Nền tảng giá trị gia đình bị "đánh cắp"
Nền tảng giá trị mà gia đình cho các em không được vững chắc, đã bị “đánh cắp” khi trẻ ra bên ngoài xã hội.
TS Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, môi trường giáo dục gia đình là một yếu tố cực kỳ quan trọng giúp trẻ hình thành nền tảng giá trị, giúp trẻ sau này có khuynh hướng tiếp nhận thêm những giá trị “vệ tinh” từ bên ngoài xã hội.
Bỏ rơi giá trị gia đình
Qua rất nhiều vụ án liên quan đến lứa tuổi vị thành niên hiện nay, chúng ta thấy đa phần các em đều không có được một môi trường giáo dục gia đình tốt. Thường thì gia đình có mối quan hệ rời rạc, lạc lõng thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Nói chính xác hơn là nền tảng giá trị mà gia đình cho các em không được vững chắc, đã bị “đánh cắp” khi trẻ ra bên ngoài xã hội.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, đó là những tác động rất tiêu cực từ phía gia đình dẫn đến sự chới với trong tâm hồn. Nhiều bạn trẻ cảm thấy không có chân đế ngay trong chính gia đình của mình. Cha mẹ thì quá khách sáo hoặc quá lạnh lùng. Hay một số cha mẹ thì bỏ mặc con cái và chỉ nghĩ đến việc ăn uống học hành là đủ.
Nghi can Vũ Văn T. tham gia vào vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước theo lời rủ rê của bạn Nguyễn Hải D..
Khi không được cha mẹ quan tâm đúng mức, các em sẽ cảm thấy cô đơn, thiếu thốn về mặt tình cảm. Cảm giác thiếu thốn tình cảm kéo dài có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc và những hành vi thiếu kiểm soát.
Không có cha mẹ bên cạnh hoặc những dịp gặp gỡ bố mẹ quá ít, trẻ phải nuốt sự cô đơn, buồn phiền vào trong lòng, vô hình chung lại nuôi dưỡng ở chúng sự bất mãn đối với cha mẹ, hoặc trẻ tìm cách thay nỗi sầu bằng cách làm tổn thương đến những người xung quanh. Và dùng dao búa là kiểu thể hiện mình, gây ấn tượng, là kiểu xử lý đến tận cùng của xung năng…
TS Hoàng Mai Khanh cho biết thêm, giáo dục là sự tác động hai chiều giữa người giáo dục và người được giáo dục. Trong quá trình xây dựng giá trị của một đứa trẻ, hình mẫu đầu tiên đứa trẻ nghĩ đến là cha mẹ. Đây là việc cực kì quan trọng hình thành nền tảng giá trị của đứa trẻ và sau này là hình thành và hoàn thiện nhân cách.
Làm sao để trở thành hình mẫu của con thì đòi hỏi quá trình gắn bó với con cái. Cha mẹ không nên bỏ quên rằng con cái còn nhỏ thì chỉ cần nuôi cho ăn, cho học là xong. Mà cần phải quan tâm, gần gũi và chia sẻ tâm sự của con cái.
“Hiện nay nhiều bậc cha mẹ yêu thương con cái theo cái kiểu yêu thương của cha mẹ, đây là cách yêu thương áp đặt. Cha mẹ không hiểu và không đáp ứng nhu cầu yêu thương của con cái. Cha mẹ cần cho trẻ một khoảng không gian tự do để trẻ hoạt động, trẻ vui chơi,… Tất nhiên, những nhu cầu của trẻ phải ở trong khuôn khổ nhất định cho phép”, bà Khanh nói.
Thiếu kĩ năng định hướng bản thân
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam thừa nhận rằng thực tế hiện nay trong giới trẻ có quá nhiều hành vi đáng để người lớn cần phải suy ngẫm. Ngày nay dễ dàng thấy các bạn trẻ thích thì đánh, thích thì “bụp”, giận thì “chém”, ghét thì “đâm”… Cũng không ít bạn trẻ ngày nay thích nói chuyện bằng nắm đấm.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.
Nguy hiểm hơn là chuyển dần sang nói chuyện bằng dao búa… Không ít bạn trẻ đã dùng dao nói chuyện với bạn bè và người thân của mình. Số còn lại không dám trực tiếp hành động thì thuê mướn người khác hay thậm chí là lôi kéo đàn anh đàn chị bên ngoài đến với kéo, búa, dao để ra tay tàn độc…
Theo ông Sơn, một số bạn trẻ dễ nổi cáu vì những chuyện đâu đâu. Các bạn cũng không sẵn sàng để có thể hướng đến mục tiêu đã xác lập bằng sự kỳ vọng của chính mình với sự nỗ lực cao độ…. Sự dễ dàng nản chí, sự lười nhác, sự nóng vội, sự ỷ lại, sự ích kỷ và cá nhân ở một số bạn trẻ dễ đẩy các bạn đi đến sự ứng xử sai, sự hành động lệch lạc và việc phạm tội là rất gần…
Đồng tình với ý kiến này, TS Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục (trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM) thừa nhận nhận hệ thống giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội đang thiếu mảng giáo dục kĩ năng định hướng phát triển bản thân cá nhân đứa trẻ, bao gồm làm những kỹ năng quyết định, kỹ năng kiềm chế, làm chủ bản thân, kỹ năng ứng xử trước những tình huống đặt ra trong cuộc sống. Trong đó bao gồm cả kỹ năng sống mà hiện nay chúng ta đang bỏ ngỏ.
TS Khanh thừa nhận, lứa tuổi vị thành niên phạm tội càng nhiều đó là thực trạng cho thấy lỗ hổng trong giáo dục. Giáo dục một con người phải có tiến trình từ lúc trẻ, chứ không phải đến lứa tuổi vị thành niên chúng ta mới giáo dục những kỹ năng sống, kỹ năng định hướng bản thân. Khi một trẻ nhỏ biết chọn lựa một cách khôn ngoan, có chính kiến cá nhân sau này lớn lên trẻ sẽ có chính kiến cá nhân trước một vấn đề và sẽ không bị người khác lôi kéo, dụ dỗ.
Cùng với sự phát triển về mặt kinh tế thì sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến trẻ không kịp thích ứng, tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi nên dẫn đến thái độ sống không đúng đắn và những hành vi xấu. Nếu không kịp uốn nắn, đó chính là căn nguyên tội phạm.