Mẹ một con quản lý chi tiêu gia đình bằng file excel
Ngọc Huyền phân chia các khoản mục thu chi trong file excel để nhìn rõ xem mình đang chi tiêu vào việc gì, từ đó quản lý tiền tốt hơn.
Nguyễn Thị Ngọc Huyền, 30 tuổi, đang làm co-host (quản lý căn hộ từ xa cho các chủ nhà), sống tại Nha Trang.
Khoảng hai năm nay, Nguyễn Thị Ngọc Huyền đã tập cách quản lý chi tiêu bằng excel. Ngọc Huyền, mẹ của một em bé bốn tuổi, cho biết cô tải app Google Sheet để nhập dữ liệu ngay trên điện thoại, "rất tiện lợi". Cô cũng rèn thói quen mỗi khi chi tiêu xong đều nhập ngay dữ liệu.
Trong đó, các khoản Huyền sẽ nhập các mục:
- Thu nhập
- Chi tiêu cố định (nhà, học phí... khoản cố định tháng nào cũng phải chi)
- Chi tiêu không cố định gồm:
+ Đi chợ (tất cả chi phí như ăn hàng, ăn vặt, đi chợ...)
+ Siêu thị (vừa đưa con chơi vừa mua sắm các đồ dùng trong siêu thị)
+ Mua hàng online
+ Khác: Chi cho các khoản hiếu, hỷ, biếu tặng, xăng xe, bệnh tật, làm nail, gội đầu...
File excel của Huyền để quản lý chi tiêu gia đình.
Theo Ngọc Huyền, bạn có thể phân loại theo nơi chi tiền để dễ bề nhập liệu. Ví dụ: Bạn mua mắm muối ở chợ, hãy nhập cột Chợ. Nếu mua đồ ở siêu thị, nhập cột Siêu thị; mua mỹ phẩm, quần áo online, hãy nhập cột Online. Nhờ thế, bạn không bị rối và nản khi nhập liệu.
"Nếu bạn đang chi nhiều tiền ở nơi nào, hãy hạn chế lui tới chỗ đó", Huyền cho hay. Tức là, nếu bạn thấy tiền ở cột Siêu thị đang nhiều, hãy giảm đi tới đó. Nhờ vậy, bạn sẽ bảo toàn được nguồn tiền. "Khi dư giả hơn, bạn có thể nâng dần mức sống nếu muốn", Huyền nói.
Sau đó, nhờ tạo các lệnh tính toán tự động trong excel, Huyền không cần tổng kết thu chi thủ công. Đồng thời, file excel này sẽ cảnh báo nếu bạn chi tiêu quá tay ở từng hạng mục nhất định. Sau một tháng, Huyền tự động chuyển tiền còn dư trong thẻ vào tài khoản tiết kiệm ở app ngân hàng, kể cả khi số dư chỉ vài trăm nghìn đồng. Loại tiết kiệm này không đòi hỏi Huyền thêm tiền vào một ngày nhất định mà mang tính chất gửi góp.
Trong file excel, Huyền cũng tạo một trang tính để tổng kết, nhờ đó cô sẽ biết tháng này đã và đang chi nhiều tiền vào việc gì, để các tháng sau tiết chế, điều chỉnh. "Bạn có thể tạo một tài khoản ngân hàng riêng chỉ dùng cho chi tiêu gia đình. Điều đó tránh cho việc bạn thấy tháng này kiếm được nhiều và chi nhiều", Huyền nói. File cũng có tính hệ thống nên giúp bạn tổng kết thu chi năm và đạt các mục tiêu tài chính cá nhân, gia đình.
Hồng Ngọc phân bổ ngân sách để thuê phòng trọ, điện nước nhiều nhất, rồi tới sinh hoạt phí, tiết kiệm, chi tiêu để phát triển bản thân.
Nguồn: [Link nguồn]