Nam sinh trường chuyên làm thêm, tự gây quỹ để đi học

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Trước nguy cơ phải bỏ học vì gia cảnh sa sút, Tiến Lợi đi rửa bát thuê, làm gia sư..., rồi tự kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ để trang trải chi phí ăn học.

Biến cố ập đến gia đình em Trần Tiến Lợi, học sinh lớp 12 trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, hồi đầu năm 2023. Bố em mất việc do chấn thương chân, mẹ làm tạp vụ của một hàng ăn, thu nhập không thể lo xuể cho Lợi và em trai đang học lớp 6.

Vì thế, Lợi phải đi làm thêm, phụ giúp sinh hoạt phí cho gia đình. Nam sinh tranh thủ làm việc vào những ngày nghỉ hoặc buổi tối sau giờ lên lớp, từ tạp vụ, thu ngân, viết nội dung bán hàng online đến gia sư, rửa bát thuê.

Suốt mùa hè năm ngoái, Lợi dậy từ 4h30 sáng và làm việc đến 12h trưa, không nghỉ ngày nào. Dù công việc làm thêm dạy cho em nhiều kỹ năng sống và một nguồn thu nhập nhỏ nhưng Lợi lo nếu dành quá nhiều thời gian để làm thêm, kết quả học tập sẽ ảnh hưởng.

"Khi đang rửa chén thuê, em tự hỏi lẽ nào con đường học vấn của mình không đủ để thuyết phục người khác giúp đỡ hay sao. Từ đó, em nghĩ đến việc làm một dự án kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để mình được tiếp tục đi học", Lợi kể lại.

Trần Tiến Lợi tự gây quỹ để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Tiến Lợi tự gây quỹ để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau 4 tháng, dự án "Học có Lợi" ra đời cuối năm 2023, gây quỹ bằng tiền bán sách và quyên góp trực tiếp.

Nam sinh tạo album "Tủ sách có Lợi" tập hợp những đầu sách đang có, kèm những dòng cảm nhận chi tiết khi đọc để mọi người tìm hiểu trước khi quyết định đặt mua. Với những bạn quyên góp tiền trực tiếp, nam sinh biên soạn, tổng hợp những đề cương ôn tập Văn hoặc tài liệu ôn thi IELTS đã chắt lọc để tặng kèm, cùng thư cảm ơn.

"Em băn khoăn rất nhiều, tự hỏi có đang than vãn, kể khổ, tỏ ra yếu đuối để nhận được sự giúp đỡ không. Tiếp đó là khi cầm một số tiền khá lớn trong tay, mình phải làm gì để đáp lại tình cảm và sự giúp đỡ của mọi người", Lợi bày tỏ.

Vượt ngoài mong đợi, đến nay, Lợi đã nhận được khoảng 27 triệu đồng. Cậu nói biết ơn và hạnh phúc, cùng đó là áp lực để không phụ lòng sự giúp đỡ của mọi người.

Biết con kêu gọi đóng góp để trang trải học phí, bà Trịnh Thị Mỹ Vân cũng vừa mừng vừa lo. Người mẹ mừng khi thấy con gây quỹ thành công nhưng lại lo con áp lực khi mang ơn nhiều người.

"Làm cha mẹ mà không lo được cho con, tôi thấy buồn. Tôi luôn ủng hộ và mong Lợi sẽ đi đúng đường", bà Vân tâm sự.

Lợi dự định lập một kênh đa phương tiện đăng các thông tin giáo dục truyền cảm hứng và định hướng nghề nghiệp. Em cũng hy vọng có thể kết nối với các doanh nghiệp, mạnh thường quân để tạo nguồn quỹ đều đặn, trao học bổng cho những hoàn cảnh khó khăn khác.

Lợi làm phục vụ, rửa chén tại một cửa hàng thức ăn, hè năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lợi làm phục vụ, rửa chén tại một cửa hàng thức ăn, hè năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

12 năm qua, Lợi đều là học sinh giỏi, điểm tổng kết ba năm THPT của em trên 9. Nam sinh cũng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của trường Phổ thông Năng khiếu. Ngoài ra, Lợi tự học và thi đạt 8.0 IELTS hồi cuối năm ngoái.

Nam sinh cũng tham gia nhiều tổ chức phi lợi nhuận để rèn luyện kỹ năng mềm, đến các cơ sở bảo trợ xã hội để dạy học cho các em nhỏ khó khăn, dự Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc để tìm hiểu, chia sẻ quan điểm về các vấn đề giới trẻ đang quan tâm.

Thạc sĩ Trần Vũ, Hiệu phó trường Phổ thông Năng khiếu, cho biết sau khi nắm được tình cảnh của Lợi, nhà trường đã miễn học phí cả năm, hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt cho em từ nguồn tài trợ của các mạnh thường quân.

"Sự dám nghĩ, biết làm và nghị lực của Tiến Lợi là nguồn cảm hứng không chỉ với các học sinh mà còn với thầy cô trong nhà trường", ông Vũ cho hay.

Theo ông, phía trước Lợi là chặng đường nhiều khó khăn, đi kèm là rào cản về tài chính. Nhưng ông tin các trường đại học đều có nguồn lực và chính sách hỗ trợ, với tinh thần không ai phải bỏ học vì nghèo. Nhà trường cũng hỗ trợ, giới thiệu để em nhận được các loại học bổng ở bậc đại học.

Trong tương lai, Lợi dự định học sâu về các ngành xã hội. Hè này, nam sinh sẽ học ngôn ngữ ký hiệu, tiếng Phạn và Hán.

"Dù học ngành nào, ở đâu, em vẫn mong muốn lan tỏa giá trị của giáo dục, truyền lửa cho những bạn trẻ đang gặp khó khăn có thể vững tin học tập, tiến về phía trước", Lợi nói.

Nguồn: [Link nguồn]

“Hôm xem kết quả, em không tin vào mắt mình nữa. Thấy mình có tên trong danh sách trúng tuyến và xếp thứ 6 toàn trường, em rất vui mừng và hạnh phúc....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỷ Hương ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN