Mùa dịch không "nghiện" mạng xã hội, kiếm thu nhập từ đọc sách, học quản lý tài chính
Một số bạn trẻ nghỉ dịch ở nhà bị "nghiện" mạng xã hội và coi các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop là những thứ "bất ly thân". Bên cạnh đó, một số chàng trai cô gái lại nhân mùa dịch để tích lũy kiến thức cho bản thân, lấp đầy thời gian trống và giữ khoảng cách với mạng xã hội.
Học kỹ năng quản lý tài chính cá nhân
Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là một chìa khóa quan trọng để giải quyết những áp lực tinh thần, khủng hoảng về kinh tế, lúng túng với các khoản chi tiêu.
Bạn trẻ hiện nay rất dễ gặp muộn phiền vì... tiền lương không đủ tiêu, không có chi phí dự phòng cho bản thân, sinh viên đầu tháng ăn buffet cuối tháng ăn mì tôm, bố mẹ chu cấp 4 triệu/tháng vẫn chưa thấy đủ...
Để ý đến kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, áp mình vào một khuôn khổ chi tiêu sẽ khiến mỗi người giảm được một phần áp lực trong cuộc sống, đặc biệt là những tân sinh viên chuẩn bị bước ra khỏi vùng an toàn, không có bố mẹ bao bọc.
"Mình tránh và giảm thiểu tối đa các khoản nợ. Nếu bắt buộc phải vay nợ, hãy vay từ người quen, bạn bè để không phải trả lãi suất và chỉ vay tiền để chi cho các khoản chi thiết yếu", Thanh Tâm cho hay
Chia sẻ về cách quản lý tài chính cơ bản mà mỗi cá nhân cần có, đặc biệt là các bạn sinh viên hiện nay, nữ sinh tài sắc Phạm Thanh Tâm (sinh năm 1999, mới tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội) bày tỏ: "Từ khi còn là sinh viên, mình đã áp dụng các bước quản lý tài chính như sau: Chia khoản tiền mình có trong một tháng thành ba khoản tiền nhỏ khác nhau.
Khoản tiền thứ nhất dùng để chi cho các chi phí bắt buộc phải trả trong tháng: tiền mua nhu yếu phẩm, tiền nhà, tiền điện… Khoản tiền thứ hai là để tiết kiệm (15% số tiền mình có), tuy nhiên mình không đơn thuần cất nó đi mà đem đi gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm nhân thọ, đầu tư để sinh lời. Khoản tiền thứ ba là để phục vụ cho các mục đích giải trí: ăn uống bên ngoài, mua sắm, vui chơi, khoản tiền này nếu không tiêu hết mình sẽ lại cho vào khoản tiết kiệm".
Đối với nhóm bạn sinh viên chưa có việc làm thêm, có cần quản lý tài chính không hay tiền bố mẹ cho thì cứ tiêu? Thanh Tâm cho rằng, với những bạn sinh viên chưa có việc làm thêm thì càng phải có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân bởi các bạn chưa tự kiếm ra thu nhập mà số tiền mình có hoàn toàn dựa vào từ bố mẹ.
"Để tránh tình trạng ngửa tay xin tiền quá nhiều lần một tháng, chúng mình cần học cách chi tiêu sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, các bạn nên tìm hiểu về các cách tạo ra nguồn thu nhập thụ động, tức là không cần đi làm vẫn kiếm được ra tiền.
Tuy nhiên, nhiều bạn đi làm thêm nhưng cũng chỉ đủ tiền mua quần áo, mỹ phẩm. Liệu có nên đầu tư cho nó mà quên đến việc tích lũy để đầu tư cho học tập? Mình nghĩ, bản thân chúng mình đi làm thêm vất vả thì hoàn toàn có quyền tự thưởng cho bản thân những bộ quần áo đẹp, mỹ phẩm. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo nguyên tắc số tiền dùng cho mục đích giải trí này không vượt quá số tiền cho tiêu dùng cần thiết và khoản tiền tiết kiệm.
Và đầu tư vào tri thức chắc chắn là một khoản đầu tư giúp phát triển bản thân mình nhiều nhất. Hãy dành một khoản tiền để mua những quyển sách hay, mua các khóa học, phần mềm đáng tiền để hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Do vậy, tất cả chúng ta, đặc biệt là sinh viên, dù có học chuyên ngành về tài chính hay không đều phải trang bị cho bản thân những kiến thức về quản lý tài chính cá nhân để dần đạt được các mục tiêu: từ an toàn tài chính, đảm bảo tài chính, độc lập tài chính và cuối cùng là tự do tài chính", nữ sinh chia sẻ thêm.
Dẫu biết, quản lý chi tiêu trong thời kỳ đại dịch là một thách thức lớn, thậm chí là khủng hoảng. Tuy vậy, hãy suy nghĩ lạc quan, dành khoảng thời gian nghỉ dài để trau dồi thêm những kiến thức mới và kiếm thêm thu nhập từ các công nghệ trực tuyến, việc làm online... Cố gắng chỉ sử dụng tiền cho các khoản chi tiêu thiết yếu, hạn chế tối đa các khoản chi tiêu phục vụ mục đích giải trí, như vậy bạn sẽ không cần hoặc ít phải sử dụng đến khoản tiết kiệm cá nhân.
Học ngoại ngữ
Một trăn trở lớn của nhiều bạn học sinh, sinh viên là không biết bắt đầu từ đâu, học bao lâu mỗi ngày để cải thiện khả năng học ngoại ngữ của bản thân. Trong khi có rất nhiều cám dỗ khác chiếm mất thời gian ít ỏi trong ngày mà bạn dành ra để học ngoại ngữ.
Là một "dân" chuyên khối A, Trương Tuấn Vũ (thủ khoa đầu ra trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2021) gần như bị hổng kiến thức ngoại ngữ cho tới tận năm cuối. Vì vậy, nam sinh đã phải học nước rút tiếng Anh trong vòng chưa tới 1 năm để chuẩn bị cho bài thi IETLS và hiện tại đang tranh thủ học thêm tiếng Pháp, chuẩn bị cho dự định du học tại Canada.
"Từ trước tới giờ, ngoại ngữ luôn là điểm yếu của mình vì mình gần như chỉ tập trung vào các môn yêu thích về khoa học tự nhiên. Vì vậy, quá trình 9 tháng vừa qua mình hoàn toàn nỗ lực từ con số 0. Khi mới bắt đầu mình cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải học lại từ những kiến thức cơ bản như ngữ pháp, chia động từ..
Hiện tại, do dịch bệnh nên mình dành phần lớn thời gian ở nhà, dành nửa buổi mỗi ngày để học tiếng Anh. Buổi tối sẽ học các môn liên quan tới chuyên ngành thạc sĩ mà mình chuẩn bị theo học.
Mình nghĩ mọi sinh viên, bao gồm cả mình, đều luôn biết rằng ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên phần lớn các bạn vẫn chưa có được một mục tiêu cụ thể để học. Đó là lý do dẫn tới sự trì trệ hoặc kém hiệu quả trong học ngoại ngữ. Mình cũng đã ở trong trạng thái tương tự trong suốt quá trình đi học. Tuy nhiên nhờ vào một mục tiêu rõ ràng và dự định thi IELTS, nên quá trình 9 tháng vừa qua đã giúp mình vượt trội so với chính bản thân trước đây rất nhiều", thủ khoa đầu ra ĐH Bách Khoa chia sẻ về hành trình cải thiện tiếng Anh từ con số 0", Trương Tuấn Vũ nhận định.
Đáng chú ý, Tuấn Vũ không tin vào những quảng cáo về các phương thức học tiếng Anh hiệu quả, giúp người học không cần tốn nhiều công sức mà vẫn đạt kết quả tốt. Theo nam sinh, bất cứ môn học nào, đặc biệt là ngoại ngữ, đều là một quá trình gian nan và cần một sự tập trung cao độ.
Phương pháp học của anh chàng khá bài bản và có lộ trình như sau: "Bắt đầu từ những kiến thức nền tảng đầu tiên, các dạng cấu trúc ngữ pháp, từ vựng cơ bản, tập trung vào luyện tiếng Anh "output" (speaking, writing) thay vì chỉ "input" (listening, reading). Mình nghĩ, việc ngồi khoanh trắc nghiệm tiếng Anh chỉ như một game quiz, không giúp ta thực sự học được.
Nếu có thể, hãy tìm một vài người bạn để cùng chat với nhau bằng tiếng Anh, mình nhờ phương pháp này mà đã đạt được những đột phá rất lớn, vì chỉ khi bản thân mình tự nghĩ và viết ra, thì đó mới là thứ tiếng của mình. Mình nghĩ vừa mới bắt đầu sẽ rất khó để luyện tập speaking luôn, ví dụ như việc tiếp xúc với người nước ngoài chỉ khiến các bạn thêm tự ti vì gần như không nói được gì nhiều. Speaking là một kỹ năng yêu cầu phản xạ nhanh và vốn từ dồi dào, vì khi giao tiếp chúng ta không thể trực điện thoại để dịch từ được, thay vào đó nên học từ writing trước".
Thật vậy, hãy xác định một mục tiêu, một lý do để ta có thể xếp lịch tự học tiếng Anh vào thời gian biểu mỗi ngày mà không phải vì qua môn, đủ điều kiện điểm số.
Giao tiếp và thuyết trình
Nhiều bạn sinh viên học từ cấp 1 đến đại học vẫn chưa thể chủ động chia sẻ, thuyết trình trước đám đông về một vấn đề, sự kiện nào đó bởi tâm lý sợ bị chê, sợ không hay, sợ bị đánh giá... Đây là một điểm yếu cần nhanh chóng khắc phục, đặc biệt, việc học tập và trao đổi các cuộc họp được diễn ra theo hình thức online trong hoàn cảnh dịch bệnh sẽ là cơ hội để thay đổi.
Nếu bạn tự ti về ngoại hình thì hãy bắt đầu từ việc xin tắt camera để thuyết trình và đón nhận phản hồi từ mọi người bằng thái độ cầu thị và rút kinh nghiệm. Khi bạn chủ động xung phong bày tỏ quan điểm trong tiết học hay cuộc họp thì hiệu quả khác hẳn so với bị giảng viên gặng hỏi.
Hiện cũng có khá nhiều câu lạc bộ trong trường học được thành lập để chia sẻ, đưa ra phương pháp cải thiện kỹ năng giao tiếp cho học sinh, sinh viên. Bởi kỹ năng giao tiếp và thuyết trình thực chất là hai kỹ năng riêng biệt nhưng đều được xem là kỹ năng sống còn trong bất kỳ môi trường nào để chúng ta có thể đạt tới một mức thành công nhất định.
Kiếm thêm thu nhập từ việc đọc sách
Đọc sách là một thói quen "sinh lời" cho tất cả chúng ta. Có thể bạn chọn đọc sách về tâm lý, giải mã con người hay sách về lý thuyết chuyên ngành ứng với từng lĩnh vực; sách nấu ăn, tập yoga... tất cả đều đem lại một lượng kiến thức nhất định để có thể ứng dụng được trong cuộc sống, cải thiện được những gì chưa biết, lý giải những điều chưa hiểu.
"Mùa dịch, mình có nhiều thời gian rảnh nên để tránh tình trạng trì trệ, mình sẽ sắp xếp, lên kế hoạch công việc cụ thể hơn. Mỗi ngày, mình có giờ học online với trường, có thời gian dạy kèm online. Ngoài những thời gian cố định đó, mình có thời gian để tự học bằng cách đọc sách rồi ghi chép lại. Mình chia số sách mình đọc ra thành 3 mục đích chính: đọc để học, đọc để làm việc và đọc giải trí. Sách học là các đầu sách chuyên ngành về lý thuyết văn học được đọc vào thời gian mình tập trung nhất trong ngày. Sách để làm việc mình thường đọc vào buổi trưa chiều và thư giãn buổi tối với tiểu thuyết", bạn Nguyễn Đức Lam Thảo (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, TPHCM) chia sẻ.
Nguyễn Đức Lam Thảo có thể kiếm thêm thu nhập từ việc đọc sách.
Đối với mỗi người, nhu cầu, mục đích, tần suất đọc sách là khác nhau nhưng nếu ai cũng duy trì được thói quen này mỗi ngày thì sẽ thu được nhiều "lợi nhuận" về mặt tinh thần, tư duy, phong cách sống. Ta rèn luyện được sự tập trung và khả năng tư duy, phân tích, cách nhìn nhận một vấn đề trong cuộc sống có phần thấu đáo hơn; Kiểm soát được cảm xúc của bản thân mỗi khi gặp biến cố; Xây dựng bộ quy tắc tạo nên "thương hiệu cá nhân" và tạo dấu ấn với người đối diện; Tự tin giao tiếp khi trong đầu luôn có một kho tàng ngôn ngữ được đúc kết từ sách...
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều cư dân ở chung cư hoặc khu phố đã lập các nhóm trên Facebook, Zalo để hỗ trợ lẫn nhau về thực phẩm, thuốc, chia...