Màn tảo hôn bất thành của cô dâu 15 tuổi
Đôi bên đều có lý do riêng để đi đến quyết định dựng vợ gả chồng cho con.
Mắc bệnh hiểm nghèo, sợ cái chết đến bất ngờ, bà Hoàng sớm chiều thuyết phục đứa con trai kết hôn. Trớ trêu thay, người yêu con trai bà năm nay mới 15, chưa đủ tuổi cưới.
Điều đáng nói là sau khi cán bộ địa phương đến vận động, bà Hoàng không những không nghe mà còn… thật lòng mời cơ quan chức năng ở lại “chung vui với gia đình”. Bên cạnh đó, hàng trăm thiệp hồng cũng được phát tới tận tay các quan khách. Từ đây, hàng loạt chuyện bi hài đã xảy ra.
Trần Thị Ngọc Phương Anh, năm nay vừa tròn 15 tuổi
Cưới chạy
Bà Trần Thị Ngọc Điệp - phó chủ tịch xã Bình Thạnh cho biết: “Khi nghe tin về đám cưới trái pháp luật này, chính quyền xã đã đến gia đình nhà trai vận động, giải thích về luật Hôn nhân và Gia đình để họ hủy bỏ đám cưới. Đồng thời, chúng tôi cũng đã hai lần xuống vận động gia đình nhà gái. Họ đã cam kết sẽ không tổ chức đám cưới nhưng vẫn xin được làm lễ đính hôn, chờ đến khi cô dâu đủ tuổi kết hôn”. |
Khu phố An Thuận 2 (phường 7, TP. Tân An, Long An), bà Phạm Thị Hoàng (60 tuổi) có cậu con trai thứ hai Nguyễn Xuân Bính (21 tuổi).
Người yêu Bính là Trần Thị Ngọc Phương Anh, năm nay vừa tròn 15 tuổi. Do hơi chậm chạp, Phương Anh học vài năm mới lên được một lớp. 15 tuổi, cô bé vẫn chưa qua được bậc tiểu học. Vì vậy nên khi được gia đình nhà Bính “đánh tiếng”, ông bà Hội (bố mẹ Phương Anh) không suy nghĩ nhiều mà lập tức đồng ý, quyết định cho con gái nghỉ học lấy chồng.
Phương Anh và Bính quen nhau cách đây 2 năm. Lần ấy, Phương Anh theo gia đình xuống nhà cậu ruột ở TP. Tân An chơi thì thì tình cờ gặp Bình. Sau khi trao đổi số điện thoại, cả hai thường xuyên liên lạc, thăm hỏi sức khỏe nhau. Một thời gian sau, sự quan tâm dần chuyển hóa thành tình cảm trai gái. Bình ngỏ lời, Phương Anh đã gật đầu ưng thuận.
Đôi bên đều có lý do riêng để đi đến quyết định dựng vợ gả chồng cho con. Nhưng trong quá trình chuẩn bị, những trục trặc lại nảy sinh. Gia đình Bính muốn tổ chức đám cưới càng nhanh càng tốt. Trong khi đó, nhà Phương Anh lại chỉ muốn làm lễ đính hôn. Sau khi bàn bạc, hai gia đình thống nhất, nhà gái sẽ làm lễ đính hôn, còn nhà trai làm lễ kết hôn. 8/9 được ấn định là ngày vui trăm năm của đôi trẻ.
Ttrước ngày cưới hai hôm, bà Hoàng đã cho dựng rạp ở nhà, tiếng nhạc xập xình làm rộn ràng cả khu phố. Tuy nhiên, chuyện cô dâu tuổi 15 đến tai chính quyền. Trước sự việc vi phạm nghiêm trọng Luật Hôn nhân – Gia đình, các đoàn thể từ Công an đến UBND phường 7 (TP. Tân An) đã xuống xác minh, sau đó vận động và giải thích đám cưới này là là tảo hôn.
Nhưng ban đầu, người mẹ này nhất quyết bỏ ngoài tai tất cả với suy nghĩ: “Tảo hôn bị phạt có 500 nghìn đồng. Đến cả chục mâm tiệc còn lo được thì mấy trăm bạc có đáng chi”. Vậy là, bà vẫn vô tư bảo dàn nhạc mở loa to hết cỡ. Không những thế, bà còn hết lời… mời các đồng chí cán bộ ở lại chung vui với gia đình.
Bà Hoa Anh – mẹ Phương Anh chia sẻ chuyện gia đình.
Ngất xỉu trước ngày rước dâu
Người cha thừa nhận đám cưới con gái vi phạm pháp luật Vợ chồng ông Hội thừa nhận biết việc tổ chức đám cưới cho con gái khi chưa đủ 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bố mẹ cô dâu 15 tuổi cũng đưa ra nhiều lý do để biện minh cho quyết định này. Ông Hội cho biết: “Đầu tiên là đồng cảm cho hoàn cảnh éo le của gia đình con rể. Sau thấy Bính ngoan ngoãn, hiền lành và hiếu thảo với cha mẹ nên vợ chồng tôi cũng cảm mến và vun vén cho hai đứa. Trong hai năm chúng nó yêu nhau, dư luận địa phương cũng bàn tán nhiều nên vợ chồng tôi cũng muốn tổ chức làm lễ đính hôn cho con gái. Nhưng bên bà thông gia lại muốn tổ chức lễ rước dâu luôn”. |
Trước sự cố chấp của bà Hoàng, các cán bộ xã đã phải rất kiên trì để giải thích là vi phạm pháp luật khi quan hệ với trẻ vị thành niên. Phải đến chiều tối trước ngày rước dâu, người mẹ lo xa mới vỡ lẽ: Bính có thể phải đi tù vì tội “giao cấu” với vợ, do Phương Anh hiện mới 15 tuổi.
Mặc dù đám cưới vi phạm pháp luật đã kịp dừng lại nhưng hậu quả “dở khóc dở cười” mà nó để lại vẫn khiến những “người trong cuộc” méo mặt. Nhà chồng đã phải trả cho bên phục vụ tiệc cưới số tiền 20 triệu đồng.
Không những thế, gia đình này còn bị thiên hạ chê cười, xấu hổ với khách khứa khắp nơi. Nguyên nhân là do việc hủy đám cưới quá cận kề, gia đình đã không kịp báo lại cho khách khứa.
Vậy là sáng 8/9, trừ một số hàng xóm gần gũi biết chuyện, khách khứa khắp nơi nhận được thiệp hồng vẫn đến dự đám cưới của đôi trẻ. Nhưng họ chỉ thấy cảnh nhà chú rể phông bạt đã bị dỡ hết.
Bàn về đám cưới bi hài trên, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết: “Tư tưởng dựng vợ gả chồng cho con cái trước khi “nhắm mắt xuôi tay” đã tồn tại từ lâu ở nước ta. Điều này cũng thể hiện tâm lý bảo bọc, che chở cho con thái quá của nhiều phụ huynh. Thói thường, ai cũng muốn được chứng kiến các con khôn lớn, trưởng thành, hơn thế nữa là muốn nhìn mặt con dâu, con rể, muốn được ẵm bồng các cháu.
Xưa kia, ông bà ta còn rất “kị” chuyện “bà cô, ông mãnh”, tức là những người không lấy chồng/vợ, sống cả đời trong cô độc. Chính vì vậy các bậc phụ huynh thường muốn tận mắt chứng kiến cảnh con cái kết hôn, có đứa cháu nối dõi tông đường thì mới yên tâm về “nhìn mặt” tổ tiên".
Về phía gia đình cô dâu, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: “Suy nghĩ của gia đình cô dâu cũng xuất phát từ tâm lý muốn tốt cho con. Ông bà Hội hi vọng cuộc sống vợ chồng sẽ làm Phương Anh trưởng thành hơn, rời xa những cám dỗ, những tình cảm bồng bột dễ làm cô hư hỏng. Thực tế, hôn nhân với những lo toan, bận bịu chồng con sẽ giúp các cô gái nhanh chóng trưởng thành về mặt suy nghĩ.
Tuy nhiên với lứa tuổi vị thành niên thì điều này dễ lợi bất cập hại. Đây là độ tuổi mà các em đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất, phát triển về nhân cách, cuộc sống của các em sẽ xoay quanh việc thể hiện bản thân, mở rộng mối quan hệ bạn bè, khám phá những điều thú vị xung quanh… Các em chưa có đủ kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, sinh sản cũng như kỹ năng sống nên việc làm vợ, làm mẹ sẽ rất khó khăn.
Hơn nữa trong trường hợp này, Phương Anh là cô bé có phần chậm chạp về đầu óc. Nếu để em đến với cuộc sống hôn nhân quá sớm, chắc chắn sẽ không làm tròn được vai trò của mình. Gia đình nên dành nhiều hơn nữa thời gian và tâm sức để định hướng lại suy nghĩ và lối sống cho em, thay vì đẩy trách nhiệm giáo dục con sang một người nào khác”.