Ly hôn chỉ vì vợ đi làm về muộn
Đi làm về muộn, không có thời gian chăm lo cho gia đình là tình cảnh của không ít bà vợ trong thời buổi hiện tại.
Ngày nào cũng vậy, từ khi chuyển sang công ty mới làm việc, chị Nguyễn Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) đều đi làm về muộn. Thông thường, 17h30 hết giờ làm việc, vậy nhưng chị và một số người khác thường xuyên kết thúc công việc lúc 19h. “Về tới nhà là 8 giờ kém rồi, con cái đã được chồng cho ăn, tắm rửa xong và đang học bài, chồng ngồi đợi vợ về mới ăn cơm. Nhưng đấy là thời gian đầu, sau đó anh ấy “chán đợi” rồi nên thường hay ăn cơm trước. Những lúc ăn cơm một mình như vậy vừa tủi, vừa mệt, nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Tôi cứ nghĩ, cũng cần phải có một công việc mà một mức lương ổn để lo cho cả gia đình. Sau hơn một năm như vậy, anh ấy có người phụ nữ khác. Chúng tôi ra tòa ly hôn, lý do anh ấy đưa ra là thiếu bàn tay chăm sóc của vợ".
Ảnh minh họa
Tình cảnh của chị Huyền không phải là chuyện hiếm đối với nhiều chị em phụ nữ. Dù rất muốn chăm lo cho con cái, luôn cố gắng hết sức để chu toàn việc nhà, vậy nhưng công việc và mối lo kinh tế đã lấy đi của họ không ít thời gian.
“Nhiều lần tôi về tới nhà là 8 giờ kém, ăn uống xong lại nhanh chóng lao vào phòng làm việc mở máy tính… làm việc tiếp. Đó là những ngày tôi phải trực tối, làm việc ở nhà tới tận 11, 12 giờ đêm, rồi sau đó mới được đi ngủ. Con cái cũng toàn phải bà nội hoặc bố chăm bẵm. Vậy nên cứ nhận được tin nhắn báo về muộn của tôi là chồng chẳng nói năng gì”, chị Lan Anh (Thanh Xuân, Hà Nội), một biên tập viên cho hay.
Trước đây, khi công việc chưa quá bận rộn và phải đối mặt với mối lo giảm biên chế như hiện tại, chị Lan Anh và chồng thường xuyên về nhà sớm, cùng nấu cơm, chăm lo cho con cái. Những tối rảnh rỗi, chồng thường có thời gian ngồi cà phê với bạn bè. “Thời gian qua, anh ấy hầu như chẳng dám đi cà phê, đi thì chắc chẳng ai nấu cơm, tắm cho con, vợ chồng chắc 10 giờ mới được ăn tối. Nhiều lần tôi cũng nói anh thông cảm, vợ chồng đang còn phải “kéo cày trả nợ tiền mua nhà”, anh ậm ừ vậy nhưng qua thái độ là tôi biết, lúc nào vợ về cũng lầm lì ít nói, thỉnh thoảng lại thở dài”.
Cách đây không lâu, câu chuyện của một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hải (Hải Phòng) cũng nhận được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn. Chị Hải là nhân viên ngân hàng, sau mỗi ngày đều phải ở lại kiểm kê kho quỹ, chính vì thế chị thường ở lại muộn nhất cơ quan. Khi về tới nhà thì con đã ngủ, chỉ cuối tuần hai mẹ con mới có nhiều thời gian dành cho nhau, cả 1 năm trời như vậy khiến con gái chị bây giờ chỉ bám bố, quấn lấy bà. Chính vì điều này mà chị Hải phải nhiều đêm khóc thầm.
“Tôi chẳng khác nào chị ấy, thật ra cứ nghĩ mà xem, cuộc sống cứ xoay vòng, tỉnh dậy lúc 6 giờ sang, vội vàng đi làm lúc 7 giờ, về tới nhà 8 giờ tối. Hôm nào mà trực thì 9, 10 giờ đêm về tới nhà cũng có. Thậm chí, có lần về chồng đã đi ngủ, ăn cơm 1 mình xong buồn tủi quá, lên phòng ngủ chẳng nhẽ đánh thức chồng dậy… nói chuyện với mình. Không đành nên đi ngủ theo, sang hôm sau nói với nhau dăm ba câu lại đến giờ đi làm. Nghĩ mà buồn”, chị Nguyễn Huyền bày tỏ.
Công việc và gánh nặng san sẻ phần nào kinh tế với chồng khiến nhiều người phụ nữ rơi vào tình cảnh khó xử. “Nhất là khi con đau ốm, nhiều lần con ốm cả tuần liền, vợ nghỉ việc không được nên chồng phải nghĩ, nghĩ mà thương con, thương chồng, đi làm mà cứ đứng ngồi không yên”.
Với những người phụ nữ này, ưu tiên số 1 của họ không còn được toàn tâm, toàn ý cho gia đình, dù muốn chăm lo cho gia đình tới đâu đi chăng nữa, thì những gánh nặng trong cuộc sống cũng khiến họ phải cố gắng đầu tư hơn cho công việc. “Vẫn biết chồng sẽ cảm thông, sẽ đảm đương phần nào trách nhiệm của vợ, nhưng thử hỏi, đàn ông nào chăm lo được mãi, đàn ông nào ngày ngày lo về sớm cơm nước chơ vợ, bỉm sữa cho con. Nhiều khi, chồng lạnh nhạt cũng chẳng dám trách móc. Thương chồng lại nghĩ thương mình, chỉ buồn là thời buổi khó khăn quá, ai cũng phải bươn chải vậy thôi”.