Mưu sinh khi ước mơ đại học đứt gánh

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Cố gượng dậy sau cú sốc thi trượt đại học, nhiều thí sinh đã bắt tay tìm kiếm công việc để đỡ đần gia đình. Họ đi làm dành dụm một khoản tiền để năm sau thi tiếp hoặc hướng cuộc sống sang ngã rẽ mưu sinh khác.

Sẽ tiếp tục sống

Sáng 13/8, chúng tôi đến nhà Duy ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM). Đó là một kiốt bé nhỏ có diện tích khoảng 20m2, nơi 5 anh chị em Duy và mẹ trú ngụ lâu nay, nhờ sự tốt bụng của chủ nhà cho thuê với giá rẻ. Duy đang ngồi dưới gốc cây đánh bóng đôi giày nhăn nheo: “Lát nữa em qua nhà hàng ở làng đại học Thủ Đức phỏng vấn xin việc phụ bàn”. Đợt thi đại học này, Duy thi vào Trường Sư phạm TPHCM (ngành Sinh) nhưng kết quả chỉ được 15 điểm, em đã bị trượt. “Hệ CĐ Sư phạm của Trường ĐH Sài Gòn chỉ lấy 14 điểm cho ngành Sinh, em đủ điểm vào. Nhưng điều kiện liên thông lên đại học là phải ra trường, đi dạy 3 năm rồi cũng thi lại khối B như thi ĐH hiện giờ nên em sợ đến lúc đó mình chỉ còn kiến thức môn Sinh mà thôi, kiến thức 2 môn còn lại thực khó duy trì. Thôi, tốt nhất là em ráng tìm việc làm tạm năm nay, rồi học trung cấp ngành Dược để có nghề phòng thân. Buổi tối em cố rèn để năm sau thi tiếp vào ĐH Sư phạm”, Duy chia sẻ.

Duy là con trai thứ 3 trong nhà. Chị lớn của Duy đang học nghề uốn tóc. Các em Duy học lớp 8, lớp 2 và bé út học mầm non. Gia đình Duy 6 người rời quê nhà Đồng Nai bồng bế nhau đến TPHCM tìm đường mưu sinh nhiều năm qua, bởi bố Duy lấy vợ khác, còn ông bà ngoại lại lần lượt mất chỉ trong vòng 2 năm sau biến cố bố rời bỏ gia đình. Vậy là không còn chỗ dựa nào, một mình mẹ Duy tần tảo nuôi các con bằng đủ việc làm. Suốt thời đi học phổ thông, Duy phải tranh thủ phụ hồ, phụ làm sắt, làm nhôm… đỡ đần cho mẹ. Thời điểm Duy chuẩn bị thi tốt nghiệp thì mẹ đổ bệnh do suy kiệt và khủng hoảng tinh thần bởi nhiều năm liền căng sức lo toan. Duy và chị thứ hai bàn nhau người bỏ học chữ, kẻ bỏ học nghề đi làm giúp mẹ. Biết tin này, mẹ Duy làm căng, bảo hai đứa bỏ học là mẹ mua thuốc trừ sâu uống cho chết. Vậy là Duy lại tiếp tục việc học hành.

Sống ở quận Tân Bình (TPHCM), mấy hôm nay Võ Thị Thanh Thủy có thời gian phụ gia đình bán trái cây ở chợ Bà Hoa nhiều hơn thường nhật. Kỳ thi vừa qua, Thủy trượt đại học và em đang cân nhắc để có quyết định cho cuộc đời mình. “Em thôi không thi nữa. Gia đình đang khuyên em học cao đẳng nhưng em thích học đại học tư. Vẫn có nhiều trường xét điểm số của 3 năm học phổ thông để tuyển chọn”, Thủy chia sẻ nguyện vọng của mình.

Không như Thủy với dự tính tiếp tục giấc mơ đại học, Nguyễn Thanh Hải (ở quận Thủ Đức, TPHCM) lại xác định cho mình con đường nghề ngay sau khi biết thi trượt đại học. “Thực ra vào đại học cũng tốt, nhưng đó không phải là con đường duy nhất. Hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng khó khăn nên việc em tiếp tục đeo đuổi chuyện học hành là không đơn giản. Em thích làm nghề cơ khí. Nếu làm nghề thuận lợi mà sống tốt thì cũng chưa hẳn là điều không hay”, Hải nói.

Lên thành phố kiếm việc làm thêm

Kể từ khi biết mình bị trượt đại học, tâm trạng không tốt, nên việc đầu tiên của Lê Thanh Tùng (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là tìm ngay một công việc nào đó để quên đi thất bại, có tiền phụ giúp gia đình. Tùng chia sẻ: “Em cũng cố gắng để ôn tập tốt, nhưng điểm thi vào ĐH Luật của em chỉ vỏn vẹn được 8 điểm. Mặc dù thất vọng với chính bản thân mình, nhưng em đã xin vào nhóm thợ xây, thợ sơn cùng quê đang làm các công trình ở Hà Nội. Mới làm, chưa quen việc nên thu nhập không cao lắm, nhưng em cũng tự trang trải bản thân. Em cố chi tiêu tiết kiệm để có tiền gửi về nhà giúp bố mẹ, đóng tiền học cho em”.

Mưu sinh khi ước mơ đại học đứt gánh - 1

Trượt đại học, nhiều thí sinh ở nông thôn chọn cách đi tìm việc ở xa (Ảnh minh họa)

Cùng chung cảnh ngộ, Trần Thị Dung (xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng quyết định rời quê ra Hà Nội tìm việc. Dung hiện đang làm nhân viên cho một quán bia trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân). Dung tâm sự: “Nhà em ở vùng quê nghèo khó, gia đình khó khăn, bố mẹ chỉ làm nghề nông, mùa màng sản lượng không đáng bao nhiêu. Em là con lớn, nên sau khi biết mình thi trượt đại học, em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định ra Hà Nội tìm việc. Em không khó để tìm được công việc hiện nay, lương mỗi tháng cũng được gần 3 triệu đồng. Không phải mất tiền ăn, chỗ ở vì ngủ luôn ở quán”.

Dung chia sẻ thêm: “Em không muốn ở nhà, vì bố mẹ cứ giục em lấy chồng, biết em trượt đại học, có nhiều “đám” đến hỏi cưới nữa. Em sẽ cố gắng vừa làm vừa tự ôn, năm sau em sẽ thi tiếp bởi sau thời gian làm việc trên này em thấy, nếu thi đỗ đại học có thể đi làm thêm để trang trải cho chuyện học”.

Ở nhà chăn trâu, nuôi lợn

Trượt đại học, nhiều thí sinh ở nông thôn không chọn cách đi tìm việc ở xa mà chọn cách ở nhà phụ giúp gia đình công việc nhà nông. Là một học sinh có học lực khá nhưng kết quả thi đại học vừa qua đã khiến Dương Quang Tú (xã Trung Thành, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) vô cùng thất vọng. Dự thi vào ĐH Xây dựng Hà Nội, Tú chỉ được 7 điểm/3 môn. Du buồn, nhưng lại không muốn gia đình phải bận tâm, Tú đã nỗ lực để lao động, giúp đỡ gia đình.

Nói về quãng thời gian sau khi thi xong đại học, Tú cho biết: “Em cố gắng chăm chỉ phụ giúp gia đình trong các việc nhà, việc đồng áng. Hàng ngày em đảm nhận chăn 3 con trâu, thả ra bãi ngoài đê sông Đà. Lúc chăn trâu, em cũng cố gắng tranh thủ học, ôn lại kiến thức để năm sau thi tiếp. Nhà nghèo nên từ lúc thi xong đại học, em đã đi làm thêm các việc phụ như phụ xây, khuân gạch, chở xe trâu… trong xóm hay trong xã ở đâu có việc gọi là em đều nhận làm. Em là con út, các anh chị đi làm xa nên em phải cáng đáng nhiều công việc nhà, cố gắng kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”.

Vất vả làm việc nhà nông sau khi biết trượt đại học, Nguyễn Hoàng Hiệp (xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) cũng vùi mình vào công việc đồng áng, chăn nuôi của gia đình. Hiệp bảo: “Em trượt đại học, bố mẹ em buồn lắm, nhưng cũng không hề trách móc. Em biết vậy, nên cố gắng làm tốt việc nhà, kiếm tiền giúp bố mẹ đỡ khổ. Em ở nhà chăn bò, nuôi lợn và gà. Bố mẹ em bảo, sau này đàn bò sinh trưởng tốt sẽ bán đi cho em lấy tiền năm tới đi thi tiếp”.

Đối diện ngã ba cuộc đời

Đặng Thị Huyền (xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) giấu gia đình vừa làm công nhân khu chế xuất Linh Trung 1 (TPHCM) vừa học để tiếp tục giấc mơ đại học của mình. Kỳ thi vừa qua, Huyền đậu nguyện vọng 2 Y khoa Vinh và ĐH Nông lâm TPHCM. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khiến Huyền phải đắn đo chuyện học gì, học ở đâu để có thể duy trì việc học. Huyền cho biết, cuối cùng em đã chọn ĐH Nông Lâm TPHCM làm “bến đỗ” bởi thuận cho việc sinh kế trong quá trình học.

Xét lại hoàn cảnh gia đình, em nghĩ nếu học Y thì sẽ rất tốn kém, chi phí học quá cao so với kinh tế gia đình. Em học ĐH Nông lâm chi phí cũng đỡ hơn, mà vào đó em có thể đi làm thêm được”, Huyền cân nhắc. Mặc dù nói rằng nếu đủ điều kiện mình vẫn thích học Y hơn, nhưng Huyền biết rõ gia đình 3 chị em (Huyền là con lớn, 2 em đều đang đi học), bố mẹ làm nông mà ruộng đất lại quá ít ỏi, phải bươn chải thêm mới đủ ăn, nên em đành đưa ra quyết định thực tế nhất.

Ý chí, nghị lực của cô gái người Hà Tĩnh đã giúp em vượt chặng đường gian nan bước vào ngưỡng cửa đại học. Thế nhưng, với ngã ba cuộc đời luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống của mỗi con người, đặc biệt là với Huyền, nếu có sự tiếp sức từ xã hội sẽ giúp hoài bão của em sớm tỏa sáng và lấp lánh hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đ. Bá - Q.Huy - H.Tuấn (Gia đình)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN