Ngày nào còn có người nghe chầu văn thì ngày đó tôi còn muốn cống hiến.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

 Nghệ nhân dân gian Trịnh Ngọc Minh

Sinh năm 1981

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội

Hiện đang là giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội

Nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian trẻ nhất Việt Nam ngày 24/11/2014

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên (Khám phá)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN