Mẹ chồng muốn kiểm soát tài chính

Mẹ chồng bảo đưa lương hết cho mẹ giữ hộ, lúc nào cần tiêu thì mẹ lại đưa.

Tôi vừa về nhà chồng được ba hôm thì mẹ chồng bảo từ nay lương của chồng con đưa hết cho mẹ, mẹ giữ hộ, có gì cần mẹ lại đưa. Lương tôi mới đi làm nhà nước chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, thu nhập của chồng tôi mới là chính, giờ đưa hết cho bà thì chẳng lẽ mỗi lúc chi tiêu lại ngửa tay xin tiền. Tôi nên tỏ thái độ thế nào bây giờ?

Hãy tưởng tượng nhé, nếu bạn đầu tư toàn bộ tâm sức, tiền bạc vào một sản phẩm nào đó suốt 20 – 30 năm, đến khi nó bắt đầu sinh lời thì có một kẻ khác từ đâu tới, nẫng tay trên toàn bộ, bạn cảm thấy thế nào? Liệu bạn sẽ nhắm mắt làm ngơ, hay quyết liệt khẳng định quyền sở hữu của mình?

Đứa con trai với bà mẹ còn hơn cả một sản phẩm, vậy mà khi con bắt đầu lớn khôn, làm ra tiền, một cô gái xa lạ tự đâu đến chiếm giữ hết cả trái tim lẫn túi tiền của nó, liệu bà mẹ nào có thể dễ dàng cam chịu điều đó?

Cho nên bạn đừng ngạc nhiên và sốc vì chuyện mình vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng đã bị “đòn phủ đầu” như thế. Đấy là cách mẹ chồng bạn xác lập chủ quyền trong ngôi nhà của bà, một phản ứng tự nhiên. Ai cũng biết rằng trong gia đình, người nắm giữ tiền là người có tiếng nói quyết định. Có lẽ mẹ chồng bạn không tham, nếu tham, bà đã đòi giữ lương của con trai từ lâu, trước khi bạn xen vào. Bà chỉ muốn kiểm soát tình hình, bảo vệ con trai để nó đừng vì yêu vợ quá mà “mù quáng” ton tót đưa hết tiền, thành kẻ phụ thuộc, “sợ vợ”. Đấy cũng là lý do bà đòi giữ lương con trai nhưng phải nói trước mặt con dâu, để bạn hiểu vị thế của mình là đâu trong gia đình mới này.

Vấn đề không hẳn là chuyện tiền bạc, mà là quyền kiểm soát trong nhà. Cho dù bạn ngoan ngoãn nộp hết tiền thì sẽ nảy sinh những chuyện khác, ví dụ thói quen sinh hoạt, thời gian… phải “nhập gia tùy tục”, không thể tự do như ý bạn muốn được nữa. Rồi bạn sẽ phải ăn món mẹ chồng thích, dậy vào giờ bà nghĩ là nên dậy và một ngàn điều nho nhỏ hàng ngày theo nguyên tắc của bà, bạn có sẵn sàng cho điều ấy hay không? Quyền kiểm soát là một thứ vô hình, không phải như ăn no thì thôi, mà nó sẽ càng phình mãi ra, không có điểm dừng. Nếu hôm nay bạn nhẫn nhục không phản ứng, ngày mai sẽ có thêm một áp đặt khác, cứ như vậy cho đến khi bạn không chịu nổi nữa, muốn phá tung ra thì kẻ có lỗi sẽ là bạn. Tại sao ư, vì mẹ chồng bạn sẽ không hiểu cô con dâu từ trước đến giờ đang yên đang lành, bỗng dưng “dở chứng” ra với mẹ già như thế.

Thế tức là tôi nên tỏ thái độ ngay lập tức? Nhưng vừa mới về nhà chồng, làm thế có khác nào gây hấn với mẹ chồng, mà lại là chuyện tiền bạc, tôi rất ngại. Nhưng tôi cũng không thích mẹ chồng can thiệp sâu vào cuộc sống của vợ chồng tôi. Có cách nào để tôi vẫn nói được ý mình mà không làm mất lòng mẹ chồng được hay không?

Nếu đã có xung đột, ấm ức nhất thiết bạn nên tìm cách giải quyết, đừng tránh né nó. Tuy nhiên bạn cần không khéo chọn đúng thời điểm, nói với ai và theo cách nào. Bật lại mẹ chồng ngay lập tức, trước mặt nhiều người thì khác hẳn với thủ thỉ lúc bà đang vui. Nói thẳng với mẹ chồng, hay nói qua chồng và nói như thế nào, cũng là một khác biệt lớn.

Mẹ chồng muốn kiểm soát tài chính - 1

Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có tốt đẹp được hay không lại ở tấm lòng thành của bạn (Ảnh minh họa)

Ít nhất thì bạn chưa phản ứng vội, mà cân nhắc, suy nghĩ trước đề nghị của mẹ chồng. Không chỉ trong việc này mà bất kỳ việc nào khác, tìm hiểu động cơ, ẩn ý thực sự nằm sau cư xử của mẹ chồng là điều cần thiết. Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, nhất là trong những năm đầu hết sức tế nhị, phức tạp, không phải ai cũng nói và thể hiện điều mình nghĩ trong lòng, ngay cả bạn cũng vậy thôi, nhiều khi bụng ấm ức mà vẫn phải tươi cười. Vì thế, luôn có độ lệch thông tin trong các thông điệp đưa ra và bạn không nên hiểu mọi thứ chính xác theo nghĩa đen. Ví dụ, mẹ chồng nói về tiền lương, nhưng hàm ý sâu xa lại là chuyện khác. Nếu bạn cứ chăm chăm lo giải quyết vấn đề tiền bạc thì có khi lại giải sai bài toán, vừa mệt mà chẳng ăn thua gì.

Trong khi hai mẹ con còn đang dò dẫm ý nhau thì người trung gian làm cầu nối là điều nên làm. Ví dụ, bạn có thể hỏi ý chồng xem anh nghĩ gì về ý kiến của mẹ. Dù sao, lương là của chồng, nên người quyết định đưa nó cho mẹ hay cho ai là do anh ấy. Trong các việc khác cũng vậy, bạn có thể ý tứ cho mẹ chồng thấy mình là người vợ ngoan hiền, xem chồng là “đấng tùng quân” chứ không có ý định kiểm soát anh ấy. Điều ấy sẽ làm mẹ chồng bớt lo lắng, cảnh giác với con dâu.

Mỗi chính phủ đều có “Người phát ngôn chính thức” và trong gia đình mới nho nhỏ của bạn thì người ấy nên là chồng bạn. Cho dù “nghị quyết” do bạn âm thầm soạn thảo và ngọt ngào rót vào tai anh ấy thì người đứng ra tuyên bố vẫn nên là chồng bạn. Điều đó khiến anh ấy có trách nhiệm hơn với quyết định chung và mẹ thì thường chiều theo ý con trai.

Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn lấy được người đàn ông tâm lý, nghe và chiều vợ. Mọi việc sẽ không dễ dàng nếu chồng bạn lại là người vô tâm, không thích can dự vào những rắc rối gia đình mà anh ấy xem là “chuyện đàn bà lặt vặt” và lảng tránh vai trò cầu nối. Trong trường hợp đó, bạn vẫn có thể tìm trung gian qua một ai khác trong nhà chồng hiểu được mình, ví dụ chị em chồng, họ hàng, thậm chí người quen của gia đình… Bạn càng tạo được mối quan hệ thân thiết với những thành viên khác trong nhà chồng thì càng có hậu thuẫn tốt hơn.

Tuy nhiên, về lâu về dài thì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có tốt đẹp được hay không lại ở tấm lòng thành của bạn. Mọi mưu mẹo khéo léo chỉ là giải pháp tạm thời, khi hai bên còn chưa hiểu nhau. Nếu lúc nào bạn cũng xem mẹ chồng như một “đối thủ” phải đấu trí thì mối quan hệ sẽ căng thẳng. Giữa hai thế hệ luôn có sự khác biệt, ngay cả bạn với bố mẹ ruột cũng có nhiều cái bất đồng quan điểm, huống chi là mẹ chồng. Nhưng tình thương sẽ là cầu nối để tạo mối thông cảm, nhường nhịn và khi đó, bạn chẳng cần phải đâu đầu nghĩ kế, những mâu thuẫn sẽ tự hóa giải từ trái tim của mỗi người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo (Theo Mốt và Cuộc sống)
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN