Luật vẫn chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị bỏ điều “cấm” và chuyển thành “không thừa nhận” hôn nhân cùng giới.

Trong bản mới nhất trình Quốc hội vào tháng 5/2014, toàn bộ quy định về giải quyết hậu quả pháp lý khi hai người cùng giới sống chung với nhau về tài sản, con cái đã bị đưa ra khỏi Dự thảo luật hôn nhân và gia đình.

Theo thông tin từ Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, ban soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã quyết định bỏ điều 16 và chỉ giữ điều "không thừa nhận hôn nhân cùng giới", tờ trình sẽ được đưa lên Quốc hội trong tuần tới.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị bỏ điều “cấm” và chuyển thành “không thừa nhận” hôn nhân cùng giới. Nhưng, toàn bộ Điều 16 trong bản Dự thảo trước về giải quyết hậu quá pháp lý của việc chung sống giữa những người cùng giới được đề nghị bỏ đi. Lý do được đưa ra là nhằm phù hợp với quy định tại Điều 8, là không thừa nhận hôn nhân cùng giới, dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận quan hệ tình cảm, sống chung giữa những người cùng giới là một thực tế đang tồn tại và cần giải quyết.

Một số ý kiến cho rằng, các cặp đôi cùng giới có thể dùng luật dân sự để giải quyết và đảm bảo quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Hải (Trưởng phòng Pháp luật dân sự- Bộ Tư pháp), đối với luật dân sự thì nguyên tắc nền lảng là bình đẳng, ai tạo ra bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Sự bình đẳng này nếu áp dụng vào mối quan hệ chung sống giữa hai người cùng giới thì lại bất cập.

Một cặp đôi chung sống có thể hy sinh rất nhiều cho nhau để tạo dựng cuộc sống chung, trong đó có việc phân công lao động làm nội trợ, chăm sóc con cái hay đảm nhận thu nhập chính. Sự bình đẳng trong mối quan hệ gia đình này lại không phải là "làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu” nữa mà phải là có quyền ngang nhau. Vì vậy, nếu chỉ giải quyết quan hệ cùng giới bằng việc đảm bảo tính nhân bản này là rất khó”, ông Hải nói.

Luật vẫn chưa thừa nhận hôn nhân đồng tính - 1

Sự bình đẳng này nếu áp dụng vào mối quan hệ chung sống giữa hai người cùng giới thì lại bất cập (Ảnh minh họa)

Người đồng tính thất vọng

Anh Phạm Khánh Bình, một người đồng tính tại Hà Nội chia sẻ: “Cấm có nghĩa là không được làm, còn không thừa nhận thì giống như không làm được. Người đồng tính đã chuyển từ “không có quyền” sang “không thực hiện được quyền”.

Thực tế thì người đồng tính vẫn sống với nhau và không được pháp luật bảo vệ các quyền như thừa kế theo pháp luật, đại diện nhân thân, tài sản chung, đặc biệt không bảo vệ quyền lợi của trẻ em là con chung của các cặp đôi. Với quy định như Dự thảo mới nhất thì gần như không thay đổi gì so với hiện tại cả, chỉ “an ủi” chúng tôi từ việc cấm sang không thừa nhận.”

Một cặp đồng tính nữ đang chung sống với nhau tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi có cảm giác nếu bỏ Điều 16 ra khỏi dự thảo không quy định gì nữa, thì giống như trách nhiệm đang được đẩy về phía công dân. Chúng tôi phải tự bảo vệ mình, tự tôn trọng quyền của mình trong khi không ai bảo vệ, không ai thừa nhận? Nếu chỉ giải quyết bằng luật dân sự thì khác gì hai người xa lạ?”

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho rằng: “Việc dự thảo bỏ đi Điều 16 về chung sống cùng giới sẽ gây hoang mang cho cộng đồng người đồng tính, gây hụt hẫng cho rất nhiều người, trong đó có cả gia đình của họ vốn đang rất mong chờ pháp luật sẽ có sự thừa nhận pháp lý với quan hệ chung sống cùng giới. Tôi mong Quốc hội nên thật sự cân nhắc về vấn đề này”.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Được và mất hôn nhân đồng tính

Băn khoăn khi thú nhận là gay với bố mẹ

Đám cưới đồng tính gây xôn xao TP Mỹ Tho

Hành trình hạnh phúc của cặp đồng tính nữ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng (Infonet)
Tình yêu đồng giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN