Nam sinh 7 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam
Nói đến múa bóng rỗi, người ta dễ dàng hình dung sự uyển chuyển điệu múa ghế, múa mâm vàng, giữ thăng bằng hai chiếc đĩa trên đầu thanh kiếm… Với hơn 7 năm dày công khổ luyện, Nguyễn Trọng Hùng (sinh năm 2004, tỉnh Long An) quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ.
Để khán giả trầm trồ, chiêm ngưỡng sự khéo léo trong từng điệu múa, Nguyễn Trọng Hùng (học sinh lớp 12, trường THPT Tân Thạnh, Long An), cho biết, người nghệ nhân múa bóng rỗi trau dồi rất nhiều kỹ thuật: Múa bóng, hát rỗi, xiếc tạp kỹ, cắt dán mâm vàng, chế tạo đồ múa, sáng tác lời bài hát để phục vụ những dịp cúng lễ…
Theo sự tìm hiểu của Hùng, múa bóng rỗi là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, ra đời cách nay khoảng 300 năm. Đây là nghi thức múa hát trong dịp lễ hội tại các đình, miễu, thường gắn liền với các dịp cúng Bà Chúa Xứ, Bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương, Bà Thiên Hậu, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ... với ý nghĩa cầu xin cuộc sống được bình an, mưa thuận gió hòa.
Nghề múa bóng rỗi đòi hỏi người đam mê sự nỗ lực và khổ luyện. Năm 2016, Trọng Hùng tình cờ xem video múa bóng rỗi của Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Đào biểu diễn trên truyền hình. Từ đó, cậu cảm thấy yêu thích, tự tìm tòi tập luyện bộ môn nghệ thuật này.
Kỹ thuật múa bóng rỗi rất khó và Hùng vẫn phải chịu nhiều định kiến.
Ban đầu, Hùng sử dụng mâm ăn cơm, chén đũa, ống nhựa… làm đạo cụ, dành 7 tiếng/ngày để tập luyện giữ thăng bằng. “Thời điểm đó, các thông tin về múa bóng rỗi không quá phổ biến. Vì thế, mình xem đi xem lại các video múa bóng rỗi do các Nghệ nhân Ưu tú biểu diễn, rồi luyện tập theo. Sau hơn một năm, mình thuần thục kỹ thuật cơ bản và nâng dần độ khó với các động tác: Đặt mâm lên ống nhựa, đặt ghế, lồng chim lên trán giữ thăng bằng”, Hùng kể.
Các kỹ thuật phải dùng trán, răng, môi... để giữ thăng bằng các vật dụng. Cho nên, việc bị đạo cụ rơi vào mặt, xém chút gãy răng khi nâng chồng ghế hay bị xước dao chảy máu là chuyện Hùng thường gặp. “Với mình, điều khó nhất trong tập luyện là sự kết hợp tỉ mỉ động tác tay, chân. Đồng thời, cơ thể uyển chuyển nhịp nhàng trong từng điệu múa, nét biểu cảm khuôn mặt. Đặc biệt, người nghệ nhân phải có đôi mắt nhanh nhạy quan sát động tĩnh của món đồ múa, tạo điểm nhấn thu hút người xem”, nam sinh 2K4 cho biết.
Để trưởng thành với nghề múa bóng rỗi, Hùng dành thời gian tìm đến những người cô kinh nghiệm trong nghề để “tầm sư học đạo”. Từ đó, các bài múa được Hùng khéo léo xây dựng bài bản theo truyền thống dân gian Nam Bộ. Theo Hùng, “bóng” là giao thoa giữa vật chất và tâm linh, “bà bóng, cô bóng” để chỉ dẫn người nghệ nhân. “Rỗi” là cứu rỗi khi kết hợp với “bóng” tức là đang hướng mọi điều đến với sự tốt đẹp, làm công việc cầu an cầu phúc.
Với hơn 7 năm luyện tập, hiện tại, Hùng đã học được các kỹ thuật giữ thăng bằng, điệu múa uyển chuyển, các động tác biểu diễn linh hoạt hơn… Sau phần múa rỗi là phần biểu diễn nghệ thuật dân gian, còn gọi là trò tạp kỹ như múa lu, múa khạp, múa ghế, múa dao, múa gậy, múa bông huệ… với những động tác gần gũi với cuộc sống hằng ngày. “Kỹ thuật tạp kỹ múa lu, múa trống… thì mình đang trong quá trình tập luyện. Do các vật dùng khá nặng so với thể lực, nên mình cần người giúp đỡ thì mới nâng cao thăng bằng tốt được”, Hùng giải thích.
Đầu năm 2023, Trọng Hùng tham gia biểu diễn hội trại Xuân của trường. Cậu dùng hết can đảm đăng ký thi tiết mục tài năng múa bóng rỗi với cô Bí thư Đoàn.
Tiết mục đầu tiên mà Hùng biểu diễu trước nhiều khán giả.
Hai ngày trước khi diễn ra chương trình, tiết mục của Hùng mới được cô đồng ý cho biểu diễn. Do thời gian quá gấp rút, cậu chỉ kịp chuẩn bị đạo cụ như: Áo dài, dán mâm vàng… Ngay cả bộ tóc giả, Hùng cũng phải mượn một người bạn trước vài giờ lên sân khấu diễn.
Lần đầu biểu diễn trước công chúng, Hùng hồi hộp đến nỗi, 10 phút trình diễn mà không nhớ được gì. “Mình cứ nhịp nhàng múa theo điệu nhạc. Chất nhạc truyền thống, trang nghiêm giúp mình sống tự do trong đam mê. Hạnh phúc hơn cả, bên dưới khán đài, các bạn học sinh, thầy cô reo hò, vỗ tay khích lệ tinh thần…”, Hùng cho biết.
Dù yêu thích múa bóng rỗi, nhưng ba mẹ Hùng không bằng lòng để cậu tập luyện múa bóng rỗi và khuyên cậu nên chuyên tâm việc học hành. Thời gian đầu, ba mẹ thấy con trai theo đuổi múa bóng rỗi nên ngăn cản. Tuy nhiên, mẹ Hùng quan sát để dần hiểu niềm đam mê của Hùng. Mẹ Hùng quan tâm hỏi han, xem các video mà cậu biểu diễn. Mỗi lần đi múa, mẹ Hùng nhắc nhở cậu chuẩn bị áo dài, đạo cụ… đầy đủ chưa.
Mỗi ngày, Trọng Hùng đều dành từ một đến hai tiếng tập luyện. Niềm vui mà Trọng Hùng có được là Nghệ nhân Ưu tú Ngọc Đào nhận cậu làm học trò, nghệ nhân trẻ Lê Vi Nam chỉ dẫn thêm trong nghề. Từ đó, Hùng có cơ hội biểu diễn ở các ngôi đình, miễu, cúng trang tại các gia đình, các sự kiện văn nghệ ở trường lớp hoặc các dịp giao lưu văn hoá nghệ thuật tại các Sở Văn hoá các tỉnh, thành…
Cuối tháng 6/2023 vừa qua, Hùng đã hoàn thành xong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Sắp tới, Hùng sẽ chọn trường đại học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh hoặc Văn học để học tập tốt, tìm kiếm một công việc với thu nhập ổn định nuôi sống bản thân, gia đình và giữ lửa bộ môn nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ.
“Khi tập luyện kỹ thuật mới thất bại, chấn thương nhẹ, mình mệt, chán nản. Nhưng khi bình tĩnh và suy nghĩ kỹ, nhìn thế hệ đi trước, mình càng quyết tâm tập luyện. Mình mong muốn giữ gìn và lan tỏa nét đẹp điệu múa bóng rỗi đến gần hơn với giới trẻ, những người yêu cái đẹp. Nghề múa bóng rỗi giúp mình rèn giũa tính kiên nhẫn, chỉn chu… Nghề đã ngấm vào máu rồi, bản thân có đam mê thì không có gì là không thể vượt qua”, Hùng nói.
Được biết, năm 2016, UNESCO đã công nhận nghệ thuật diễn xướng văn hóa dân gian múa bóng rỗi Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, cùng với hát bội, hầu đồng. Từ đó, giúp xóa đi quan điểm không đúng về bóng rỗi, nhận thức của người dân về loại hình nghệ thuật này cũng đã dần thay đổi.
Nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ thực sự là một nghề đầy gian nan. Nhưng hy vọng, Trọng Hùng sẽ giữ lửa nhiệt huyết, phát huy cái đẹp loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc, giúp công chúng có thêm một món ăn tinh thần đầy ý nghĩa.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ bỏ công việc ổn định, Trần Duy Khánh (sinh năm 1998, quê Thanh Hóa) đã và đang khẳng định niềm đam mê của mình bằng những clip TikTok triệu view, với nội dung “thu nhỏ”...