Nam thanh niên dùng búa làm cọ vẽ, cả ngày đục gõ ầm ầm, kiếm thu nhập khủng nhờ những bức tranh độc lạ
Được truyền cảm hứng từ một hoạ sĩ ngoại quốc, nam thanh niên ở TP.HCM tự học hỏi, tìm tòi vẽ tranh bằng chất liệu và hoạ cụ không tưởng, tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật làm cộng đồng mạng không khỏi trầm trồ.
Thuở nhỏ đã có sở thích với âm nhạc, anh Nguyễn Đình Thăng (29 tuổi) quyết định chọn Nhạc viện TP.HCM để theo đuổi ước mơ. Tuy nhiên đến năm 2022, anh Thăng bắt đầu mày mò, tìm hiểu lĩnh vực hội hoạ sau khi được truyền lửa đam mê từ hoạ sĩ ngoại quốc.
Thông thường các hoạ sĩ sẽ dùng chất liệu giấy chuyên dụng kết hợp cùng nét vẽ mềm mại để khắc hoạ bức ảnh chân dung, phong cảnh đầy màu sắc. Thế nhưng, anh Thăng lại chọn một cách vẽ hoàn toàn khác biệt mà đến hiện tại ở Việt Nam rất hiếm người có thể thực hiện. Anh sử dụng kính để làm chất liệu và dùng búa để tạo nên những vết nứt có hình thù nhất định, mang đậm chất nghệ thuật.
“Khi lướt các trang mạng xã hội, tôi vô tình nhìn thấy đoạn clip của họa sĩ người Thụy Sĩ, tạo những bức chân dung người nổi tiếng trên những tấm kính. Anh ấy đã dùng một chiếc búa nhỏ, gõ lên bề mặt tấm kính cũ tạo những vết nứt tinh xảo. Tuy đoạn clip chỉ vỏn vẹn 30 giây nhưng lại rất cuốn hút. Sau khi xem xong, tôi chạy liền ra chợ để mua nguyên vật liệu về thử nghiệm. Từ đó tôi đã tìm tòi, học hỏi để theo đuổi bộ môn này" - anh Thăng chia sẻ về cơ duyên với con đường nghệ thuật.
Anh Thăng - chủ nhân của những bức tranh bằng kính với các nét vẽ độc đáo tạo bằng búa. Ngoài việc vẽ tranh, anh còn sáng tác nhạc, theo đuổi đam mê nghệ thuật của chính mình.
Các hoạ sĩ khi cầm cọ vẽ đòi hỏi phải vận dụng sự sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật thì đối với anh Thăng vẽ tranh trên kính gian nan gấp bội lần. Theo anh Thăng, từ dụng cụ vẽ đến chất liệu đều phải lựa chọn kỹ càng. Loại kính để phù hợp cho bộ môn này là kính dán an toàn. Đây là kính dán từ 2 lớp kính trở lên bằng lớp keo chuyên dụng. Lớp lót này được gọi là PVB dạng film, vì thế khi thao tác gõ tranh trên kính sẽ không gây vỡ vụn.
Cầm 2 cây búa trên tay, anh Thăng giới thiệu đây chính là cọ vẽ đặc biệt. Thời gian đầu, anh mua rất nhiều búa để gõ thử. Từ cây búa gốc, anh Thăng mài giũa thêm để có phần đầu gõ phù hợp.
Ban đầu, anh Thăng gặp nhiều khó khăn khi chưa biết cách dùng búa đúng kỹ thuật. Đôi khi, anh lại dùng lực quá mạnh khiến các mảnh kính bể vụn. Không chỉ thế, công việc này còn ẩn chứa nhiều nguy hại khi anh Thăng đã 2 lần vào bệnh viện vì sự cố mảnh vỡ thuỷ tinh văng trúng người. Sau đó, anh Thăng rút được kinh nghiệm, khi thực hiện vẽ tranh anh sẽ trang bị đồ bảo hộ, đeo kính chuyên dụng để hạn chế rủi ro.
“Quan trọng nhất khi gõ bể kính là kỹ thuật, tôi phải cố gắng kiểm soát được lực của tay, vị trí đóng búa để các vết nứt trên mặt kính sẽ xuất hiện theo ý muốn. Tôi hay nói đùa với mọi người rằng công việc này 70% là năng lực, sự sáng tạo còn 30% phụ thuộc vào may mắn. Bởi lẽ, khi dùng búa đập vào kính, chúng ta không thể kiểm soát được hoàn toàn nên một bức tranh đẹp đôi khi cần đến "trời độ" và sự kiên nhẫn trong quá trình thực hiện” - anh Thăng chia sẻ.
Trung bình một bức tranh anh Thăng thực hiện sẽ có giá thành từ vài triệu đến chục triệu đồng. Tuỳ thuộc vào mức độ nghệ thuật, sáng tạo và thời gian thực hiện. Chẳng hạn như các tác phẩm được đặt hàng vẽ theo mẫu có sẵn thì cần đầu tư tỉ mỉ, khéo léo để khắc hoạ chuẩn xác những đường nét trên bức tranh, vì thế sẽ có giá cao hơn so với thông thường.
Tính từ đầu năm 2024, anh Thăng đã thực hiện cỡ 50 bức tranh với nhiều kích cỡ khác nhau, nhiều bức tranh được xuất ngoại mang lại thu nhập ổn định.
"Việc dùng búa tạo nên những đường nét trên bức tranh kính gây nhiều tiếng ồn nên tôi thường làm buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Thời gian còn lại tôi dạy đàn, sáng tác nhạc. Mặc dù làm việc liên tục nhưng tôi không cảm thấy mệt hay gặp áp lực, đơn giản đây là đam mê, sở thích" - anh Thăng chia sẻ về quá trình thực hiện các tác phẩm của mình.
Những bức ảnh chân dung phải có thần thái, chiều sâu để tạo ấn tượng trong mắt người xem, đòi hỏi người hoạ sĩ như anh Thăng phải thổi hồn và đặt tâm huyết của mình vào tác phẩm.
Trong tương lai, anh Thăng mong muốn học hỏi trau dồi nhiều hơn về hội hoạ và tiếp tục với đam mê, sáng tạo những bức tranh mang giá trị về mặt nghệ thuật.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ những hạt cát màu được sưu tầm công phu khắp nơi, với đôi tay khéo léo, anh Phan Quang Dũng (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đã...