Năm Covid, nhiều vợ chồng méo mặt vì cái Tết cận kề
Tết dương lịch vừa qua, Tết Nguyên Đán cũng đã cận kề. Trong “một năm kinh tế buồn” như năm 2020, rất nhiều cặp vợ chồng đang bấn loạn vì Tết:
2020 có lẽ là một năm quá đặc biệt đối với nhân loại. Dịch bệnh xảy ra trên toàn cầu đã tác động tới mọi ngành nghề, lĩnh vực, mọi người dân ở hầu hết các quốc gia. Ở Việt Nam, mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt nhưng nhìn chung các công ty, doanh nghiệp và nhiều gia đình cũng phải chịu cảnh lao đao vì hậu quả của dịch bệnh.
Tết Dương lịch vừa qua, Tết Nguyên Đán cũng đã cận kề, trong “một năm kinh tế buồn” như năm 2020, rất nhiều cặp vợ chồng đang bấn loạn vì Tết:
Bị cắt thưởng Tết, cặp vợ chồng mới cưới phải lấy tiền mừng ra tiêu
Theo chia sẻ của Mai Hoa – Anh Tuấn (Quê Hải Phòng), họ mới cưới nhau cách đây hơn 1 tháng. Sau nhiều lần trì hoãn vì dịch bệnh thì cặp đôi mới này mới chính thức về chung một nhà chưa được bao lâu. Còn chưa quen với cuộc sống gia đình với trăm khoản phải chi tiêu, vợ chồng trẻ này phải tiếp tục đối diện với một cái Tết khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp, gia đình lao đao vì Tết (Ảnh minh họa)
Chị Mai Hoa, 28 tuổi cho biết năm nay vì dịch bệnh nên công việc của cả hai vợ chồng đều bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí cả anh chị đều không có tiền thưởng Tết. Hai vợ chồng vẫn động viên nhau, tầm này giữ được việc, không bị cắt giảm nhân sự gì là mừng lắm rồi. Thế nhưng ngày Tết sắp đến, cả hai đều lo méo mặt về việc làm sao để có đủ tiền lo chu toàn nội, ngoại đôi bên.
Hai vợ chồng chị Hoa, anh Tuấn ở quê xa nhau nên sẽ phân ra, Tết Dương về bên ngoại, Tết âm về bên nội. Chi phí cho 2 cái Tết gần nhau như thế này là không hề nhỏ. Chị Hoa tâm sự: “Từ hồi yêu vì hai đứa ở xa nhau nên cũng không qua lại thăm nom hai gia đình thường xuyên. Năm nay là năm đầu tiên mình về làm dâu nên cũng không thể đại khái, qua loa được. Có rất nhiều khoản phải chi tiêu, quà cáp, lễ biếu cho nội ngoại đôi bên, chỉ nghĩ đến thôi cũng đau cả đầu”.
Mặc dù dự tính tiền sau khi cưới để tiết kiệm nhưng vợ chồng chị Hoa, anh Tuấn đành phải rút ra một khoản kha khá để phục vụ cho việc về quê ăn Tết sắp tới.
Không dám về Tết dương, để dành tiền cho tết Nguyên đán
Có lẽ bài toán kinh tế là một trong những vướng mắc lớn nhất trong năm nay của rất nhiều hộ gia đình. Cùng chung một cảnh khó khăn vì tiền bạc, vợ chồng anh Ngọc Hiếu, chị Nguyễn Lan đành phải ngậm ngùi không về quê nghỉ Tết dương, đợi tới Tết nguyên đán.
Ngày Tết kéo theo bao nỗi lo về chi phí, tiền bạc, quà cáp khiến nhiều cặp vợ chồng "méo mặt" (Ảnh minh họa)
Qua lời kể của anh chị, cả hai đang sinh sống và làm việc ở thành phố, quê quán lại xa. Mọi năm, cứ được nghỉ dài là cả nhà lại về quê chơi. Tuy nhiên năm nay công việc bấp bênh, thu nhập lại giảm nên hai vợ chồng không dám vung tay quá trán.
Tính đi tính lại, hai kỳ nghỉ Tết tương đối gần nhau, 2 đứa con nên anh chị quyết định đành phải ở lại thành phố dịp Tết Dương, để dành chi phí cho Tết âm.
“Nhà mình cả thảy 4 người, tiền tàu xe đi lại vào dịp Tết sẽ tốn kém một khoản tiền tương đối lớn. Về quê còn phải quà cáp, lễ ngãi cho gia đình hai bên. Xong xuôi lại vòng lên thành phố làm rồi mới tới nghỉ Tết âm. Năm nay công việc khó khăn, thu nhập bị giảm nên vợ chồng con cái đành thắt chặt chi tiêu, tạm thời ở lại thành phố mấy ngày Tết dương, dành dùm cho Tết âm về với ông bà ở quê vậy”.
Khổ vì cái danh “Giám đốc”, gần Tết phải vay chạy tiền khắp nơi
Không chỉ với những người đi làm thuê, ngay cả các chủ doanh nghiệp cũng “khốn đốn” vì dịch bệnh. Những năm trước đây, công ty tư nhân của anh Ngọc Chí làm ăn được nên ngày Tết anh lúc nào cũng xông xênh tiền bạc, thậm chí còn quà cáp đầy đủ, chu đáo không chỉ cho bố mẹ mà họ hàng thân cận cũng được thơm lây. Cũng chính vì tính hào phóng và thói quen này mà năm nay anh lo “vã mồ hôi” chạy vạy cho cái Tết.
Vì dịch bệnh nên công ty của anh không làm ăn được, mọi thứ chỉ đang cố gắng cầm chừng, tránh dẹp tiệm. Tuy nhiên họ hàng, người thân ở quê không hiểu được điều này, hơn nữa bản thân anh cũng quen với cách đối đãi, hành xử như vậy, lại mang danh giám đốc về quê nên phải cố gồng mình lên để lo liệu một cái Tết chu toàn.
Dù công việc làm ăn không thuận lợi nhưng vì mang cái danh giám đốc nên anh vẫn phải cố gắng vay chạy để có tiền vào mấy ngày Tết (Ảnh minh họa)
Anh Ngọc Chí tâm sự: “Nói thật, chẳng thà làm thuê còn dễ, mình là dân kinh doanh, làm chủ nhiều năm rồi nên giờ mới thấy nhiều cái khó. Cũng không phải mình sĩ diện hão hay gì nhưng không muốn bố mẹ, ông bà ở quê lo lắng nên thôi vẫn cố gắng duy trì như mọi năm. Mình phải giấu vợ, vay mượn tiền bạc vì tính vợ mình cũng hay lo nghĩ quá. Sợ mọi người biết chuyện công ty làm ăn không thuận lợi lại đâm ra phiền não nên mình vay tiền để có một cái Tết tươm tất cho mọi người yên lòng”.
Có thể thấy, điểm chung của nhiều gia đình trong giai đoạn cận Tết đều là những mối lo về chuyện bạc tiền. Để có một cái Tết ấm áp, sung túc, đoàn viên, các cặp vợ chồng phải tính toán, cân đối, tích góp nhiều tháng trời. Trong một năm đầy rẫy những khó khăn như năm nay, câu chuyện ấy càng trở nên áp lực hơn bội phần.
Mặc dù chi phí để thuê người yêu về quê ăn Tết cùng rất đắt đỏ thế nhưng vẫn có rất nhiều người có nhu cầu.
Nguồn: [Link nguồn]