Mắc kẹt 3 tiếng trong thang máy, nhân viên số nhọ còn bị trừ lương vì tính là "nghỉ làm"
Do thang máy công ty bị lỗi, một nhân viên đã bị mắc kẹt trong đó đến 3 tiếng đồng hồ trước khi được “giải cứu”. Nhưng như vậy vẫn chưa hết xui, vì sau đó, người này còn bị trừ lương do bị coi là vắng mặt. Sự việc khiến cư dân mạng cũng thấy bức xúc.
Mắc kẹt trong thang máy là một trải nghiệm đáng sợ, thế nhưng mắc kẹt đến 3 tiếng trong thang máy của công ty hóa ra vẫn không phải là điều xui xẻo duy nhất mà một anh nhân viên gặp phải trong ngày.
Anh này làm việc ở một công ty tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Anh cho biết thang máy của công ty đã trục trặc suốt vài tuần và công ty cũng đã biết.
Vào một ngày không may gần đây, anh bấm thang máy lên tầng 7 của tòa nhà - nơi có công ty, thì bỗng thang máy dừng giữa chừng và đèn tắt hết, như thể bị ngắt điện. Anh bị mắc kẹt ở trong thang máy, điện thoại không có tín hiệu nên không thể liên lạc với ai.
Mắc kẹt trong thang máy là điều khiến bất kỳ ai cũng sợ hãi. Ảnh minh họa: India Times.
Sau một lúc, thấy điện thoại có tín hiệu chập chờn, anh liền gọi cho phòng nhân sự để thông báo tình hình. Đội sửa thang máy đến và sau đó 3 tiếng thì anh mới được cứu ra ngoài.
Anh nhân viên này vừa lên công ty, còn chưa ngồi ấm chỗ thì phòng nhân sự thông báo rằng anh không được chấm công ngày hôm đó nên lương cũng bị trừ. Tức giận, anh nói đã vậy thì anh đi về, nhưng phòng nhân sự cũng không đồng ý mà nói một nhân viên đã đến nơi thì cần ở lại công ty và làm việc đến hết giờ (dù bị đánh dấu là không đi làm).
“Họ bảo rằng nếu tôi đi về chứng tỏ tôi lấy lý do để nghỉ việc, không cố gắng, thiếu động lực làm việc” - anh nhân viên bực tức kể. Anh đã quyết định sẽ làm đơn gửi cấp trên về vụ việc này.
Kẹt trong thang máy mà cũng bị trừ lương. Ảnh minh họa: Pexels.
Cư dân mạng đều rất thông cảm với nhân viên xui xẻo này và bức xúc với công ty của anh. Họ viết:
“Đúng là anh không nên chấp nhận cách đối xử như thế. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ phải bù cho anh một ngày nghỉ khác”.
“Thật trơ tráo, lẽ ra họ phải bồi thường cho anh vì anh bị kẹt trong thang máy hỏng, vốn là tài sản của công ty”.
Dù tên công ty không được tiết lộ nhưng nhiều người Ấn Độ cũng thừa nhận rằng môi trường làm việc của một số công ty tại các thành phố lớn ở đất nước này là khá độc hại, gây ức chế cho nhân viên, mà thực ra ép nhân viên đến vậy cũng không có lợi gì cho công ty cả.
Nguồn: [Link nguồn]
Một công ty ở Trung Quốc đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi cấm nhân viên nhắn tin trò chuyện riêng tư trong giờ làm, nếu vi phạm sẽ phạt tiền thậm chí sa thải.