Muôn vàn cách 'thoát pressing' chuyện cưới xin từ người trẻ
Cuối năm, khi ngày Tết cận kề, câu chuyện "bao giờ cưới?" lại trở thành "cơn ác mộng" của không ít bạn trẻ. Từ áp lực gia đình đến lời thúc ép từ họ hàng, nhiều bạn trẻ chọn cách thuê người yêu, hạn chế về nhà, hoặc thậm chí chuyển đi thật xa để "thoát pressing" chuyện cưới xin.
"Thuê người yêu" để thoát áp lực
Hà Vy (26 tuổi, sống tại quận Ba Đình, Hà Nội) đã hai lần thuê người yêu đi ra mắt gia đình. Lần đầu, cô dẫn theo một anh bạn "người yêu tạm thời" vào dịp Tết Nguyên đán 2024. Sau đó, khi bị mẹ thúc giục thêm vì "chưa thấy tiến triển gì", Vy tiếp tục thuê một người khác trong dịp giỗ ông nội vào tháng 7.
"Áp lực từ gia đình quá lớn. Bố mẹ mình đều là công chức nhà nước nên luôn muốn mình sớm ổn định gia đình, sinh con trước tuổi 30. Trong khi đó, công việc của mình trong ngành truyền thông rất bận rộn, không có thời gian để yêu đương thật sự," Hà Vy chia sẻ.
Dịch vụ thuê người yêu mà Vy sử dụng cung cấp một danh sách ứng viên để cô nàng lựa chọn. Mỗi lần thuê, chi phí dao động từ 3-5 triệu đồng cho một buổi ra mắt.
"Họ đóng vai rất chuyên nghiệp, biết cách lấy lòng bố mẹ mình, nên áp lực tạm thời được giải tỏa," Vy nói thêm.
Tuy nhiên, cô thừa nhận giải pháp này chỉ là "chữa cháy" và không thể kéo dài mãi. "Mình biết cuối cùng cũng phải đối diện với vấn đề. Nhưng hiện tại, đây là cách nhanh nhất để yên ổn."
Đi xa để tìm sự bình yên
Nguyễn Quốc Hưng (27 tuổi, kỹ sư IT) đã chọn một cách tiếp cận khác: làm việc ở nước ngoài để "né" những lời giục cưới từ gia đình.
"Năm ngoái, khi về quê ăn Tết, gần như tất cả mọi người trong họ hàng đều hỏi ‘bao giờ lấy vợ?’. Mẹ mình còn thường xuyên sắp xếp các buổi gặp mặt với những cô gái mà bà quen biết. Mình cảm thấy rất áp lực, nên quyết định nhận lời mời làm việc tại Singapore để tránh những câu hỏi này," Hưng kể lại.
Sau gần một năm làm việc tại Singapore, Hưng thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. "Mình gọi điện về cho bố mẹ mỗi tuần, nhưng khoảng cách địa lý khiến bố mẹ ít đề cập đến chuyện cưới xin. Giờ mình có thể tập trung hoàn toàn vào công việc."
Hưng chia sẻ, anh chàng dự định tiếp tục làm việc ở nước ngoài trong vài năm tới, đồng thời hy vọng bố mẹ sẽ dần chấp nhận rằng chuyện hôn nhân, cưới xin hiện tại chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mình.
Bên cạnh việc trốn tránh, nhiều bạn trẻ chọn cách đối diện với sự thật. (Ảnh minh hoạ: Hương Giang)
Thùy Dương (27 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng trải qua nhiều trận cãi vã với gia đình chỉ vì cô nàng từ chối những cuộc mai mối mà bố mẹ sắp đặt.
"Mỗi lần về quê, mẹ mình lại nhắc đến những chàng trai mà bà muốn mình gặp. Có lần mẹ mời cả một anh qua nhà ăn cơm mà không báo trước. Mình cảm thấy rất khó chịu và không còn muốn về nhà nữa," Thùy Dương chia sẻ.
Đỉnh điểm là dịp Tết 2024, khi Dương quyết định không về quê, chọn ở lại Hà Nội làm thêm để tránh xa những lời giục giã. "Mình nghĩ nếu cứ tiếp tục bị ép buộc như vậy, mối quan hệ với bố mẹ sẽ trở nên căng thẳng hơn. Giữ khoảng cách một thời gian là cách tốt nhất để cả hai bên cùng bình tĩnh," cô nói.
Thu Minh (28 tuổi), chủ một dịch vụ "người yêu tạm thời" tại Hà Nội, cho biết nhu cầu thuê người yêu tăng vọt vào dịp cuối năm: "Từ tháng 11 đến Tết, lượng khách hàng tăng gấp 3 lần so với thời điểm bình thường. Phần lớn khách hàng là những người trẻ bị gia đình giục cưới hoặc cần một 'đối tác' để ra mắt trong các dịp lễ," Minh chia sẻ.
Dịch vụ của Minh không chỉ dừng ở việc đóng vai người yêu. Một số khách hàng còn yêu cầu hỗ trợ tư vấn tâm lý để đối phó với áp lực từ gia đình. "Chúng mình luôn nhấn mạnh ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân. Không có hành vi vượt quá giới hạn đạo đức được chấp nhận," Minh khẳng định.
Không phải ai cũng chọn cách "lánh nạn" như bao bạn trẻ khác. Trần Minh Hoàng (27 tuổi, hiện đang là giáo viên tiếng Anh) cho rằng việc đối diện trực tiếp với gia đình và giải thích quan điểm cá nhân là cách tốt nhất để giảm áp lực chuyện cưới xin.
"Mình đã từng ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ rằng hôn nhân không phải điều quan trọng nhất với mình. Mình muốn tập trung vào sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống trước khi nghĩ đến chuyện cưới xin," Hoàng kể lại.
Sau cuộc trò chuyện, gia đình Hoàng dần hiểu và chấp nhận quyết định của anh. Vì vậy, anh chàng khuyên các bạn trẻ nên chủ động chia sẻ suy nghĩ với người thân thay vì né tránh.
"Chúng ta không thể sống theo kỳ vọng của người khác. Quan trọng là mình thấy hạnh phúc với lựa chọn của bản thân," Hoàng nói thêm.
Cần học cách lắng nghe, thấu hiểu giữa các thế hệ
Th.S tâm lý học Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ cho biết, áp lực “giục cưới” là một hiện tượng phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Ông cho rằng, để hiểu sâu sắc vấn đề này, cần xem xét từ hai góc độ: xã hội và tâm lý.
Từ góc độ xã hội, trong văn hóa truyền thống, hôn nhân không chỉ là chuyện riêng của hai người mà còn được coi là sự kiện mang tính cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của con cái đối với gia đình.
Phụ huynh và con cái cần học cách lắng nghe và thấu hiểu đối phương. (Ảnh minh hoạ: Hương Giang)
"Nhiều bậc phụ huynh lớn lên trong môi trường mà kết hôn được xem là một trong những cột mốc trưởng thành quan trọng nhất. Vì thế, khi con cái đến một độ tuổi nhất định mà chưa lập gia đình, các bậc phụ huynh dễ cảm thấy lo lắng và chịu áp lực từ những lời nhận xét của họ hàng, láng giềng," ông giải thích.
Từ góc độ tâm lý, hôn nhân cũng thường được liên kết với ý niệm “ổn định”, "an cư lạc nghiệp" trong cuộc sống. Điều này dẫn đến việc cha mẹ không chỉ mong muốn con cái kết hôn mà còn đặt kỳ vọng về việc sinh con, xây dựng gia đình riêng, như một cách “hoàn thành nghĩa vụ” với dòng tộc.
Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng con cái đang bỏ lỡ “thời điểm vàng” để lập gia đình và sinh con, nhất là khi phụ huynh bị ám ảnh bởi khái niệm “tuổi già cô đơn”.
"Còn người trẻ ngày nay lại ưu tiên sự nghiệp, phát triển bản thân và trải nghiệm cá nhân, không còn bị ràng buộc bởi quan niệm "an cư lạc nghiệp" như thế hệ trước đây. Các bạn không còn xem kết hôn là tiêu chuẩn duy nhất để đạt được hạnh phúc".
Chuyên gia cho rằng khoảng cách thế hệ là nguyên nhân chính khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất an, thậm chí áp đặt con cái, tạo ra áp lực lớn đối với những người chưa sẵn sàng bước vào hôn nhân.
Một số người trẻ chọn cách trốn tránh như hạn chế về thăm nhà, đi làm xa hoặc thuê người yêu tạm thời để làm hài lòng bố mẹ. Tuy nhiên, cách giải quyết này đôi khi chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà không giải quyết được gốc rễ mâu thuẫn. Đối với những người cố gắng làm hài lòng gia đình bằng cách kết hôn vội vàng, nguy cơ gặp phải những cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc đổ vỡ là rất cao.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, để giảm thiểu xung đột và áp lực, các gia đình cần học cách lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Phụ huynh nên nhận ra rằng thời đại đã thay đổi, việc kết hôn muộn hoặc không kết hôn không có nghĩa con cái thất bại.
"Thay vì thúc ép, cha mẹ nên dành thời gian lắng nghe những suy nghĩ, kế hoạch của con cái để hiểu rõ lý do đằng sau quyết định của con mình. Về phía người trẻ, thay vì né tránh, các bạn cần chia sẻ một cách chân thành và rõ ràng về mong muốn cá nhân cũng như kế hoạch trong tương lai. Khi cả hai thế hệ tìm được tiếng nói chung, áp lực "giục cưới" sẽ dần giảm đi, và mối quan hệ gia đình cũng trở nên hài hòa hơn".
Tết đến, câu hỏi "Bao giờ lấy chồng?" từ gia đình khiến nhiều người trẻ rơi vào tình huống khó xử. Để đối phó, không ít người tìm đến dịch vụ thuê...
Nguồn: [Link nguồn]
-21/01/2025 09:07 AM (GMT+7)