Mỗi năm, hơn 300.000 vị thành niên nạo phá thai
Con số trên được nêu tại Hội nghị thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 27/8.
Theo các đại biểu, tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên (VTN) tại Việt Nam có xu hướng gia tăng và có thể còn cao hơn con số 300.000 ca/năm, bởi không được thống kê đầy đủ. PGS. TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nói: “Theo thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam, phá thai ở trẻ vị thành niên hằng năm là 300.000 ca, chiếm tỷ lệ 20%”.
Tuy nhiên, theo báo cáo thống kê hằng năm của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ phá thai của VTN chỉ 1 - 2%. “Có những trẻ mang thai tuổi 12 hoặc 13. Trẻ VTN phá thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương chiếm tỷ lệ thấp, có thể do các em ngại đến bệnh viện, muốn tìm kiếm dịch vụ phá thai tại các phòng khám tư nhân”, BS Chương nói.
Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), hằng năm, Bệnh viện Từ Dũ có khoảng 26.655 trường hợp phá thai, trong đó VTN chiếm 6,05%. Tỷ lệ này không biến động nhiều trong những năm qua, nhưng còn cao so với các nước trên thế giới.
“Công tác giảm số lượng phá thai ở lứa tuổi VTN không nên chỉ khu trú ở ngành y tế mà cần được xã hội quan tâm nhiều hơn. Cần có sự phối hợp các ban ngành của xã hội, của gia đình và nhà trường để chung tay góp sức nâng cao chất lượng dân số”, TS Tuyết nói.
Cô gái trẻ nhẫn tâm bỏ đi đứa con mình mang trong bụng (Ảnh minh họa)
Một đại biểu khác nói rằng, theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có tới 3.500 trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục, trong đó hơn 1.000 em bị hiếp dâm.
Đổi mới giáo dục giới tính
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD), kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên vào chương trình giảng dạy từ cấp trung học cơ sở trở lên theo hình thức, nội dung phù hợp với cấp học và bậc học. Đồng thời, cần đổi mới công tác truyền thông, giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho VTN, thanh niên (TN) phù hợp với từng độ tuổi, từng địa bàn.
GS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, nói rằng, nên giao hẳn công tác giáo dục SKSS/SKTD cho tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên chủ trì, thực hiện.
“Nên có một địa chỉ cụ thể, chuyên nghiệp. Nếu cứ giao chung cho nhiều đơn vị phối hợp thực hiện như vừa qua sẽ không rõ trách nhiệm. Cuối cùng, chỉ có ngành y tế phải chịu trách nhiệm, đó là đi giải quyết hậu quả cho các em!”, ba Tâm Đan phát biểu.