Lý giải các vụ án ‘tình’ và bài học về giáo dục cách yêu cho người trẻ
Trong thời gian vừa qua, đã không ít lần dư luận dậy sóng với các video, clip “thảm sát” mà căn nguyên là những mâu thuẫn tình yêu. Đáng chú ý, kẻ gây tội trong các vụ án có tuổi đời rất trẻ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên nhưng điều ấy lại tỉ lệ nghịch với mức độ nghiêm trọng, hành vi tàn bạo.
“Domino” án tình
Ngày 11/8/2022, mạng xã hội đổ dồn sự chú ý về tình tiết vụ án mạng kinh hoàng trên phố Hàng Bài. Hung thủ giả làm tài xế Grap theo dõi nạn nhân, trong lúc cãi nhau, hắn rút dao thủ sẵn trong người đâm người tình nhiều nhát. Clip về vụ việc được người đi đường quay lại, đăng tải lên mạng xã hội gây chấn động dư luận về tính chất nghiêm trọng, sự man rợ của kẻ gây án.
Ngay sau đó 1 tháng, ngày 15/9/2022, dư luận dậy sóng trước 1 clip bị phát tán với những cảnh tưởng chừng chỉ có trên phim. Trong video do camera an ninh ghi lại, trên đường Láng Hạ, một chiếc xe taxi dừng chặn một cặp đôi đi xe máy, hung thủ lao xuống đâm “tình địch” và cướp cô gái lên xe, bỏ trốn. Nạn nhân tử vong tại chỗ.
Ảnh minh hoạ bởi AI.
Chưa hết bàng hoàng, lại sau 1 tháng, Phan Thanh Hoàng (19 tuổi, Bắc Ninh) bị bắt khẩn cấp vì tội giết người. Hắn ngồi bên ngoài cửa tiệm cắt tóc, nơi làm việc của người yêu cũ. Tại đây, Hoàng viết status với nội dung sẽ giết nạn nhân và vĩnh biệt người thân rồi đăng lên facebook. Ngay sau đó đối tượng xông vào cửa hàng dùng dao, kéo, cào đâm và đập nhiều nhát khiến chị B. chết tại chỗ. Anh D. là người yêu mới của chị B. đi qua bị đối tượng hành hung thương tích nặng. Một lần nữa những clip được người dân quay lại phát tán trên mạng xã hội gây căm phẫn.
Mới đây nhất, hình ảnh cô gái bị đâm đến tử vong ở phố Vương Thừa Vũ, hay vụ bị siết cổ bằng dây sạc điện thoại đến chết ở Đắk Lắk đầu năm 2023 làm dư luận dấy lên nghi vấn về một “Domino án tình” và đặt ra nhiều nghi vấn, lo toan: Tại sao các vụ án liên quan đến tình cảm liên tiếp xảy ra và có sự gia tăng về tính nghiêm trọng, liệu việc có quá nhiều thông tin về án mạng có ảnh hưởng đến tính chất gia tăng này, làm cách nào để giải quyết các mâu thuẫn và việc giáo dục về tình yêu từ sớm cho trẻ vị thành niên có nên hay không?
Để lý giải điều này, chuyên trang Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý học, TS tâm lý Đặng Hoàng Ngân. TS Đặng Hoàng Ngân tốt nghiệp thủ khoa ngành Tâm lý học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội); theo học thạc sĩ Tâm lý học Phát triển trẻ em và thanh thiếu niên ở Pháp. Cô nghiên cứu giảng dạy tại trường đại học một thời gian, hoàn tất học vị tiến sĩ và hiện nay đang là nhà nghiên cứu độc lập.
TS Đặng Hoàng Ngân chia sẻ: “Tin tức có thể ảnh hưởng đến chuẩn mực xã hội. Tác dụng hay tác hại của mạng xã hội khi đưa tin, phụ thuộc vào mục đích đăng bài và nội dung được khai thác. Tôi tin rằng có những trang xây dựng nội dung theo hướng nâng cao nhận thức và chuyển thông điệp giúp người sử dụng mạng xã hội tránh xa hoặc ngăn ngừa các hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, khi mục đích đăng tin để thu hút sự chú ý, tăng tương tác, sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đó là khi những bình luận hài hước hóa tội ác được nhiều người hưởng ứng. Đó là khi những lời trêu chọc, gắn tên người khác vào bình luận dưới bài viết được chấp nhận như một trò đùa. Đó là khi một số người sử dụng mạng xã hội chỉ đang “hấp thụ” thông tin để thỏa mãn sự tò mò, chứ không nhìn vào chiều sâu của vấn đề, suy ngẫm và hành động để giảm thiểu nguy cơ cho bất kì ai.
Với những động thái tập trung vào tin giật gân như vậy, chúng ta đối diện với nguy cơ tạo ra một chuẩn mực mới: hãm hại người khác là chấp nhận được, khi mình bị tổn thương và quá tức giận. Đáng sợ hơn: phạm tội vì tình là một xu hướng!”
Phân tích tâm lý tội phạm
Những vụ án liên quan đến mâu thuẫn tình yêu trong thời gian gần đây có tính nghiêm trọng, manh động và sự trẻ hoá độ tuổi gây án. TS Đặng Hoàng Ngân chia sẻ: “Hành vi phạm tội mang tính bạo lực trong mối quan hệ tình cảm, đặc biệt là giết người vì tình được nghiên cứu về pháp luật và tâm lý học dưới tên gọi “phạm tội vì động cơ tình ái” (crime of passion).
Trong những vụ án ấy, hung thủ không lên kế hoạch tỉ mỉ từ trước và che giấu hành vi phạm tội, mà thường hành động trong cơn xung động cảm xúc như ghen tuông hoặc cuồng nộ. Những vụ án có tính nghiêm trọng và manh động này không phải là hiện tượng gần đây mới có, mà đã xuất hiện từ lâu trên toàn thế giới. Gần đây, có nhiều vụ án như vậy ở Việt Nam được đưa tin, làm chúng ta chú ý hơn đến kiểu hành vi phạm tội này.
TS Đặng Hoàng Ngân thường xuyên chia sẻ, đối thoại về tâm lý với người trẻ.
Chúng ta thường thấy hung thủ và nạn nhân trong những vụ án này từng ở trong mối quan hệ tình cảm và nay đã kết thúc. Tuy nhiên, hung thủ không chấp nhận được sự kết thúc, cộng thêm thiếu năng lực giải tỏa ấm ức, giận dữ, tổn thương; thiếu sự trưởng thành trong nhận thức và không ra nhận trách nhiệm của bản thân cho tình trạng mối quan hệ không như ý.
Hung thủ cho rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho sự tổn thương và những cảm xúc tiêu cực của hung thủ. Do đó, hung thủ chọn làm tổn hại người khác, như một hình thức trừng phạt lỗi lầm hoặc như một sự đền bù cho trải nghiệm đau đớn của bản thân. Hơn nữa, việc phương hại đến mạng sống của con người được nhìn nhận là đã vượt qua ranh giới tinh thần lành mạnh.
Một số trường hợp đặc biệt, hung thủ sau khi ra tay với nạn nhân, cũng tự chấm dứt cuộc sống của mình. Trong niềm tin của những người như vậy, mối quan hệ của họ và người họ yêu tượng trưng cho ý nghĩa hợp nhất duy nhất. Họ không thể tồn tại nếu không được người mình yêu cũng đón nhận. Niềm tin như vậy phản ánh sự chưa trưởng thành của tâm trí. Nói cách khác là chưa hình thành được niềm tin về khả năng sống như những con người độc lập.”
Những vấn đề trong tình yêu nên được xử lý như thế nào để tránh gây mẫu thuẫn lớn? Có nên giáo dục về tình yêu từ sớm cho trẻ vị thành niên?
TS Đặng Hoàng Ngân cho biết: “Trong mối quan hệ tình cảm, chắc chắn hai người sẽ gặp mâu thuẫn. Để mâu thuẫn nhỏ không bị leo thang thành những căng thẳng lớn, hai người cần học cách lắng nghe góc nhìn của người kia và hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề, thay vì đòi hỏi người kia phải thay đổi vì mình, hoặc gượng ép mình thay đổi vì người ấy.
Tuy nhiên, xây dựng hoặc thậm chí khép lại mối quan hệ tình cảm một cách lành mạnh cần học về rất nhiều điều hơn thế. Chẳng hạn: Tìm hiểu hệ giá trị sống của mỗi người và đánh giá sự phù hợp về hệ giá trị của hai người; Nhận biết những tổn thương và hạn chế trong giao tiếp cặp đôi của bản thân; Bày tỏ để người yêu hiểu tổn thương và hạn chế của mình; Khích lệ người yêu cũng bày tỏ như vậy; Đánh giá khả năng dung chứa của mình với những hạn chế của người yêu; Bày tỏ những mong đợi hoặc sự không hài lòng của mình với người yêu, với thái độ tôn trọng; Hiểu rằng mối quan hệ có thể dừng lại khi hai người không chung tiếng nói, không thể nỗ lực cùng nhau; Học cách cân bằng cảm xúc cá nhân bằng các nguồn lực phù hợp (tự mình, bạn bè, các dịch vụ trợ giúp tinh thần,…) thay vì đặt trách nhiệm phi lý lên người yêu.
Ảnh minh hoạ bởi AI.
Như vậy để thấy rằng, tình yêu không thể thiếu nền tảng hiểu biết và giá trị sống. Không bao giờ có một tình yêu lành mạnh nếu chỉ dựa trên cảm xúc. Do đó, tôi nghĩ rằng không phải là giáo dục về tình yêu từ sớm cho trẻ vị thành niên, mà cần giáo dục và thực hành các giá trị sống từ sớm cho trẻ nhỏ. Trẻ em học từ chương trình giáo dục, từ quan sát hành vi, lối sống thực tế của người lớn, để nội hóa thành các giá trị của mình.
Nếu trẻ em cảm nhận được về tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân, về sự chia sẻ, về việc nhận đúng trách nhiệm bản thân cho những gì xảy đến với mình, về lòng biết ơn,… trẻ sẽ có nền tảng để trở thành những thanh thiếu niên, những người lớn biết cách yêu thương.
Và nếu thu hẹp lại ở lứa tuổi vị thành niên, cần có nội dung về tình yêu phù hợp với lứa tuổi, được dạy trong trường học. Chẳng hạn như: đánh giá lòng tự trọng của mình trong mối quan hệ; bình đẳng giới; giao tiếp phi bạo lực; đồng thuận trong mối quan hệ tình cảm; quyền được từ chối; ứng xử văn minh khi khép lại mối quan hệ; tìm kiếm sự trợ giúp nếu gặp tổn thương cảm xúc, tinh thần hoặc thể chất từ mối quan hệ hẹn hò.”
Ở một góc độ nào đó, tình yêu xuất phát từ chính mong muốn hoàn thiện bản thân, khi một người muốn chăm lo, bảo vệ cho một người khác, mong muốn dựng xây gia đình, góp phần phát triển xã hội. Bản chất trong sáng, cao thượng của tình yêu chỉ được phát huy khi chúng ta hiểu và thực hành các giá trị sống, đó cũng chính là “cách yêu” mà người trẻ cần hướng tới và nên được định hướng từ sớm.
Nguồn: [Link nguồn]
Nói về chủ đề lương trong một chương trình dành cho Gen Z, Long Chun đưa ra quan điểm: "Ngày xưa em thầm mong một tháng kiếm được 10 triệu. Còn giờ lương được 10 triệu thì...