Mất Tết chỉ vì... sĩ diện hão

"Năm hết Tết đến chỉ vì lo chuyện tiền nong biếu Tết mà vợ chồng mình như ngồi trên đống lửa. Vay mượn khắp nơi chẳng được bao nhiêu, nên hai vợ chồng đang tính bán cả nhẫn cưới để lấy tiền biếu Tết".

Lời tâm sự của chị Hồng Minh (Hà Nội) trên một trang báo đang nhận được nhiều bình luận trái chiều từ độc giả.

Theo lời chị Hồng Minh "Hai vợ chồng đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Mấy năm đầu công việc thuận buồm xuôi gió (chồng mình làm bên kinh doanh bất động sản), tiền rủng rỉnh nên chi tiêu việc gì cũng rất thoải mái. Đặc biệt là biếu bố mẹ dịp Tết, năm nào anh cũng biếu bên nội không dưới 10 triệu. Còn bên ngoại cũng phải từ 2-5 triệu.

Nhưng mấy năm trở lại đây, công việc làm ăn cứ ngày một bết bát. Tiền nong cứ eo hẹp dần cộng thêm chi phí nuôi con nhỏ, nhưng số tiền biếu tết thì chẳng giảm đi". Và đây thực sự là gánh nặng trong gia đình chị dịp Tết về.

Thấy bí quá, khi chị thủ thỉ về việc sẽ cắt giảm số tiền biếu Tết liền bị chồng chị gạt đi, với lý do: "Cả năm mới có một dịp để có chút quà báo hiếu bố mẹ. Đừng nói là chục triệu, kể cả là 1 tỷ cũng chẳng thấm tháp gì với công ơn của ông bà. Nếu có cắt thì cắt khoản biếu bên ngoại đi, như thế sẽ đỡ hơn một chút”. Đến khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì giải pháp mà anh chị đưa ra là bán cặp nhẫn cưới đi, gộp cùng chút vàng tích góp được để lấy tiền biếu Tết, cho qua cái Tết này.

Mất Tết chỉ vì... sĩ diện hão - 1

Hãy để Tết mang ý nghĩa thật của nó: Tết xum vầy! (Ảnh minh họa)

Khó khăn mà chị Hồng Minh gặp phải là một thực tế mà rất nhiều gia đình đang trải qua khi ngày Tết về gần. Với nhiều gia đình, ngày Tết đang thực sự trở thành gánh nặng.

Năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Thìn (nhân viên văn phòng, Q.7, TP.HCM) quyết định ăn Tết đơn giản hơn tại Tp HCM và không về quê đoàn tụ cùng bố mẹ. Lí do chị Thìn đưa ra với bố mẹ ở quê là không mua được vé về nhưng nỗi lo vợ chồng chị giấu nhẹm là tài chính eo hẹp khiến chị không còn cảm giác hào hứng đón chào Tết như mọi năm nữa.

“Tết đến với quá nhiều điều dồn dập. Mua vé xe về cũng đắt, rồi quà cáp cho mọi người ở quê, tiền bạc để biếu ông bà ăn Tết… Cả năm quần quật rồi, giờ Tết chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, chẳng muốn đi đâu hay gặp ai”- chị Thìn tâm sự. Mọi năm chị Thìn còn nhiệt tình trang hoàng nhà cửa, gặp gỡ bạn bè họ hàng cũng làm ăn trên thành phố nhưng năm nay chị thấy sự nhiệt tình thiếu đi ít nhiều.

Không riêng chị Thìn, nhiều người đang làm ở đủ các ngành nghề như buôn bán, xây dựng và cả… nhà giáo ở khắp Việt Nam cũng cảm thấy áp lực từ Tết sao cứ bủa vây. Người buôn thì lo trả nợ bạn hàng, xây dựng thì lo thiếu lương, thưởng từ chủ thì lấy gì ăn Tết, nhà giáo thì thưởng Tết chẳng bao nhiêu sao lì xi cho học sinh vào thăm… Những nỗi lo cơm áo gạo tiền đã át đi cái không khí nô nức, vui vẻ, trang hoàng đường phố rực rỡ bên ngoài.

Tết cổ truyền xưa nay vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống, là dịp mà mọi người ai cũng vui vẻ hân hoan. Thế nhưng không biết từ bao giờ tết lại trở thành một gánh nặng và nỗi lo lắng cho nhiều gia đình như thế.

Nhịp sống những ngày cận Tết dường như còn hối hả hơn ngày thường khiến nảy sinh tâm lý chán nản, mỏi mệt và người ta chẳng còn mong chờ Tết đến nữa. Trong khi đó, ý nghĩa thực sự của ngày Tết là sum họp với gia đình, sẻ chia niềm vui với người thân yêu dường như bị những áp lực này làm cho méo mó, sai lệch. Và ngày Tết chúng ta cứ mãi mắc kẹt trong mớ bòng bong đó, muốn thoát ra khỏi cũng không dễ dàng gì khi cả xã hội đang bị vòng xoáy gồm tập hợp của những nỗi lo cuốn đi.

Là một chuyên gia tâm lý, bạn đọc Ánh Tuyết chia sẻ trên một trang báo: "Tôi không phản đối việc biếu quà tết bằng tiền, nhưng biếu bằng gì cũng nên xuất phát từ hoàn cảnh thực tế. Sẽ không có bố mẹ nào đòi hỏi con cái phải biếu tiền hay quà cáp cả. Nếu có điều kiện thì biếu bố mẹ chút tiền tùy tấm lòng để bố mẹ chi tiêu (tiền này không nhất thiết phải cho vào dịp tết), còn nghèo thì cũng chỉ cần một món quà nho nhỏ.

Nhưng phải nhìn nhận lại hoàn cảnh của mình, kinh tế đã khó khăn thì tốt nhất đừng chạy theo sĩ diện hão. Bởi như thế sẽ khiến tài chính gia đình bạn đã cháy túi lại càng thêm kiệt quệ. Cuộc sống gia đình cũng như tình cảm vợ chồng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Với các bậc làm cha mẹ, các cô các chú cũng cần thấu hiểu và thông cảm cho con cái mình, đặc biệt với những người đi làm ăn xa. Nếu con có về ăn tết, bố mẹ nên lường trước tính sĩ diện của con, tránh để con mình chi tiền quá mức.

Con cái nhiều khi không muốn bố mẹ phải nghĩ nhiều về mình nên cố gắng hoành tráng một các quá trớn. Khi con biếu tiền, nếu không quá thiếu thốn thì chỉ nên giữ lại một ít lấy lệ. Đừng vô hình chung biến việc báo hiếu thành gánh nặng tài chính cho con cái, khi cuộc sống của chúng còn khó khăn.

Còn những gia đình đang coi việc biếu tết như một gánh nặng, các bạn nên xem xét lại bởi có khi áp lực ấy do chính các bạn tạo ra. Hãy nhớ quà biếu không bằng cách biếu, thái độ ứng xử và cách thể hiện lòng hiếu thảo của mình với bố mẹ mới là quan trọng. Biếu Tết không nhất thiết phải bằng tiền hoặc thật nhiều tiền đâu nhé!"

Quả thật, để Tết thực sự là nụ cười hạnh phúc thì mỗi người chúng ta nên có cái nhìn khác đi về quà Tết, đồng thời cần lạc quan hơn và tạm gác những nỗi lo qua một bên thì Tết mới thảnh thơi, hạnh phúc được. Món quà Tết ý nghĩa nhất chính là giây phút sum vầy cùng gia đình và những người thân yêu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nghi (Gia đình & xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN