Mẹ bị chỉ trích vì kiểm soát con trai đã 30 tuổi quá khắt khe
Con trai dù đã 30 tuổi nhưng đi đâu, đi với ai, làm gì... đều phải tuân thủ chế độ báo cáo một cách nghiêm ngặt với người mẹ.
Hành động của người mẹ ở Hong Kong, Trung Quốc, được một người bạn của cậu con trai chia sẻ lên diễn đàn DiscussHK.
Cụ thể, chủ nhân bài đăng cho biết người bạn nam của cô đã 30 tuổi song luôn bị mẹ giám sát chặt chẽ việc đi lại, phải giải thích mọi hành động và xin phép bà về mọi thứ, theo South China Morning Post.
"Mỗi lần con trai ra ngoài, bà mẹ đều gọi video xác nhận, thậm chí liên lạc với những người bạn con đi chung để kiểm tra. Người mẹ cũng yêu cầu con trai cung cấp tên và số điện thoại của bất kỳ người bạn nào mình đang ở cùng với lời giải thích rằng bà sợ không thể liên lạc với con trong trường hợp khẩn cấp. Người con trai ấy bị mẹ giám sát chặt chẽ việc đi lại, phải giải thích mọi hành động và xin phép mẹ về mọi thứ", tài khoản này cho biết.
Chàng trai 30 tuổi vẫn phải báo cáo đi đâu, với ai cho mẹ khi ra ngoài. Ảnh minh họa: SCMP.
Tài khoản này đặt câu hỏi: "Người mẹ này đang quan tâm đến con trai hay chỉ đơn giản là không tin tưởng con của mình? Bạn tôi đã 30 tuổi, đã là một người trưởng thành. Tại sao anh ấy vẫn cần được theo dõi nghiêm ngặt như vậy?".
Chính điều đó khiến chủ tài khoản chia sẻ nhiều khi không muốn đi chơi cùng chàng trai 30 tuổi, bởi không muốn mẹ của chàng trai gọi điện thoại đến làm phiền, dò hỏi nhiều điều.
Trên diễn đàn DiscussHK, phần lớn trong số hơn 80 bình luận đều cảm thấy người mẹ đang quá khắt khe và kiểm soát.
- "Người mẹ này không muốn để con trai mình đi".
- "Quá gắt gao và khắt khe. Đâu nhất thiết phải làm như vậy mới quản lý được con cái",
-"Thật nực cười với cách quản lý con như thế"...
Nhưng một số người khác cũng bênh vực người mẹ trước sự quan tâm quá mức này: "Thật may mắn khi vẫn còn một người mẹ ở tuổi 30. Hãy trân trọng điều đó!".
Hậu quả khôn lường của việc kiểm soát con quá mức
Tiến sĩ William Stixrud, một nhà Tâm lý học thần kinh lâm sàng làm việc tại Trung tâm Y tế Quốc gia Trẻ em và trường Đại học Y khoa - ĐH George Washington (Mỹ) và Ned Johnson, Chủ tịch và nhà sáng lập công ty Prep Matters, tin rằng chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ mới trong bối rối và lo lắng.
Ngày càng có nhiều "bà mẹ hổ", "bố mẹ trực thăng" kiểm soát con cái theo ý riêng (trên danh nghĩa vì lợi ích của con cái), nuôi dạy con thiếu mục đích và định hướng, tạo nên một thế hệ thiếu tự chủ và không có "nội lực".
Những chuyên gia này cho rằng, chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là cha mẹ ngừng can thiệp, cho trẻ tự do lựa chọn và ra quyết định nhiều hơn.
Tiến sĩ William Stixrud cho biết, trẻ chỉ có thể thực sự phát triển "quyền tự chủ" khi chúng cảm thấy có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và có được hướng đi mà chúng muốn trong cuộc đời.
"Buông tay" là điều rất khó đối với nhiều bậc cha mẹ. Họ cảm thấy rằng thế giới đang nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì vậy đứa trẻ phải được giám sát liên tục để đảm bảo không bị tổn thương hoặc đưa ra những quyết định sai lầm. Họ lo lắng về thành tích học tập của con cái, liệu con có thể được nhận vào các trường đại học ưu tú hay không và có thể tìm được một công việc tốt hay không.
Theo Tiến sĩ William Stixrud, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có mối liên hệ nào giữa việc học đại học của trẻ với thành công về tài chính hoặc nghề nghiệp trong tương lai, hoặc thậm chí là sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống sau này của trẻ.
Ảnh minh họa
Reed Larson, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu động cơ học tập và tập trung của thanh thiếu niên, đã kết luận rằng nếu trẻ em cống hiến hết mình cho những điều chúng thích, chúng sẽ phát triển trí não, cải thiện khả năng tập trung và không có áp lực. Vì vậy, trao cho trẻ quyền tự chủ, để trẻ tìm được ngành học yêu thích và định hướng học tập phù hợp, tạo môi trường học tập vui vẻ cho trẻ mới có thể nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc.
Tất cả chúng ta đều muốn cảm thấy rằng chúng ta đang kiểm soát vận mệnh của chính mình. Con cái chúng ta cũng vậy. Nhiều bậc cha mẹ sẽ nói với con cái rằng chúng phải tự chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của mình, tự quản lý tốt bản thân. Nhưng sau đó, họ bắt đầu quản lý bài tập về nhà, các hoạt động sau giờ học và những người bạn mà con cái mình nên có.
Theo thời gian, trẻ sẽ thấy rằng chúng không cần phải chịu trách nhiệm về việc học tập và cuộc sống của chính mình. Thiếu kiểm soát và cảm giác bất lực có thể gây khó chịu và căng thẳng, không chỉ gây tổn hại cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần của chúng trong tương lai.
Là người lớn, vai trò của cha mẹ không phải là ép buộc con cái đi theo những lộ trình mà chúng ta đã vạch ra, mà là giúp con phát triển các kỹ năng để tìm ra con đường của riêng mình, hình thành thói quen, lối sống và suy nghĩ lành mạnh để tiếp tục phát triển. Khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch, chúng sẽ tự điều chỉnh hướng đi, trở thành "người điều khiển" của chính mình.
Thay vì lo lắng hỏi han tình hình của mẹ, người đàn ông lại có hành động khiến mọi người choáng váng.
Nguồn: [Link nguồn]