Mẹ chồng ốm, con dâu chăm sóc tận tình nhưng vẫn bị bà ghét ra mặt chỉ vì một lý do
Dù tôi có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, trong mắt mẹ chồng, tôi vẫn mãi là một đứa con dâu chẳng ra gì, một đứa “vô tri” bị chà đạp nhưng không hề phản kháng.
Tôi quê miền núi, lấy chồng về đồng bằng. Gia đình nhà chồng thuộc diện khá giả. Ngày chồng dẫn tôi về ra mắt với cái bụng bầu gần 3 tháng, ai nấy trong nhà đều tỏ ra ngán ngẩm, nhất là mẹ anh. Bà bóng gió nói tôi không có công ăn việc làm ổn định, gia đình lại khó khăn, không có điểm nào xứng với con trai bà. Thậm chí bà còn nặng lời nói tôi bỏ bùa ngải con trai bà để cố tình "úp sọt" anh.
Nhưng vì cái bụng tôi ngày một lớn trong khi tôi yêu chồng thật lòng nên vẫn cố gắng chịu đựng sự sỉ nhục từ mẹ chồng. Ròng rã gần 1 tháng trời, cuối cùng ông bà cũng đồng ý cho chúng tôi đến với nhau. Nhưng với lý do là vì gia đình ông bà gia giáo, không muốn mang tiếng "chạy làng" nên sẽ tổ chức đám cưới, chứ không phải là vì thích tôi.
Ảnh minh họa
Thời điểm ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là lấy được người mình yêu, tôi chấp nhận tất cả, bất kể là lý do gì đi chăng nữa. Thế nhưng, chính ác cảm ngay từ đầu đó đã khiến cuộc sống sau này của tôi không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là phải chịu ấm ức, cay đắng đủ điều.
Tôi bầu bì không đi làm ra tiền, chỉ ở nhà "ăn bám" chồng nên cũng biết thân biết phận. Dù ốm nghén nhưng tôi vẫn cố gắng dậy sớm cơm nước phục vụ bố mẹ chồng. Song vì khẩu vị vùng miền khác nhau cộng với việc lúc mang bầu tôi thay đổi vị giác nên hầu như các món ăn tôi nấu, bố mẹ chồng đều không vừa ý. Chồng tôi có nói đỡ cho tôi thì bị mẹ chồng gọi riêng vào giáo huấn.
Đợt tôi bầu tháng thứ 7 thì chị dâu tôi ở thành phố sinh con trai. Ở một tháng trên đó, chị cho cháu về quê chơi với ông bà nội nửa tháng. Vậy là trong thời gian ấy, tôi vừa phục vụ bố mẹ chồng, vừa phục vụ luôn chị dâu và cháu.
Nhà có máy giặt nhưng mẹ chồng yêu cầu tôi giặt tay hoàn toàn đồ của hai mẹ con chị. Dần dần, bà nói còn ít đồ của cả nhà, tôi tiện công giặt thì giặt luôn. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày nào tôi cũng phải ngồi giặt tay một chậu quần áo cho cả gia đình.
Đồ ăn ở cữ cho chị dâu cũng do tôi nấu. Nếu bữa nào chị dâu ăn hết thì không sao, hôm nào chị bỏ dở nhiều là y như rằng tôi bị mẹ chồng chì chiết chuyện không làm đến nơi đến chốn. Tôi không có ý ghen tị với chị dâu nhưng cách đối xử khác nhau một trời một vực của mẹ chồng với hai chị em khiến tôi cảm thấy vô cùng tủi thân. Mẹ chồng không nói thẳng ra nhưng bà luôn ẩn ý nói tôi vô tích sự không bằng một phần con dâu cả giỏi giang, làm ra nhiều tiền.
Rồi tôi sinh con gái, lại phải mổ vì sức khỏe yếu càng khiến mẹ chồng khó chịu ra mặt. Bà nói tôi đã không làm ra tiền, đến việc đẻ cũng làm không xong, lại phải mổ tốn kém thêm mớ tiền. Chưa kể con tôi là con gái cũng khiến bố chồng không vui. Vậy là càng ngày, tôi như cái gai trong mắt gia đình nhà chồng. Nhiều lúc ăn không dám ăn, ngủ không dám ngủ, chỉ sợ làm phật ý ông bà lại khiến chồng tôi ở giữa khó xử.
Tháng trước do thay đổi thời tiết nên mẹ chồng tôi bị ốm. Cả nhà cũng khá lo do bà có bệnh nền. Tôi vừa chăm con nhỏ vừa chăm sóc mẹ chồng tận tình. Tôi thay đổi món ăn từng bữa để giúp mẹ chồng ngon miệng hơn. Ngày ngày giúp bà vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đêm bà khó ngủ, tôi ngồi cạnh bóp chân cho bà. Vậy mà mẹ chồng vẫn coi đó là việc tôi phải làm.
Cuối tuần vừa rồi, vợ chồng chị dâu ở trên thành phố về thăm bà. Như mọi lần, mẹ chồng yêu cầu tôi phải chuẩn bị một mâm cơm tươm tất để đón anh chị. Trái với thái độ gắt gỏng với tôi, mẹ chồng tỏ ra niềm nở khi thấy chị về.
Thậm chí, trong câu chuyện với con dâu cả, mẹ chồng còn thẳng thừng nói "ngứa mắt" khi nhìn thấy tôi mỗi ngày. Đó là nguồn cơn khiến bà đổ bệnh (!?). Mẹ chồng còn nói chỉ cần tôi ra khỏi nhà, có lẽ bà sẽ thấy khỏe hơn.
Câu nói của mẹ chồng như xát thêm muối vào vết thương lòng của tôi. Suốt 2 năm đi làm dâu, tôi luôn cắn răng nhẫn nhục để làm tròn trách nhiệm dâu con trong nhà. Nhưng dù tôi có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa, trong mắt mẹ chồng, tôi vẫn mãi là một đứa con dâu chẳng ra gì, một đứa "vô tri" để bị chà đạp.
Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc. Tôi không đủ dũng cảm để ra đi nhưng tôi cũng không biết mình còn có thể chịu đựng cảnh chèn ép này bao lâu thêm nữa.
Ăn uống là hoạt động diễn ra hằng ngày, là nhu cầu tự nhiên của mỗi người nhưng xung quanh mâm cơm cũng có rất nhiều chuyện đáng bàn.
Nguồn: [Link nguồn]