Nam sinh 9x tình nguyện lái xe cấp cứu chở F0, F1
“Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại rất khác. Vừa phải di chuyển thật nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho y bác sĩ và bệnh nhân trên xe. Chỉ một phút lơ là dễ dẫn đến tai nạn, nên khi thực hiện công việc, em luôn phải luôn giữ sự tập trung cao nhất”, Khoa chia sẻ.
Bạn Đỗ Đăng Khoa, tình nguyện tham gia vào đội phản ứng nhanh lái xe cứu thương, vận chuyển bệnh nhân F0, F1 tới bệnh viện và khu cách ly.
Suốt 1 tháng qua, từ một sinh viên ngành Tài nguyên môi trường - Trường Đại học Kiên Giang, bạn Đỗ Đăng Khoa (21 tuổi) đã tình nguyện tham gia vào đội phản ứng nhanh lái xe cứu thương, vận chuyển hàng trăm bệnh nhân F0, F1 tới bệnh viện và khu cách ly.
Một ngày làm việc của Đăng Khoa thường bắt đầu từ 8 giờ sáng, công việc chính là tài xế lái xe cứu thương, đi cùng các bác sĩ, các tổ truy vết để vận chuyển các bệnh nhân F0, F1 về nơi điều trị và các khu cách ly tập trung.
Công việc tài xế “không chuyên” của chàng sinh viên trẻ được bắt đầu hết sức tình cờ. Do đang trong thời gian nghỉ hè không phải đến trường, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang nên Khoa đã đăng ký hỗ trợ các chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Sau đó, nghe được thông tin tỉnh thiếu tài xế chở bệnh nhân COVID-19, thấy bản thân đủ yêu cầu nên Khoa đã chủ động tham gia vào Đội phản ứng nhanh - khoa Kiểm soát bệnh tật của Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá.
“Lái xe thì dễ nhưng lái xe cấp cứu lại rất khác. Vừa phải di chuyển thật nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho y, bác sĩ và bệnh nhân trên xe. Chỉ một phút lơ là dễ dẫn đến tai nạn, nên khi thực hiện công việc, em luôn phải luôn giữ sự tập trung cao nhất”, Khoa chia sẻ.
12 giờ trưa, vừa hoàn thành xong ca trực buổi sáng, Khoa ăn vội bữa cơm đã được các anh chị trong trung tâm chuẩn bị trước, tranh thủ ngồi nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến xe ca chiều.
Nam sinh cho biết, từ khi làm nhiệm vụ, em ăn uống không còn theo bữa. Rảnh giờ nào ăn giờ đó, để còn kịp cho những chuyến xe tiếp theo. Thời gian đầu chưa quen nên em cảm thấy mệt mỏi với khối lượng công việc và việc mặc đồ bảo hộ trong thời gian dài, có khi 1 ngày chỉ ngủ được vài tiếng. Nhưng qua đó em mới hiểu thêm được nỗi vất vả, khó khăn của các anh, chị đang làm nhiệm vụ chống dịch cũng như các anh lái xe chuyển bệnh trong suốt thời gian qua. Đây cũng là động lực để bản thân em cố gắng làm thật tốt công việc của mình, qua đó giảm bớt được gánh nặng của các anh, chị.
“Nhà có 2 mẹ con, từ nhỏ mọi việc em đều có mẹ chăm lo, sắp xếp. Khi biết em tình nguyện đăng ký tham gia vào đội xe cứu thương, lúc đầu mẹ cũng lo lắng lắm nhưng vẫn ủng hộ và khuyến khích em tham gia các hoạt động vì cộng đồng và cũng để em rèn luyện bản thân trong môi trường mới”, Khoa chia sẻ.
Mặc dù được phân công ca trực vào ban ngày nhưng Khoa luôn chuẩn bị tinh thần cả trong lúc nghỉ, có điện thoại gọi hỗ trợ là đến Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá ngay để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển. Có hôm Khoa phải làm việc đến 20h mới hoàn thành xong công việc, vừa tháo đồ bảo hộ ra, rửa tay khử khuẩn, chuẩn bị ăn cơm thì có ca là phải mặc đồ bảo hộ vào đi tiếp.
Những ngày làm việc hết công suất, Khoa lái xe đến 1 giờ sáng, chở liên tục 20 chuyến đưa người đi cách ly, điều trị. Có lúc, khát khô cổ họng nhưng Khoa không dám gỡ khẩu trang ra để uống nước vì sợ... lây nhiễm.
Chàng sinh viên mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi.
Tiếp xúc thường xuyên với những bệnh nhân COVID-19, hoặc có nguy cơ cao trở thành bệnh nhân, bản thân Khoa cũng phần nào lo lắng nhưng ý thức được việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân cũng là bảo vệ sức khỏe cho người thân, cho đồng nghiệp và cộng đồng nên Khoa luôn tuân thủ nghiêm quy tắc về phòng, chống dịch và giữ khoảng cách an toàn với các ca bệnh trong suốt quá trình làm việc.
“Em phải luôn đặt an toàn phòng dịch của bản thân lên hàng đầu, vì nếu mình bị nhiễm thì cả đội xe cũng sẽ phải đi cách ly, không ai chạy xe nữa", Khoa nói.
Mới đây, tỉnh Kiên Giang tổ chức đón hơn 370 sinh viên, học sinh và người lao động từ TP. HCM trở về và được sắp xếp ở khu cách ly tập trung. Sau khi test sàng lọc COVID–19, phát hiện một em bé 3 tuổi dương tính.
Là người trực tiếp làm nhiệm vụ vận chuyển cho ca bệnh đặc biệt này, Khoa thật sự xúc động với hình ảnh em bé 3 tuổi mặc đồ bảo hộ, mà vẫn hồn nhiên, vui vẻ cười vẫy chào Khoa để cùng mẹ rời khu cách ly vào viện chữa bệnh. Sự dễ thương, cùng tinh thần lạc quan của bé cứ làm em nhớ mãi.
“Thấy bé được xe chở vào, mọi người trong khu điều trị đứng từ xa gọi với ra cố lên bé ơi khiến em rất thương và cảm động. Thấy được sự chia sẻ, động viên của mọi người trong khu cách ly làm em thấy ấm lòng hơn. Em mong bé chiến thắng bệnh dịch, mẹ bé bớt lo lắng để có đủ sức khỏe chăm sóc bé trong những ngày sắp tới” – Khoa tâm sự.
Công việc dẫu có vất vả, nhiều rủi ro nhưng với Khoa, được giúp đỡ cho người dân, giúp đỡ cho cộng đồng góp phần cùng với địa phương “chiến thắng” dịch bệnh là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc này.
“Hi vọng mọi người chấp hành tốt Chỉ thị 16 để lực lượng phòng chống dịch hoàn thành nhiệm vụ, dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường”, Khoa chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian biểu của cô nữ sinh năm nhất Nguyễn Thị Phương Thảo kín mít vì vừa duy trì việc học online, vừa đi tình nguyện...