Nàng dâu Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm sống chung với mẹ chồng Hà Nội
Để được nhà chồng yêu thương như hiện nay, Oanh tâm sự chị đã phải trải thuở ban đầu không mấy tốt đẹp với gia đình nhà chồng.
Ảnh cưới của chị Kiều Oanh và chồng năm chị 17 tuổi.
Xa gia đình làm dâu xứ người
Gặp chị Kiều Oanh (34 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) tại nhà hàng gia đình chị đang vào ngày trời nắng nóng, chị tỏ ra ngượng ngùng khi nói đến chuyện gia đình.
"Chuyện của tôi cũng không có gì đặc biệt. Giờ đâu đâu cũng thấy nói chuyện nàng dâu mẹ chồng xích mích, mình lại kể chuyện được mẹ chồng yêu qúy hết mực sợ bị nói là khoe khoang", chị Oanh cười nói.
Chị Oanh cho biết chị là người Sài Gòn, năm 17 tuổi, khi còn đang học cấp 3, chị đã gặp chồng mình bây giờ. Lúc đó, anh là bạn làm ăn với anh họ chị. Hai người quen nhau bình thường vì anh lớn hơn chị mười mấy tuổi nên thường gọi đùa chị là bé.
Có lần, lúc trêu đùa, anh hỏi “Bé ơi, bé xinh thế có gả cho anh không?”.
Biết là trêu nhưng chị cũng ghê gớm trả đũa: “Lấy thì lấy! Anh chịu cưới thì em lấy!”.
Tưởng chỉ là trêu đùa ai dè thành thật. Lúc đó, chị Oanh đang giận mẹ và chị hai vì bị la mắng. Tuổi trẻ nóng tính, chị nghĩ hay mình đi lấy chồng quách cho rồi, khỏi phải ở nhà bị ghét.
Hai người kết hôn trong sự ngăn cản của gia đình và nước mắt của mẹ chị. Nhiều lúc nghĩ lại, Oanh cũng cảm thấy lúc đó mình rất hăng hái, đúng kiểu “nghé con không sợ cọp”.
Đám cưới diễn ra tại TP. HCM, trước sự chứng kiến của họ hàng nhà chị và bạn bè anh. Cho đến lúc đó, chị vẫn chưa từng thấy mặt bố mẹ hay họ hàng bên nhà chồng.
Hai vợ chồng ở trong Nam làm ăn được mấy năm, sinh được một bé gái thì vì lý do công việc, anh phải chuyển ra Hà Nội. Mang theo con nhỏ, chị Oanh cũng theo anh bắt đầu hành trình làm dâu đất Bắc.
"Lúc đó tôi còn rất trẻ, kinh nghiệm sống hầu như chưa có mấy. Cứ nghe bạn bè kể người Bắc khó tính thế này thế kia nên cũng hơi run. Mà đúng thế thật, ấn tượng của bố mẹ chồng về tôi ban đầu rất kém cỏi", chị Oanh tâm sự.
Không cứ bố mẹ chồng, ngay cả các chị em dâu (chồng chị là con trai út) và chị chồng cũng tỏ ra rất phản cảm với chị.
"Họ cứ nghĩ tôi là cô gái ăn chơi, tiêu xài hoang phí, không biết tiết kiệm vun vén cho gia đình... Nhưng có một thực tế mà mọi người không chú ý, tuy tiêu xài nhiều nhưng tôi cũng kiếm được tiền. Có điều quan niệm của tôi cũng như nhiều người Sài Gòn khác là cuộc sống thì ngoài công việc ra còn cần phải biết hưởng thụ. Tôi cho rằng tiền là kiếm ra chứ không phải tích cóp ra", nàng dâu miền Nam chia sẻ.
Bí quyết chinh phục gia đình chồng
Kinh nghiệm của chị Oanh trong quá trình sống chung với gia đình chồng là kiên nhẫn. Ngày đó, nhiều lần bị mẹ chồng mắng chị không hề cãi lại hay nói láo với bà. Nếu có gì không đúng, chị chọn lúc nào bố mẹ chồng vui vẻ thì thưa chuyện lại.
"Chỉ có thể nói là số tôi rất may mắn vì có người chồng biết cảm thông và chia sẻ áp lực cho mình. Chính anh đã giúp tôi vượt qua quãng thời gian đầu đi làm dâu khó khăn, là trung gian điều hòa quan hệ với bố mẹ chồng.
Điều may nữa là tuy hay mắng, nhưng mẹ chồng tôi cũng là người hiểu biết và không phải rất khắc nghiệt, bảo thủ. Ở chung lâu rồi, bà cũng dần thay đổi định kiến về con dâu. Tôi không khéo léo nhưng chân thành, sống chân thật, nhà chồng có chuyện gì tôi đều tích cực tham dự, không coi mình là người ngoài", chị Oanh chia sẻ.
Chị Kiều Oanh và chồng trong ngày kỉ niệm 15 năm ngày cưới.
Chị Oanh chia sẻ thêm: "Cả đại gia đình tôi sống quây quần gần nhau, tuy không cùng nhà nhưng cũng ở sát ngay bên cạnh. Ngày giỗ, ngày tết hoặc những khi có việc mọi người lại tụ tập cùng nhau nấu nướng, ăn uống. Tôi luôn hăng hái giúp đỡ phụ việc, không tranh cãi hay xích mích với các chị em dâu.
Dần dà, các cụ hiểu tôi hơn, bỏ qua mọi định kiến ban đầu cũng như những lời gièm pha. Thậm chí giờ cả nhà quý tôi như con ruột. Thương tôi còn trẻ đã phải "làm dâu đất khách", đến bữa ăn, mẹ chồng hay làm các món miền nam có vị ngọt như sườn xào chua ngọt, thịt kho tộ... để cho hợp khẩu vị tôi".
Cũng theo chị Oanh cho hay mấy năm trước, bố mẹ chồng chị về hưu, chia cho hai vợ chồng phần đất hiện nay để ở và kinh doanh. Hai con gái cũng đã lớn, chị Oanh dứt khoát nghỉ làm ở công ty, mở nhà hàng cơm Tấm rất đông khách.
Chị kể: "Giờ có việc gì, mẹ chồng đầu tiên là gọi cho tôi: Từ việc ra bến xe đón họ hàng ở quê, đưa bà đi khám bệnh, đi mua sắm hay tâm sự việc nhà... Bà nói việc giao cho tôi luôn được làm đến nơi đến chốn nên bà yên tâm hơn".
Chị Oanh cho hay, nói đúng ra trường hợp lấy chồng kiểu “nhắm mắt lấy bừa” lúc tuổi còn quá trẻ như chị quả thật là rất nhiều rủi ro. Chị rất may mắn vì gặp được người chồng hiểu biết, sống trách nhiệm với gia đình, lại thêm bố mẹ chồng biết thông cảm mới có được gia đình yên ấm như hiện nay. Nhưng cũng không thể chỉ có vận may, bản thân chị cũng đã phải cố gắng rất nhiều mới được như vậy.
Chỉ nói riêng việc con gái thứ 2 của chị cách con thứ nhất hơn mười tuổi thì biết. Những khó khăn, vất vả của cuộc sống sau khi kết hôn khiến chị mãi chưa dám sinh thêm con. Mãi sau này, khi mọi thứ đã ổn định, anh chị mới sinh thêm cháu gái thứ 2.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của chị Kiều Oanh.
Nàng dâu hãy tự chủ về kinh tế
Theo chị Oanh, nhiều người gặp phải cảnh "cơm không lành, canh không ngọt" với mẹ chồng là do thiếu kiên nhẫn, thiếu kiềm chế bản thân. Khoảng cách giữa hai thế hệ khiến hai bên không dễ hiểu hay thông cảm cho nhau, do vậy thường thì nàng dâu nên nhường nhịn một chút để cho mọi việc bớt căng thẳng. Bởi khi nóng giận lên, mọi người thường khó kiểm soát được bản thân và có thể phạm sai lầm khiến bản thân phải hối tiếc sau này.
Một điều quan trọng nữa là các nàng dâu cần độc lập về kinh tế trong mối quan hệ với nhà chồng để có quyền chủ động trong sinh hoạt riêng tư.
"Tôi thấy rất nhiều gia đình, quan hệ mẹ chồng nàng dâu căng thẳng hoàn toàn có thể giải quyết được bằng cách sống riêng. Va chạm sinh hoạt hàng ngày thiếu, ít gặp mặt nhau sẽ làm quan hệ hai bên dần dần hòa hoãn hơn. Tất nhiên, để được như vậy thì bạn phải có cơ sở kinh tế nhất định", nàng dâu được nhà chồng yêu chiều cho biết.
Nhìn cách 2 người mẹ chồng phân chia nhau, người chăm con dâu, người chăm cháu nội ai cũng phải thốt lên “thực là hiếm...