Ngán ngẩm khi cho người thân vay tiền: Bị block, "cạch mặt" vì nhắn tin đòi nợ

Đã có rất nhiều người rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở vì cho người thân vay tiền. Không đòi thì thiệt hại về kinh tế, đòi thì mang tiếng, thậm chí còn bị nói chẳng ra gì.

Tiền bạc là một vấn đề khá nhạy cảm, đặc biệt là khi liên quan đến những người thân thiết như bạn bè, người thân, họ hàng… Đã có rất nhiều người rơi vào tình cảnh khóc dở, mếu dở vì cho người thân vay tiền. Không đòi thì thiệt hại về kinh tế, đòi thì mang tiếng, thậm chí còn bị nói chẳng ra gì. Cũng vì những phi vụ mượn tiền này mà mất hết tình nghĩa, lộ ra nhân cách của nhiều người.

Anh họ block luôn facebook sau khi đòi tiền

Mỗi lần nhắc lại câu chuyện này, chị Nguyễn Hạnh (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) lại “nuốt không trôi cục tức”. Theo lời chị kể, chị đã gặp phải một phen nhớ đời với người anh con bác ruột.

Chuyện là anh họ của chị Hạnh sống ở tỉnh khác, hai anh em cũng ít có thời gian gặp nhau do công việc, cuộc sống riêng cũng bận rộn. Lần đó anh họ chuẩn bị cưới vợ, thấy chị Hạnh là người hay đi du lịch nên vào nhờ đặt giúp vé máy bay, khách sạn để đi tuần trăng mật.

Rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khốn khổ chỉ vì cho người thân, bạn bè vay tiền (Ảnh minh họa)

Rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khốn khổ chỉ vì cho người thân, bạn bè vay tiền (Ảnh minh họa)

Khi điện thoại cho mình nhờ giúp, anh còn rất khẳng khái tuyên bố: Cô cứ tìm cho anh lịch bay đẹp, phòng ốc đẹp, sang trọng một tí, thanh toán luôn hộ anh, rồi hết bao nhiêu báo anh, anh chuyển khoản. Cô hay đi du lịch nên mấy cái này rành hơn anh. Giúp anh nhé, tiền nong không quan trọng. Cả đời mới đi trăng mật một lần mà. Được nhờ cậy việc trọng đại thế nên mình giúp hết sức luôn. Tìm mua vé, rồi lựa phòng… Tổng số tiền lên tới hơn chục triệu. Mình thanh toán luôn vì nghĩ anh đang chuẩn bị cưới xin cũng bận, xong xuôi thì báo. Ai dè, sau đó anh chơi mình một vố đau luôn” – chị Hạnh tâm sự.

Sau khi lo liệu xong xuôi, chị Hạnh cũng chưa báo số tiền vội, dự định đợi anh đi chơi về rồi nhắn anh gửi lại tiền mình. Ngày cưới của anh, cô còn lịch sự gửi mừng 2 triệu làm quà. Anh họ đi trăng mật với vợ, suốt mấy ngày liên tục điện thoại cho chị Hạnh hỏi nên ăn ở đâu, tham quan chỗ nào, chị đều tư vấn rất nhiệt tình. Cho tới khi anh họ đi trăng mật về xong, cuối tuần chị mới nhắn tin thông báo khoản tiền. Nào ngờ, việc mà người anh họ làm lúc đó là: Chặn luôn facebook và không nghe điện thoại.

“Có lẽ anh ấy nghĩ điều kiện ở quá xa nên mình sẽ không thể tới tận nơi đòi tiền nên chẳng ngần ngại mà block luôn facebook của mình. Mình gọi điện anh cũng không thèm nghe máy. Thực sự mình quá choáng váng với cách hành xử của anh vì dù sao cũng là anh em trong nhà. Chẳng thà anh ấy cứ khất 1 câu, nói rằng chưa có, bao giờ có sẽ gửi lại mình thì còn đỡ. Đằng này anh ấy tuyệt giao luôn khiến mình vô cùng giận”.

Được biết, một vài lần gặp nhau trong các dịp họ hàng đoàn tụ, thấy anh tỉnh lạnh như chưa có chuyện gì xảy ra khiến chị Hạnh ngán ngẩm không muốn đòi tiền nữa.

Đòi tiền còn bị mắng lại là “vô lương tâm, không có tình người”

Cùng chung một nỗi khổ khi cho người thân vay tiền, chị Mai Lan (37 tuổi, Hải Phòng) ôm 1 bụng ấm ức. Chị kể lần đó, một người bác họ hỏi vay số tiền 30 triệu để lấy vốn cho cậu con trai mở cửa hàng làm ăn. Chị cũng không dư giả nhiều nhưng thấy bác có lời nhờ vậy nên cũng cố gắng trích ra 1 khoản để cho vay. Khoản tiền này chị cũng giấu chồng, không muốn cho chồng biết vì là việc trong họ bác nổi tiếng là hay vay mượn, chậm trả. Chị sợ nếu có vấn đề gì thì chồng lại đánh giá người nhà mình. Chính vì thế chị mới giấu chồng.

“Lúc vay bác ấy cứ nói chắc như đinh đóng cột là chỉ 2 tháng sau sẽ trả. Mình nghĩ khoảng thời gian như thế thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm tới công việc của gia đình mình nên cũng đồng ý”  -  Chị Lan kể.

Sau đó, chị thấy việc kinh doanh buôn bán của bác cũng có vẻ khấm khá lên nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc gì đến việc trả nợ. Phải tới 1 năm trời cũng không ý kiến gì luôn. Có vài lần chị nhắc khéo nhưng bác vẫn tỉnh bơ như không khiến chị rất bực bội.

Lần đó, chồng chị cũng phải dồn tiền làm ăn nên bảo chị rút sổ tiết kiệm về để lo liệu. Chị Lan lo ngay ngáy vì khoản tiền đó hụt mất chỗ chị đã lấy cho bác vay. Chị sang ngỏ ý bảo bác thu xếp cho mình xin lại, chẳng ngờ không được câu xin lỗi, khất nợ mà bác còn mắng té tát vào mặt: “Vợ chồng mày giàu có, vài chục triệu bạc là nghĩa lí gì mà vừa mới mượn đã phải đòi vội. Các em nó mới lập gia đình, mới gây dựng sự nghiệp, chẳng có cho nó nhiều hơn thì thôi, nó mượn thì nó trả chứ có xin đâu mà chưa gì đã lo mất. Sống thì phải biết nghĩa, phải có tí tình người chứ. Nghe bác nói vậy mà mình tức phát khóc. Cho vay tiền lại thành kẻ sống không biết điều, không tử tế” – chị Lan vừa khóc vừa tâm sự lại.

Từ chối không cho vay tiền, bị cả họ “cạch mặt” chê kẹt sỉ

Liên quan đến chuyện tiền bạc với người nhà, chị Lê Hương lại gặp một nỗi khổ khác. Hai vợ chồng chỉ làm nhân viên văn phòng bình thường, cuộc sống ở thành phố tốn kém, thế nhưng trong mắt họ hàng ở quê, ai ai cũng nghĩ anh chị giàu lắm, có của ăn của để. Cũng bởi vậy mà cứ vài tháng lại có người điện thoại lên nhờ vả. Lúc đó anh chị mới cưới nhau, toàn người bên nhà chồng hỏi vay nên từ chối thì chị ngại, thành ra cứ cố đấm ăn xôi.

Khi thì vay đôi ba triệu nhập ít cá giống, lúc thì vay cả chục triệu để mua con bò về nuôi, có lời lãi thì trả sau. Mà vay chăn nuôi nên có khi phải nửa năm hoặc tới cả năm trời mới có người tính tới chuyện trả. Điều này khiến chị vô cùng mệt mỏi, vì cảm giác mình như một cái ngân hàng, cứ lâu lâu người nhà cần lại điện thoại lên vay mượn mà không màng tới những khó khăn của hai vợ chồng chị ở nơi đất khách quê người.

Con cái càng lớn càng nhiều cái phải chi tiêu. Hơn nữa gần đây công việc của chị do dịch bệnh nên cũng bị ảnh hưởng. Sau nhiều năm như thế, chị Hương quyết định từ chối khi người thân, họ hàng hỏi vay. Chị ở thành phố cũng ít về nên không hề biết được rằng, vì không còn đáp ứng đòi hỏi của mọi người nên chị bỗng dưng mang tiếng ác. Chỉ với khi về quê ăn cỗ, vô tình nghe được mấy lời xì xào của họ hàng, chị mới biết mình bị “cạch” mặt:

Bị họ hàng cạch mặt chỉ vì không có tiền cho vay (Ảnh minh họa)

Bị họ hàng cạch mặt chỉ vì không có tiền cho vay (Ảnh minh họa)

“Khi về gặp mặt mọi người, thấy thái độ lạnh nhạt, mình cũng hơi ngạc nhiên. Sống xa nhau nên không có va chạm gì, không hiểu vì sao mọi người lại thế. Nhưng sau đó mình nghe thấy mọi người nói sau lưng mình rằng: Con bé cái Hương trông thế mà ki bo, keo kiệt, rắn mặt. Vợ chồng nó làm trên thành phố, thiếu gì tiền, người nhà bí lắm mới điện thoại hỏi vay, vài ba cái triệu bạc thế mà giờ nó nhất quyết không nhả 1 xu. Chắc rồi chồng làm bao nhiêu tiền nó giữ hết thôi” – chị Hương kể.

Có thể nói, xoay quanh câu chuyện cho người thân mượn tiền là vô vàn những điều bi hài. Phần lớn trong đó, người có tâm cho vay tiền cuối cùng lại nhận về trái đắng. Người ta thường nói, cho vay tiền là để xem nhân cách của người vay. Và điều đó dường như tệ hơn nhiều khi người vay lại là họ hàng, bạn bè thân thiết.

***

Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi cho người thân, bạn bè vay tiền? Hãy gửi những câu chuyện của bạn vào mail Bantrecuocsong@24h.com.vn để cùng chia sẻ cùng chúng tôi.

Nguồn: [Link nguồn]

Mừng cưới ít hơn 1 nửa, bạn thân 14 năm bị cô dâu nhắn tin hỏi tội

Dân mạng tranh cãi kịch liệt trước màn bóc phốt “mừng cưới bạn 1 triệu nhưng bạn chỉ mừng lại 500k”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khuê ([Tên nguồn])
Người trẻ suy ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN