Nam sinh từng cố tình để bị điểm 0 thi đại học, làm lại cuộc đời ở tuổi 35

Sự kiện: Giới trẻ 2025
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TRUNG QUỐC - Từng cố tình không làm bài thi đại học để nhận về điểm 0, ở tuổi 35, Từ Mạnh Nam quyết định làm lại cuộc đời.

Từ Mạnh Nam sinh năm 1989 trong một gia đình nông dân ở An Huy (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Mạnh Nam đỗ vào một trường trung học trọng điểm của địa phương. 2 năm đầu cấp 3, anh luôn nằm trong top 10 của lớp. 

Tuy nhiên, vào năm lớp 12, quan niệm giáo dục của Mạnh Nam thay đổi. Lúc này, nam sinh được tiếp xúc với khái niệm phương pháp giáo dục "3 người đồng hành". Đây là phương pháp hướng đến việc trau dồi sở thích của học sinh. Vì tập trung vào việc tuyên truyền phương pháp giáo dục mới nên Mạnh Nam bắt đầu trượt dài trong học tập. Mọi chuyện không như ý muốn, anh quyết định thể hiện quan điểm bản thân qua bài thi đại học. 

Năm 2008, tham gia kỳ thi đại học, Mạnh Nam vào phòng thi với thái độ ung dung. Trong bài thi môn tiếng Trung (Ngữ văn), Mạnh Nam viết: "Em tên là Từ Mạnh Nam. Em tham gia kỳ thi không phải để vào đại học. Em sẽ không làm bài thi để nhận 0 điểm. Em muốn bày tỏ sự bất mãn của mình với hệ thống giáo dục".

Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày với tất cả 4 môn, Mạnh Nam làm bài trong tâm thế hời hợt vì muốn đấu tranh cho tư tưởng của bản thân. Dù cố tình để bài thi bị 0 điểm nhưng kết quả anh vẫn được 161 điểm. Sau vụ việc, Mạnh Nam được truyền thông chú ý. Là học sinh giỏi nhưng Mạnh Nam không đỗ đại học, bố mẹ anh vô cùng xấu hổ.

"Bố mẹ không hiểu điều tôi làm. Họ nghĩ tôi đang vi phạm pháp luật. Do đó, tôi không có cơ hội bào chữa cho mình", anh chia sẻ với Sohu. "Chỉ có kẻ điên mới làm chuyện này", anh nhớ lại những lời bố mẹ chỉ trích.

Từng chống đối kỳ thi tuyển sinh đại học, ở tuổi 35, Từ Mạnh Nam quyết định làm lại cuộc đời. Ảnh: Baidu

Từng chống đối kỳ thi tuyển sinh đại học, ở tuổi 35, Từ Mạnh Nam quyết định làm lại cuộc đời. Ảnh: Baidu

Dưới áp lực của xã hội, Mạnh Nam từng nghĩ đến việc thi lại. Nhưng do một số vấn đề, anh đành từ bỏ ý định, sau đó một mình đến Thượng Hải (Trung Quốc) làm việc. Tại đây, anh bắt đầu công việc trong công xưởng chế tạo máy móc, nhưng chỉ làm được nửa năm. 

Sau đó, Mạnh Nam ứng tuyển vào công ty thương mại điện tử ở vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng. Với sự cố gắng suốt 2 năm, anh được thăng chức lên vị trí quản lý vận hành. Cuộc sống của anh từ đây cũng dần ổn định hơn.

Không từ bỏ lý tưởng năm xưa, năm 2012, Mạnh Nam lại lập một trang web có tên "Tiếng nói của những người 0 điểm thi đại học". Trên đó, anh dành một mục cho những người từng bị điểm 0 thi đại học chia sẻ. Đây cũng là nơi anh kết nối với những người có cùng quan điểm, muốn thay đổi hệ thống giáo dục Trung Quốc.

Vật lộn đủ nghề để mưu sinh suốt 10 năm, Mạnh Nam cuối cùng đã hối hận về hành động năm xưa. Do đó, năm 2018, anh quyết định tham gia kỳ thi phân loại nghề nghiệp của tỉnh An Huy (Trung Quốc). Với số điểm 262/300, anh trúng tuyển ngành Báo chí tại một trường cao đẳng. Tốt nghiệp cao đẳng năm 2021, anh tiếp tục tham gia kỳ thi liên thông đại học và nhận bằng năm 2023. 

Để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên, tháng 6/2024, Mạnh Nam tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Lần này, anh không chia sẻ tổng điểm, chỉ tiết lộ tiếng Trung được 101/150 điểm và tiếng Anh là 95/150 điểm. "Tôi thi lại vì muốn trải nghiệm cuộc sống đại học mà trước đây chưa từng trải qua. Tôi luôn cảm thấy thiếu sót, nếu những tiếc nuối năm xưa không được bù đắp", anh nói.

Về dự định tương lai, anh chia sẻ, nếu có cơ hội sẽ học tiếp cao học để được trường giữ lại làm giảng viên. Còn không, anh sẽ về quê thi biên chế, trở thành giáo viên tiểu học.

Nếu được quay ngược thời gian, Mạnh Nam khẳng định sẽ không có những hành động bồng bột: "Tôi hối hận về hành động của mình năm đó. Tôi đã mất thêm 13 năm mới đến được điểm khởi đầu của người khác. Tôi hy vọng sẽ không có ai đi theo con đường cũ của tôi. Sau khi trải qua nhiều biến cố, tôi đã hiểu ra mọi chuyện. Dù bắt đầu muộn nhưng tôi tin có thể làm lại cuộc đời và lấy lại tuổi trẻ đã mất".

Giờ đây, khi nhắc đến quan điểm giáo dục "3 người đồng hành", anh nhận ra, để cải cách giáo dục không phải là điều dễ dàng. Giáo dục toàn diện cần tiến từng bước một, không thể vội vàng. "Nếu sau này trở thành giáo viên, tôi sẽ cố gắng giúp học sinh phát triển năng lực toàn diện", anh nói thêm.

Từng là sinh viên ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng vì mải mê chơi điện tử, nợ tới gần 40 tín chỉ không thể trả được, chán nản,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thắm Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2025 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN