Mất Tết vì “cuộc chiến” quê nội - quê ngoại

Không dung hòa được chuyện “Tết nhà nội, Tết nhà ngoại”, có những cặp vợ chồng đã “phát động chiến tranh lạnh” khiến cho cả nhà mất Tết.

Tết là "ngày hội đoàn viên", là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau nhìn lại một năm và lên những kế hoạch cho năm mới. Nhưng với những người dâu mới, lần đầu tiên phải xa bố mẹ và ăn Tết nơi quê chồng sẽ có những cảm xúc rất khác...

***

Tết Nguyên đán là thời khắc đoàn viên, sum vầy nhưng không phải sum vầy ở đâu cũng vui vẻ, hạnh phúc. Ai cũng muốn được đón Tết bên những người sinh ra và nuôi lớn mình nên mới nảy sinh ra cuộc chiến “Tết nội, - Tết ngoại”. Dù mỗi người đều có một lý do riêng, chính đáng để lôi chồng hoặc vợ về quê mình ăn Tết nhưng có một điều không thể tránh khỏi là sự “sứt mẻ” trong tình cảm gia đình khiến cái Tết chẳng thể vẹn tròn.

Tết nội hay Tết ngoại?

Nếu cả hai vợ chồng cùng quê thì không quá khó khăn cho việc xắp sếp đón Tết bên nội, bên ngoại hợp lý. Nhưng nếu cặp vợ chồng nào cách nhau cả trăm cây số thì việc về quê nhà ai ăn Tết là cả một cuộc chiến cân não, thậm chí nó còn là “ngòi nổ” cho những cuộc chiến tranh lạnh kéo dài suốt dịp Tết.

Chỉ vì chuyện ăn Tết ở đâu mà vợ chồng chị Nguyên (Thái Nguyên) suýt  đâm đơn ly dị. Cả hai vợ chồng chị đều sống và làm việc ở Hà Nội, cả năm mới dẫn con về thăm ông bà được vài lần nên chị hiểu ngày Tết nên về quê sum họp, vui vầy cùng ông bà nội cho đúng trách nhiệm dâu con. Vậy là, 4 năm kể từ khi bước chân về nhà chồng, chị chưa một lần được đón Tết tại quê ngoại (Phú Thọ), chỉ tranh thủ ngày nghỉ Tết cuối cùng tạt qua nhà ngoại một lúc cho có không khí,

Mất Tết vì “cuộc chiến” quê nội - quê ngoại - 1

Nhiều cặp vợ chồng phải đau đầu vì cuộc chiến về quê nội hay quê ngoại ăn Tết (Ảnh minh họa)

Nhưng Tết Ất Mùi năm nay, chị quyết tâm phải dẫn chồng con về “nhà mình” đón Tết rồi đến mùng 4 thì quay về nhà chồng. Biết như vậy là “thiệt thòi” cho bố mẹ chồng (vì chỉ có anh là con trai duy nhất trong nhà, các chị con gái đều đi lấy chồng xa) nên trước đó, chị Nguyên đã phải lẳng lặng về xin phép bố mẹ chồng rồi sắm sửa Tết đàng hoàng cho ông bà. 

Nhưng khi chính thức đặt vấn đề này với chồng, chị chỉ nhận được sự im lặng. Hồi lâu sau anh mới thủ thỉ: “Thôi, vợ chồng mình về ăn Tết với ông bà nốt năm nay, rồi năm sau thì về nhà ngoại. Chứ hôm trước các chị gọi điện thông báo không về được, chẳng lẽ để ông bà ăn Tết một mình?”.

Chị tủi thân giãi bày rằng, 4 năm qua bố mẹ chị cũng chỉ lủi thủi đón Tết một mình, sao anh không nghĩ đến. Hai bên tranh qua, cãi lại rồi “mẹ cô”, “mẹ tôi” thế là không ai còn thiết tha nghĩ đến Tết.

Chị Nguyên tâm sự: “Nói ra thì thấy bản thân mình nhỏ nhen quá, vì bố mẹ nào cũng là bố mẹ. Nhưng quả thực, 4 năm rồi không được đón giao thừa ở quê ngoại. Đến khi cuộc cãi vã lên đến đỉnh điểm, anh bảo: “Nếu muốn về thì về một mình”. Mình uất ức quá nên đã bắt anh viết giấy ly hôn. May mà sau đó, bố mẹ chồng biết chuyện, ra đây giải quyết mọi việc mới êm xuôi”.

Cùng hoàn cảnh với chị Nguyên, anh Thành (Thanh Hóa) luôn gặp khó khăn trong việc thuyết phục vợ về quê ăn Tết. Hai vợ chồng anh sống tại Hà Nội, quê vợ cũng ở Hà Nội nên hai vợ chồng thường ăn Tết tại Thủ đô cho… tiện. Hơn nữa, đã có anh trai và chị dâu ở quê đón Tết cùng bố mẹ nên anh cũng không phải áy náy nhiều.

Tuy vậy, Tết đến xuân về, ai cũng muốn được đón Tết cùng bố mẹ đẻ. Hơn nữa, nhà có hai người con trai mà năm nào cũng chỉ có một nàng dâu tất bật lo toan, chuẩn bị Tết cho bố mẹ khiến anh không khỏi băn khoăn. 

Nhưng cứ hễ đề cập đến chuyện về Thanh Hóa là vợ anh lại giãy nảy từ chối với đủ lý do như: xa xôi, con nhỏ, say xe… Thế là suốt 3 năm qua, chưa bao giờ vợ chồng anh có mặt ở Thanh Hóa vào thời khắc giao thừa và 3 ngày Tết.

Mất Tết vì “cuộc chiến” quê nội - quê ngoại - 2

"Tết nội, Tết ngoại là cuộc chiến muôn thuở của nhiều cặp vợ chồng (Ảnh minh họa)

Năm nay, anh bày tỏ quyết tâm đưa con về quê nội đón Tết. Vợ anh viện cớ nịnh nọt không được thì phàn nàn rồi cuối cùng gây “chiến tranh lạnh”. Anh mặc kệ tất cả, thu xếp hành lý, sắm quà chuẩn bị về quê vì sợ rằng, đến khi có thể thuyết phục được vợ vui vẻ về quê ăn Tết thì "bố mẹ đã không còn".

“Tết nội, tết ngoại” là cuộc chiến muốn thuở của nhiều vợ chồng xa quê. Cho đến khi cuộc chiến ấy lên đến đỉnh điểm thì nhiều cặp vợ, chồng mới nhận ra, trong mắt đối phương, gia đình mình chưa bao giờ là gia đình của họ.  Bởi nếu thực sự coi cha mẹ mình là những người thân ruột thịt của họ thì đón Tết ở đâu, sum vầy với ai cũng là niềm hạnh phúc.

Mất Tết chỉ vì không “đình chiến”

Người ta nói “vui như Tết”, nhưng những cuộc cãi vã vì lý do không đáng như về ăn Tết quê nội hay quê ngoại đã khiến không ít cặp vợ chồng mất Tết. Họ lo toan, sắm sửa đầy đủ, cười nói chúc Tết mọi người, nhưng thực chất trong lòng lại ngổn ngang, bộn bề với những điều không vui về nửa kia. Như vậy, thì dù có được ăn Tết ở quê “đẻ” như mong muốn thì Tết cũng chẳng còn vui bởi không thuận vợ, thuận chồng.

Chị Thủy (Hà Nội) trăn trở: “Thấy người ra tranh cãi chuyện ăn Tết ở đâu mình cũng thấy tủi thân bởi lâu lắm rồi chưa được cùng mẹ làm mâm cơm cúng gia tiên ngày mùng 1 Tết. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện cãi nhau, rồi vợ chồng mỗi người một mặt đón Tết mình lại gạt đi mà vui vẻ lo Tết nhà chồng.

Hơn nữa, cũng không phải vợ chồng con cái cả dịp Tết không được về ngoại chỉ là về sau 2, 3 ngày. Ví như, với người ta, mùng 1, 2, 3 là Tết, còn với mình thì đến mùng 4, 5, 6 Tết vẫn tưng bừng. Hai vợ chồng cố gắng sắp xếp sao để cả hai bên cha mẹ đều được tận hưởng Tết sum vầy với con cháu là mình mãn nguyện”.

Đôi khi, cuộc chiến “Tết nội, Tết ngoại” xảy ra cũng chỉ vì sự hiếu thắng của mỗi người, cố tranh giành để thể hiện “bên nhà mình” quan trọng. Khi không thắng nổi đối phương thì đành đón Tết trong sự ấm ức, niềm vui Tết khi đó cũng không còn trọn vẹn.

Bởi vậy, mỗi cặp vợ chồng hãy cố gắng tìm ra tiếng nói chung trong việc tìm “bến đậu” ngày Tết. Quê nội hay quê ngoại đều là nơi sinh ra và nuôi lớn người quan trọng nhất cuộc đời mình nên hãy trân trọng những phút giây được đón năm mới ở đó. 

___________

Trong ngày Tết, phụ nữ là người phải đảm đương gần như hết mọi công việc trong gia đình, đặc biệt là chuyện bếp núc. Không ít người phụ nữ khổ sở, mệt mỏi khi họ phải đứng bếp từ sáng sớm để chuẩn bị mâm lễ cúng tổ tiên cho đến chiều, rồi tối để phục vụ khách khứa trong gia đình. Và với họ, Tết gắn liền với cái bếp, không có cơ hội để nghỉ ngơi, thăm người thân, bạn bè. Hãy cùng đón đọc bài tiếp theo: "Khiếp đảm cảnh “đứng bếp” ngày Tết" vào lúc 9h00 ngày 19/2/2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN