Ngành học thú vị: Sinh viên học rót rượu, gấp khăn, trải ga giường
Những kỹ năng tưởng như rất bình thường lại được đưa vào giảng dạy và học tập chính quy tại các trường đại học.
Những buổi học thú vị của sinh viên ngành Quản trị nhà hàng - khách sạn
Ngành Quản trị Nhà hàng – Khách sạn ngày càng được các bạn trẻ ưa chuộng và lựa chọn theo học trong thời buổi nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng tăng cao. Ngành này được đào tạo ở rất nhiều trường đại học, sinh viên được học kiến thức và kỹ năng về quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, dịch vụ ăn uống, tổ chức sự kiện…
Những kỹ năng tưởng chừng rất phổ biến như gấp khăn, trải ga giường, dùng dao nĩa, cách nâng ly, rót rượu, chuẩn bị một bàn tiệc… được đưa vào giảng dạy và học tập chính quy tại các trường đại học. Một số sinh viên chia sẻ, họ cảm thấy rất bất ngờ và thú vị với những gì mình được học và rèn luyện khi theo học ngành này.
Phạm Trà My (sinh viên năm 4 ngành Quản trị khách sạn, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho hay, cô được học nhiều kiến thức liên quan đến các vị trí khác nhau tại khách sạn, đồng thời được thực hành giả định làm việc tại khách sạn tại trường. My tự tin, trong 4 năm mình đã được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết để trở thành một quản lý khách sạn.
“Mình được học 2 môn thú vị là quản trị nhà hàng và quản trị buồng. Chúng mình học phân biệt các loại dao nĩa, nên dùng loại dao nào, loại khăn nào, gấp như thế nào để phù hợp cho từng bữa tiệc. Về môn quản trị buồng, mình được học cách trải ga giường tiêu chuẩn, trang trí giường phù hợp theo yêu cầu của khách và hàng loạt kỹ năng sắp xếp khác”, My cho hay.
Trà My khi theo học bộ môn quản trị buồng
Trà My từng đặt câu hỏi: “Những thứ này cũng phải học hay sao?” nhưng khi “nhập cuộc” và nghe các giảng viên giải thích về tầm quan trọng của các kỹ năng, cô mới thấy “không chỉ cần mà còn phải học một cách nghiêm túc”.
“Trường mình có một khu chuyên biệt dành cho sinh viên ngành khách sạn thực hành buồng phòng. Gần đây, trường còn mở thêm khu quầy bar phục vụ cho việc học pha chế của sinh viên ”, My chia sẻ.
Vân Anh (sinh viên ngành Quản trị khách sạn, trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM) từng học môn Quản trị buồng phòng với F&B (ẩm thực và đồ uống) trong năm học thứ 2. Cô được học các kỹ năng bố trí không gian, ẩm thực, bố trí buồng phòng, thực hành xếp gối trong 30s và hàng loạt các kỹ năng liên quan đến khách sạn, nhà hàng. Kết quả môn học được đánh giá theo thời gian, độ chính xác và tác phong chuyên nghiệp của các sinh viên.
“Mình còn học nhiều môn khác như quản trị chất lượng dịch vụ, tổ chức hội nghị - sự kiện, quy trình phục vụ trong nhà hàng – khách sạn, quản trị lễ tân, xây dựng chiến lược marketing… Trong đó, mình thấy môn quản trị buồng phòng là khó nhất. Học đã khó, làm còn khó hơn nhiều. Trong thời gian thực tập mình mới cảm nhận rõ những yêu cầu khắt khe của ngành này”, Vân Anh nói.
Vân Anh đã có trải nghiệm thú vị khi học ngành này
Theo học ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn của một trường ĐH tại Hà Nội, Phương Dung vốn nghĩ chỉ học những môn liên quan đến quản lý. Nhưng ở năm học cuối, cô được học bộ môn Nghiệp vụ nhà hàng – khách sạn với những trải nghiệm khó quên.
“Sinh viên trong lớp được chia nhóm và thực hành với nhau rất nhiều. Chúng mình được học tất tần tật mọi nghiệp vụ trong khách sạn, từ làm giường đến check-in. Riêng về nghiệp vụ nhà hàng, chúng mình phải tập bê 4 chiếc đĩa trên hai tay đi vòng quanh sân, tập rót rượu, lựa chọn dao nĩa, gấp khăn…”, Dung nói.
Dung cho biết thêm, để qua môn, sinh viên phải thực hành một nghiệp vụ như: thao tác sắp xếp dụng cụ ăn uống, gấp khăn, rót rượu, bê đĩa… theo đúng tiêu chuẩn của khách sạn và nhà hàng.
“Đối với sinh viên ngành này, vị trí khởi điểm khi ra trường là nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn. Khi đó, toàn bộ kiến thức được học ở trường được áp dụng vào quá trinh làm việc, tất nhiên sẽ có chút điều chỉnh theo phong cách của từng nhà hàng. Sinh viên khi chưa ra trường cũng có cơ hội tham gia phục vụ ở các sự kiện lớn nếu đã nắm rõ các nghiệp vụ cơ bản”, Dung cho hay.
Minh Hoa từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn
Tô Trần Minh Hoa (sinh năm 1995) đã có 6 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành khách sạn. Từng trải qua nhiều vị trí như lễ tân, trưởng bộ phận tiền sảnh, trợ lý giám đốc điều hành… Minh Hoa cho rằng, việc học, rèn luyện và hoàn thiện các kỹ năng cơ bản liên quan đến phục vụ nhà hàng, khách sạn là vô cùng cần thiết bởi, sự hài lòng của khách hàng chính là điều quyết định sự phát triển của khách sạn.
“Đối với ngành khách sạn, sự an toàn và mức độ hài lòng của khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Đơn giản là nếu nhân viên tiền sảnh không đủ khéo léo, niềm nở hỗ trợ từ phút ban đầu sẽ tạo ra ấn tượng xấu cho khách hàng và họ sẽ khó tính, soi xét nhiều hơn. Nếu nhân viên buồng phòng không sắp xếp phòng đạt tiêu chuẩn sẽ khiến khách hàng chán nản ngay khi bước chân vào phòng. Rồi trong quá trình lưu trú, nếu không được phục vụ một cách chuyên nghiệp và tận tâm thì họ sẽ ánh giá thấp chất lượng dịch vụ. Bởi vậy, người trong ngành phải học hỏi một cách tỉ mỉ mọi thứ từ nhỏ đến lớn”, Hoa chia sẻ.
Minh Hoa đánh giá, nhà hàng – khách sạn là một ngành tiềm năng và sinh viên ngành này có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần có sự kiên trì, không ngại làm những vị trí thấp, học hỏi dần dần để tiến lên vị trí cao hơn.
“Các bạn theo ngành này cần có khả năng giao tiếp tốt, thông thạo ngoại ngữ (Anh, Hàn, Trung…), năng động, hoạt bát, có khả năng tổ chức quản lý, sắp xếp công việc, nắm được kiến thức chuyên môn và am hiểu văn hóa”, Minh Hoa nói thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Du học – cơ hội nâng cao kiến thức, khám giá văn hóa và con người của các quốc gia khác nhau trên thế giới không còn là chuyện khó với sinh viên Việt Nam.