Mất tiền xin việc vì phỏng vấn “ma”

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Muốn có việc làm kiếm tiền, phải đến trung tâm giới thiệu việc làm; đến trung tâm chắc chắn sẽ mất tiền nhưng chưa chắc đã có việc làm. Đó là nỗi lo của nhiều sinh viên Hà Nội.

Bước vào một trung tâm giới thiệu việc làm chưa đến 20 m2 trên đường Láng (Hà Nội), tôi vào đề: “Em muốn làm gia sư, chị cho lớp 12 thôi’’. Chị nhân viên vừa lục sổ sách vừa nói: ‘’Em mua một bộ hồ sơ tại đây, nộp lệ phí đăng ký 25.000 đồng và số tiền tương ứng với một tháng lương để bảo đảm là em sẽ không bỏ việc và thực hiện nghĩa vụ với trung tâm. Hết tháng, bọn chị sẽ trả lại em nửa số tiền tháng lương đầu tiên đó!”.

Em cứ nộp tiền

Chị đưa cho chúng tôi một số địa chỉ nhưng không địa chỉ nào thích hợp. Tôi đứng dậy, định ra về thì chị gọi giật lại: “Em cứ đăng ký mua hồ sơ, chỉ có 25.000 đồng thôi, khi nào có chị sẽ gọi ngay cho em!”

Trên hành trình “thử” tìm việc tại một trung tâm khác nằm ở cuối phố Hạ Đình, sau vài thủ tục phỏng vấn, tôi lại nhận được một lời hứa giống hệt trung tâm trước: “Em cứ đăng ký đã, khi nào có việc chị sẽ gọi ngay”. Nấn ná thêm một chút ở trung tâm này, tôi đã chứng kiến 3 sinh viên bỏ ra 25.000 đồng để đăng ký và sẵn sàng... đợi. Một sinh viên sau cuộc phỏng vấn đứng dậy tươi cười. Chị nhân viên tư vấn nói với theo: “Mai đi làm đúng giờ em nhé”. Tôi nhận ra cậu sinh viên ấy chính là người đã nộp tiền xin việc ở trung tâm trên đường Láng!

Mất tiền xin việc vì phỏng vấn “ma” - 1

Đến trung tâm chắc chắn sẽ mất tiền nhưng chưa chắc đã có việc làm (Ảnh minh họa)

Mất tiền hai lần

Hầu hết các trung tâm đều có một mạng lưới những vệ tinh đi khắp đường phố ngõ ngách tìm kiếm nơi có dán tờ rơi cần tuyển người làm, hoặc đơn giản và kinh tế hơn nhiều là vắt chân lên bàn chép từ tờ Mua và Bán ra. Chính vì thế mà thông tin về việc làm thường không chính xác. Khi dẫn khách hàng đến chỗ làm việc, nhân viên thường vào trước rào đón với chủ hàng mấy câu, sau đấy mới giới thiệu. Và đôi khi bỏ khách hàng lại cho bên cần người phỏng vấn tiếp.

Nhiều người tìm việc khi được dẫn đến chỗ làm mới ngỡ ngàng thấy yêu cầu về công việc khác xa so với yêu cầu mà nhân viên ở trung tâm cung cấp. Họ không nhận được việc khi về trung tâm lấy lại phí thì lại chịu mất phần trăm, nhiều khi mất cả chì lẫn chài. Có trường hợp, trung tâm còn mời luôn cả nhân viên của bên có nhu cầu tuyển dụng đến để phỏng vấn trực tiếp. Mỗi khi phỏng vấn như vậy, người tìm việc phải mất hai lần lệ phí. Một cho bên trung tâm, một cho nhân viên của bên cần việc. Mỗi bên khoảng 20.000 đồng. Nếu không trả lời được thì những phí đó coi như là phí giao dịch mà người đến tư vấn phải nộp. Nhưng “nhân vật’’ gọi là nhân viên của công ty nọ công ty kia khi trực tiếp phỏng vấn chỉ cần đặt ra một dấu số câu. Đa số đều không lọt qua được vòng phỏng vấn này và những lý do đôi khi không phải là lý do chính.

Câu hỏi mà các vị này hỏi nhiều khi ngớ ngẩn và không tập trung vào công việc mà người đăng ký đang cần làm. Chỉ cần sai một câu, có khi chỉ không đúng theo ý của họ thôi là coi như đã bị loại. Thực chất đó là một dạng “phỏng vấn ma” mà thôi. Nhiều trung tâm không kiếm tiền bằng việc bố trí công việc mà bằng các cuộc phỏng vấn “ma”. Bằng cách đó, họ đã tự tạo cho mình một việc làm ổn định, thu nhập cao mà không phải đi ‘’đăng ký” qua bất kỳ một trung tâm trung gian nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P. Minh - N. Quyết (Người lao động)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN