Lòng nặng trĩu không muốn về quê vì lì xì Tết
Lì xì ít thì bị chê, lì xì nhiều thì kinh tế không trong cho phép. Đôi khi, chỉ vì một vài phong bao lì xì mà mà nhiều người cảm thấy Tết không trọn vẹn.
Lì xì ngày Tết là nỗi lo của nhiều người (ảnh minh hoạ)
Lì xì là một phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Lì xì là niềm vui, là sự chờ mong háo hức của con trẻ nhưng đôi khi lại là vấn đề nan giải của người lớn. Lì xì ít thì bị chê, lì xì nhiều thì kinh tế không cho phép. Đôi khi, chỉ vì một vài phong bao lì xì mà mà nhiều người cảm thấy Tết không trọn vẹn.
Năm nay là một năm kinh tế buồn đối với chị Thanh Thảo (32 tuổi) khi công việc kinh doanh gặp khó khăn. Hơn nữa, vợ chồng chị đang phải tập trung trả nợ cho căn nhà mới mua nên khoản tiền tiêu Tết càng eo hẹp. Trong số những khoản cần chi, chị lo nhất tiền lì xì Tết.
Gia đình hai bên nội ngoại đều đông con cháu, những năm trước làm ăn khấm khá, chị đã mừng tuổi rất “phóng tay”. Vô tình, nó đã trở thành thước đo, năm sau chỉ có thể mừng tuổi bằng hoặc nhiều hơn năm trước, nếu chị mừng tuổi ít hơn, các cháu nhất định sẽ thất vọng.
Chị Thảo kể, những năm trước, chị thường mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ hai bên nội ngoại từ 1 đến 2 triệu đồng. Các cháu ruột thịt mừng tuổi ít nhất 500 nghìn đồng. Các cháu họ hàng xa hơn thì khoảng 100 đến 200 nghìn đồng tuỳ vào mức độ thân thiết. Chị thậm chí không so đo chuyện người khác mừng tuổi con mình thế nào mà chỉ dựa vào khả năng kinh tế của mình và lì xì con nhà họ. Vì sự hào phóng đó mà khoản mừng tuổi của chị Thảo trở thành niềm háo hức của con cháu ở quê.
“Năm nay thì gay rồi đây, công việc bấp bênh, làm ăn thất bát, lại thêm khoản nợ ngân hàng treo lơ lửng trên đầu, tôi không thể phóng tay lì xì như những năm trước. Nhưng nếu lì xì ít hơn, chắc hẳn bọn trẻ sẽ thất vọng lắm, tôi cũng bẽ mặt. Hôm bữa về quê, tôi đã nghe mấy đứa nói vui: “Năm nay chỉ chờ lì xì của mợ Thảo…”. Nghe mà nẫu lòng. Cứ nghĩ đến khoản mừng tuổi tôi lại mong Tết đừng vội đến”, chị Thảo tâm sự.
Năm nào cũng vậy, lì xì Tết luôn là mối lo của chị Huế (26 tuổi). Vợ chồng chị làm công nhân trên thành phố, cả nhà 3 người ở trọ trong căn phòng gần 20m2, cả năm chỉ dám về quê đôi lần vì tiếc tiền tàu xe. Dịp Tết cận kề, nghĩ chuyện về quê ăn Tết chị lại “tần ngần” vì lo tiền mừng tuổi người già, trẻ nhỏ.
Kinh tế eo hẹp, chị tính toán kỹ lưỡng tiền lì xì cho từng… đầu người. Bố mẹ già, chị mừng tuổi 500 nghìn đồng, các cháu thân thiết mừng tuổi 100 nghìn đồng, con cháu họ hàng xa chị chỉ mừng tuổi 20 đến 50 nghìn đồng. Dù là vậy, khoản tiền lì xì 5-7 triệu đồng cho cả cái Tết cũng là quá tải với vợ chồng chị.
“Lương vợ chồng tôi mỗi người dăm bảy triệu, cũng chỉ đủ chi tiêu, lo cho con cái ăn học. Năm nào thưởng Tết ổn tí thì Tết no đủ, năm nào đói kém thì cũng phải “giật gấu vá vai” mới lo xong cái Tết, tiền đâu mà lì xì 100 – 200 nghìn đồng. Nhưng quả tội, lì xì ít cũng ngượng lắm. Bọn trẻ giờ tinh ranh, có đứa vừa nhận lì xì xong mở luôn phong bao, thấy bên trong chỉ có 20 nghìn đồng thì trề môi chê ít. Cũng chỉ biết cười gượng thôi chứ biết trả lời sao. Nhà mình có 1 đứa con, sang chơi nhà nào có một đàn cháu là thấy run rồi”, chị Huế ngậm ngùi.
Cũng vì chuyện tiền lì xì mà chị Kim Thanh (29 tuổi) ngại đi chơi Tết. Chị chia sẻ, chuyện mừng tuổi đôi khi tạo ra những tình huống rất khó xử. Chị từng chứng kiến một bà mẹ bối rối khi bị con người khác bĩu môi chê phong bao lì xì 20 nghìn đồng và bản thân chị cũng đã rơi vào trường hợp đó.
“Mình đến nhà họ hàng chơi, gặp một đàn cháu của nhà họ đến. Vốn chẳng quen biết gì nhưng lì xì nhưng nghĩ cũng là con nít, chẳng lẽ đứa có đứa không, mình mừng tuổi thẳng tay mỗi đứa 20 nghìn đồng, không cho vào phong bao gì cả. Đứa trẻ đó cầm tờ tiền đến bảo mẹ nó: “Bác này lì xì có 20 nghìn thôi mẹ ạ”. Mình muối mặt. Lì xì ít thì bị chê, lì xì nhiều thì không có, thành thử mình ngại đi thăm hỏi chỗ này chỗ nọ ngày Tết”, chị chia sẻ.
Những năm gần đây, chị chỉ đưa con đến chúc Tết họ hàng thân trong ngày mùng 1, 2. Những ngày còn lại, mẹ con chị cùng nhau đi cà phê hoặc ở nhà xem phim thư giãn. Chị tự thấy bản thân may mắn khi không bị bó buộc quá nhiều bởi chồng và bố mẹ chồng.
Vốn dĩ, mừng tuổi người già, trẻ nhỏ ngày Tết là để lấy may, dựa trên sự tự nguyện của mỗi người nhưng đôi khi nó lại là món nợ, là “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Bởi vậy, lì xì ngày Tết là nỗi lòng của chẳng riêng ai.
Tôi chợt nhận ra một điều, một khi mẹ chồng ghét mình, dù tôi có đối xử tốt bao nhiêu cũng bằng thừa.
Nguồn: [Link nguồn]