Nam sinh Quân y kể những kỷ niệm khó quên khi đi chống dịch
Lê Tuấn Anh (sinh năm 2001) hiện theo học ngành Y đa khoa của Học viện Quân y. Trở về từ TPHCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cậu bạn kể lại kỷ niệm khó quên trong những buổi lấy mẫu xét nghiệm.
Chàng sinh viên Quân y hăng hái tham gia hỗ trợ chống dịch trong 2 giai đoạn: từ ngày 13 đến 15/09 (tại Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) và từ 23/9 - 5/10 (tại phường 12 và 26, quận Bình Thạnh). Tuy chỉ làm nhiệm vụ trong chưa đầy một tháng nhưng Tuấn Anh đã có những kỷ niệm khó quên bên đồng đội, người dân nơi đây.
Kỷ niệm khó quên
Nhớ lại ngày đầu nhận thông báo đi chống dịch, Tuấn Anh "trở tay không kịp" khi phải sắp xếp đồ đạc trong 15 phút rồi lên đường luôn.
Đặt chân đến TPHCM trong dịp đặc biệt, chàng sinh viên Quân y thoáng chút buồn bởi những con đường vắng bóng xe cộ, không khí có phần ảm đạm khác hẳn với vẻ hoa lệ, nhộn nhịp trước đây.
Bắt đầu làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch từ ngày 23/9, Tuấn Anh gặp được những "bác Google Maps" thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ phương tiện di chuyển, chỉ đường, hỗ trợ chỗ ở, ăn uống. Sự giúp đỡ ấy khiến Tuấn Anh có ấn tượng sâu sắc và cảm thấy gần gũi với người dân.
Nam sinh kể: "Trong một lần đi lấy mẫu xét nghiệm, mình bước đến một gia đình có 3 người già nương tựa vào nhau để sống, trong đó có 2 bà phải ngồi xe lăn. Mình không kìm được nước mắt khi nhìn thấy hoàn cảnh của 3 bà cụ với câu nói khiến mình nhớ mãi: "Các y bác sĩ đã bỏ công đến tận nhà rồi thì mình có mệt cũng phải ra test chứ!".
Đôi khi, chỉ cần nhận được sự hợp tác của người dân trong quá trình làm nhiệm vụ, mình và đồng đội đã cảm thấy công việc nhẹ đi nhiều lần. Mình cho rằng, bản thân cần học tính kiên nhẫn, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người khác để "sửa lại" chính mình, nhất là khi làm nhiệm vụ trong vùng dịch".
Lê Tuấn Anh cùng đồng đội.
Tuấn Anh khi làm nhiệm vụ tại Hà Nội.
Sợ nhìn thấy "hai vạch"
Giống như bao đồng đội khác, Tuấn Anh cũng sợ trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm phải nhìn thấy "hai vạch".
Trong nửa tháng gắn bó và làm nhiệm vụ ở TPHCM, nam sinh gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng ai nấy đều có chung một hy vọng là bản thân sẽ bình an sau đại dịch. Mỗi lần "chọt mũi", Tuấn Anh lại nín thở để xem kết quả. Thi thoảng xuất hiện "hai vạch", chàng trai lại lấy hết can đảm để thông báo với người dân.
Bắt đầu mỗi ngày làm nhiệm vụ, Tuấn Anh có xe đón đến nơi nhận đồ (đồ bảo hộ, kit test nhanh, cồn, bao tay...) rồi nhận tổ, về địa phương triển khai nhiệm vụ trong ngày.
Những ngày đầu mới làm nhiệm vụ, Tuấn Anh chưa quen được việc phải nhịn mọi nhu cầu khi mặc đồ bảo hộ. Nam sinh nhớ lại: "Lúc mặc đồ bảo hộ, mồ hôi đổ rất nhiều nên mình khát khô và miệng bị đắng nhưng lại không thể cởi bỏ đồ bảo hộ để uống nước".
Khi đi chống dịch, chàng sinh viên Quân y cảm thấy bản thân đã trưởng thành hơn về ý thức trách nhiệm với mọi người, trách nhiệm với bản thân về ngành nghề mình đã lựa chọn. Chàng trai trẻ học được kinh nghiệm, cách làm việc, tổ chức trong công tác phòng chống dịch, bài học tiếp xúc, trấn an bệnh nhân...
Mình nhận lệnh rút quân rất nhanh nên bị hụt hẫng một chút vì chưa kịp khám phá hết thành phố. Đến nhanh rồi lại đi vội, lúc Sài Gòn nhộn nhịp lại phải chia xa... Mình không có thói quen viết nhật ký. Mình sẽ thay nhật ký bằng cách quay lại những clip nhỏ rồi về chỉnh sửa, nhờ story Facebook, IG, TikTok lưu lại giúp mình. Việc làm đầu tiên sau khi cách ly của mình là về trường gặp đồng đội, trò chuyện, kể về trải nghiệm đi chống dịch - một khoảng thời gian "in đậm" trong tâm trí. |
Vừa tốt nghiệp đại học, Huỳnh Khang (sinh năm 1999, sống tại TP. HCM) đã vội đăng ký tham gia chống dịch và không may trở...
Nguồn: https://tienphong.vn/nam-sinh-quan-y-ke-nhung-ky-niem-kho-quen-khi-di-chong...