Ngán ngẩm với những vị khách coi mình là “mẹ thiên hạ”
Có vị khách vào siêu thị nhưng mặc cả như mua rau ngoài chợ, có vị khách khi thanh toán ném đống tiền lẻ xuống bàn như bố thí cho nhân viên thu ngân…
Hình ảnh quá táo bị khách bấm dập trong siêu thị (ảnh minh họa)
Tôi có thâm niên 3 năm làm nhân viên trong siêu thị. Trong không gian chẳng mấy rộng lớn này, tôi gặp đủ kiểu người. Có người lịch sự, tôn trọng từ nhân viên thu ngân, tư vấn đến nhân viên quét dọn, thấy con lỡ nhè viên kẹo thừa từ trong miệng ra vội nhặt lên rồi rối rít xin lỗi... Nhưng có người lại tự cho mình là “mẹ thiên hạ”, cách cư xử thua cả một đứa trẻ.
Hôm rồi, có một vị khách chừng ngoài 40 tuổi, ăn mặc lộng lẫy, đeo kính râm, má phân môi son, ra dáng một quý bà sang trọng bước vào siêu thị. Nhưng ngay khi chị cất giọng nói, tôi đã hiểu thế nào là không thể "trông mặt mà bắt hình dong".
Chị hất hàm hỏi tôi: “Mày trông hàng à? Cả cái siêu thị to thế này mà có mỗi mình mày coi thôi à?”. Tôi vẫn lịch sự hỏi chị cần gì, tôi sẽ chỉ chỗ và tư vấn sản phẩm cho chị. Chị bảo cứ để chị tự nhiên.
Rồi chị vừa lựa đồ vừa phàn nàn, tại sao mang tiếng là siêu thị mà thứ này, thứ kia không có. Rồi chị đến quầy rau lật bó này, chọn bó kia, thái độ vùng vằng, tay chân nặng nề như thể mớ rau là kẻ thù của chị.
Tôi nhẹ nhàng đến nhắc nhở, mong chị nhẹ tay kẻo rau dập nát. Chị nổi đóa: “Mớ rau vài chục nghìn mà không cho người ta chọn. Ra chợ vài nghìn một mớ còn được chọn 10 bó lấy 1 kìa”. Chị nói thế nhưng chị vẫn mặc cả từng mớ rau cho dù siêu thị đã niêm yết giá cẩn thận. Tôi trộm nghĩ: “Liệu có đúng là chị biết mình đang ở siêu thị hay không?”.
Lúc thanh toán, đống đồ của chị hết 169 nghìn đồng, chị thả tiền xuống bàn như bố thí. Chị đưa tôi chẵn 170 nghìn đồng, tôi đang tìm 1 nghìn đồng trả lại thì chị quát: “Còn thiếu 1 nghìn. Tao biết thừa chiêu trò của nhân viên thu ngân tụi mày. Khách thừa 500, 1000 đồng cố tình ỉm đi. Cuối ngày thu về được khối”. Lẽ ra, tôi sẽ nói lại vài câu cho bõ tức nhưng nghĩ lại, với những vị khách thô lỗ như vậy tốt nhất không nên đôi co.
Thực ra, đó chẳng phải lần đầu tôi phải đối mặt với những vị khách có lối cư xử “mẹ thiên hạ” như vậy. Có người vội đến mức khi thanh toán, thả bộp một đống tiền nhăn nhúm trước mặt thu ngân rồi rời đi, mặc kệ nhân viên phải vuốt lại từng tờ tiền. Có người lấy móng tay bấm nát quả táo, quả ổi… để chọn hàng ngon rồi khi bị nhân viên nhắc nhở thì “thẹn quá hóa giận”: “Mua hàng mà không được chọn thì mua làm gì”…
Có người quát nhân viên như con, gặp khúc mắc nào đó dù rất nhỏ cũng lấy quyền “thượng đế” ra để hạch sách, trách móc.
Đồng ý rằng, sự cạnh tranh giữa các nhãn hàng, đơn vị ngày càng nhiều và khách hàng có quyền lựa chọn nơi nào có dịch vụ tốt nhất. Nhân viên luôn được nhắc nhở phải phục vụ khách hàng với thái độ tận tâm, lịch sự nhưng không phải vì thế mà khách vô tư cư xử một cách thô lỗ, thiếu tôn trọng. Một nhân viên siêu thị nhỏ nhoi như tôi chỉ mong mỗi ngày gặp được những vị khách dễ thương, dù có khiếu nại, bất mãn điều gì cũng bày tỏ theo cách văn minh, từ tốn.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi giới chức Trung Quốc siết chặt quy định về xe đạp điện, nhiều người trẻ tại quốc gia này đã chuyển sang ngồi xe lăn điện.